Dòng sự kiện:
1 tuổi, ôm 86.000 tỷ đồng nợ xấu
01/10/2014 15:43:37
ANTT.VN - Theo Thống đốc NHNN, tính tới nay thì VAMC mới chính thức tròn 1 tuổi, nhưng hiện tại doanh nghiệp được ví như "cây đũa vàng" này đã mua vào được 86.000 tỷ nợ xấu.

Tin liên quan

 
Hệ thống ngân hàng Việt Nam ngay từ những ngày đầu mở cửa thì đã dần hình thành “những khối u” qua các vụ án mang dấu ấn lịch sử rồi khoản nợ khủng của thủy sản Phương Nam hơn 16.000 tỷ đồng. Từ khi Chính phủ ra quyết định tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cùng với việc công khai tình hình nợ xấu của các ngân hàng thì vấn đề nợ xấu và xử lý nợ xấu chính là một trong những nhiệm vụ cốt yếu và bức thiết nhất. 

Để tiến hành giải quyết vấn đề trên, tháng 7/2013, Chính phủ đã quyết định thành lập Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sau khi được thành lập, VAMC được kỳ vọng đóng một vai trò chủ đạo trong công tác xử lý nợ xấu thông qua các nghiệp vụ mua, bán, cũng như cơ cấu lại các khoản nợ.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, sau tròn một năm chính thức đi vào hoạt động, hiệu quả thực sự của công ty này vẫn bị đặt nhiều dấu hỏi và nói theo cách ví von của nhiều chuyên gia thì việc xử lý nợ xấu ở VAMC mới chỉ dừng lại ở mức “thò được vài con dao thăm dò sinh tiết”.
 

Một tuổi ôm 86 nghìn tỷ nợ xấu

Quí IV năm ngoái, khi VAMC đi vào hoạt động và những khoản nợ đầu tiên được mua, người ta đã hy vọng nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” để “phẫu thuật” nợ xấu. Nhiều người cho rằng một cơ chế xử lý nợ đã ra đời, giống như ở các nước trong các cuộc khủng hoảng trước đây, và cơ chế này sẽ mang lại hiệu quả.

Trong buổi chất vấn chiều 29/9, Thống đốc cho biết về kết quả xử lý nợ xấu đã có tổng cộng 249.000 tỷ đồng được xử lý, trong đó VAMC đã mua lại số nợ xấu trị giá 86.000 tỷ đồng từ các NHTM. Bên cạnh đó, tổng giá trị thực tế của các tài sản đảm bảo được ước tính cao gấp 2 lần giá trị các khoản nợ xấu.

Thống đốc trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nợ xấu

Trước đó, trong báo cáo giải trình của Thống đốc, tính đến hết tháng 8/2014, VAMC đã thu hồi được 1.462 tỷ đồng nợ xấu thuộc 31 tổ chức tín dụng, điều chỉnh lãi suất cho 4 khách hàng với tổng dư nợ được điều chỉnh là 226 tỷ đồng.

VAMC còn phối hợp với tổ chức tín dụng cấp bổ sung hạn mức 950 tỷ đồng (đã giải ngân được 425 tỷ đồng) để hoàn thiện 2 dự án dở dang của 2 khách hàng, thực hiện bán nợ của 7 khách hàng với tổng dư nợ gốc của các khoản nợ là 623 tỷ đồng, giá bán nợ là 484 tỷ đồng; bán 11 tài sản bảo đảm của khách hàng, thu hồi được 212 tỷ đồng nợ gốc.

VAMC không phải “chiếc đũa thần”

Cơ chế hoạt động của một tổ chức như VAMC ở các quốc gia khác thực chất là Nhà nước bỏ tiền ra mua nợ rồi ôm khoản nợ đó một thời gian, đợi đến khi nền kinh tế phục hồi, bất động sản ấm dần lên, Nhà nước bán nợ ra, thu tiền về. Những ngân hàng bán nợ được tiếp thêm sinh lực nhờ được bơm máu từ ngân hàng, dùng tiền tươi để hồi sinh.

Nhưng VAMC không như vậy. VAMC mua nợ bằng giấy mà không có đồng tiền ngân sách nào. Khi tiến hành bán nợ xấu cho VAMC, các ngân hàng thương mại sẽ nhận được một trái phiếu đặc biệt có thời hạn tối đa 5 năm, lãi suất 0%. Nếu có nhu cầu thanh khoản, các NHTM có thể mang trái phiếu đó lên chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước để tái cấp vôn.  

Nghị định 53 quy định tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu đặc biệt có các quyền sử dụng trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có nghĩa vụ Trích lập dự phòng rủi ro hàng năm đối với trái phiếu đặc biệt vào chi phí hoạt động theo tỷ lệ không thấp hơn 20% mệnh giá trái phiếu trong thời hạn của trái phiếu đặc biệt để tạo nguồn xử lý nợ xấu khi được mua lại từ Công ty Quản lý tài sản; Sử dụng trái phiếu đặc biệt để mua lại theo giá trị ghi sổ các khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua bằng trái phiếu đặc biệt nhưng chưa được xử lý hoặc thu hồi toàn bộ vào thời điểm trái phiếu đặc biệt đến hạn theo quy định.

 

Như vậy, VAMC đúng như NHNN định nghĩa ngay từ đầu, “không phải chiếc đũa thần” vì nó không có tiền. Đã thế cơ chế của nó cũng không đổi mới. Trong cuộc họp báo thường kỳ cuối tháng 8 vừa qua, đại diện VAMC nhấn mạnh công ty đang gặp khó khăn trong việc phát mãi tài sản đảm bảo thông qua đấu giá. VAMC đã tổ chức ba lần đấu giá nhưng đều thất bại.

Thật vậy, trong những món nợ mà VAMC đã mua đều có tài sản đảm bảo: bất động sản, máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ… Khi mua xong, VAMC sẽ phân loại, cơ cấu lại nợ,  khoản nào cần xử lý ngay hoặc xem xét khả năng phục hồi của dự án, doanh nghiệp. Khi phát mại tài sản liên quan đến dự án, doanh nghiệp cũng cần rà soát, đánh giá lại để có thể bơm tiền đầu tư cho hợp lý. Cùng với đó, hình thức đấu giá tài sản không có gì khác biệt, mà những việc đó ngân hàng đều đã thực hiện trước đó, không thu hồi được nợ mới phải bán cho VAMC.

Với VAMC, để xử lý được những vấn đề trên cần có thời gian lâu dài, một năm qua là quá ít để làm được tất cả những điều đó theo kỳ vọng của xã hội.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, những kết quả mà VAMC đạt được trong 1 năm qua là cố gắng rất lớn của VAMC và các đơn vị liên quan trong điều kiện không sử dụng vốn ngân sách để xử lý nợ xấu.

Hoa Liên

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến