Dòng sự kiện:
10 ngày chờ tin đưa bé trai rơi ống trụ bê tông về nhà
10/01/2023 09:35:41
10 ngày sau vụ việc bé trai 10 tuổi rơi xuống ống trụ bê tông ở Đồng Tháp, mọi nỗ lực nhằm đưa bé sớm về nhà nhưng đến nay công tác cứu hộ chưa đạt kết quả như mong đợi.

Lực lượng cứu hộ vẫn làm việc khẩn trương ở hiện trường nơi bé trai Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) rơi xuống ống trụ bê tông tại công trình cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình.

Đã 10 ngày trôi qua, nhưng công tác cứu hộ vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nhân lực, thiết bị, máy móc, thậm chí búa rung 180kW từ Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng được chuyển vào Đồng Tháp để phục vụ công tác cứu hộ.


Lực lượng cứu hộ bơm ô-xy xuống ống trụ bê tông nơi bé Nam gặp nạn. Ảnh: Công an Đồng Tháp

Điều mà mọi người mong đợi nhất vào thời điểm này là “bao giờ mới đưa được thi thể bé Hạo Nam lên để bàn giao cho gia đình". Cha mẹ của bé Hạo Nam chia sẻ: “Giờ chỉ mong con sớm được đưa về để gia đình làm các thủ tục an táng lần cuối".

Trước đó, trưa 31/12/2022, bé Thái Lý Hạo Nam cùng 3 người bạn vào công trình cầu Rọc Sen để nhặt sắt.

Tại đây, bé Nam không may bị rơi xuống ống trụ bê tông rỗng, đường kính 25cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m. 3 bé đi cùng truy hô, nhờ mọi người đến cứu Hạo Nam.

Là người có mặt gần như đầu tiên tại hiện trường, anh Đoàn Tuấn Em (33 tuổi), công nhân công trình cầu Rọc Sen kể lại: “Tôi chuẩn bị về ăn cơm thì một bé gái chạy vào kêu 'chú ơi có bé lọt hố rồi'. Nghe vậy, tôi và mọi người chạy ra ống trụ bê tông. Tôi hỏi lớn "cháu ở đâu?", phía dưới bé trai nói: “cháu ở dưới hố, cứu cháu với, lôi cháu lên với". Lúc đó, tôi rất lúng túng chỉ nói “chờ chú”".

Sau đó, anh Tuấn Em chạy đi kiếm sợi dây và cùng các công nhân đến kéo bé Nam lên. “Bé Nam bám vào dây một lần, sau đó tuột xuống dưới”, lời anh Tuấn Em.


Hiện trường ban đầu lực lượng giải cứu cháu bé

Lực lượng cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp của Công an tỉnh Đồng Tháp sau đó đã có mặt ở hiện trường, triển khai nhiều phương án cứu hộ, đồng thời bơm liên tiếp ô-xy và truyền nước xuống để bé Nam cầm cự. Trên miệng trụ bê tông, lực lượng cứu hộ bảo vệ, không cho đất đá rơi xuống.

Nước được tiếp xuống cho Nam, song không nhận được phản ứng của bé trai. Ngành chức năng tỉnh điều nhiều phương tiện chuyên dụng đến hiện trường đào bới, tìm kiếm. Song, do ống trụ bê tông quá sâu, diện tích nhỏ, nhân viên cứu hộ không thể chui lọt.

350 người trong 5 ngày 4 đêm nỗ lực sử dụng nhiều phương án khác nhau để cứu bé trai, song việc cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn do đây là vụ hy hữu, rất khó xử lý, hiện trường nằm giữa cánh đồng nên việc vận chuyển máy móc, thiết bị đến mất thời gian.

Do đó, các biện pháp cứu hộ ban đầu tỉnh này triển khai gặp lúng túng, khó khăn. Khi đó, tỉnh vừa thực hiện cứu hộ tại chỗ vừa tham khảo ý kiến của chuyên gia, kêu gọi sự giúp đỡ của các đơn vị có kinh nghiệm. Quân khu 9 đã huy động lực lượng công binh cùng với các thiết bị chuyên dụng đến.


Lực lượng cứu hộ liên tục bơm ô-xy xuống ống trụ bê tông

Công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do ống trụ bê tông nhỏ

Trả lời báo chí về công tác giải cứu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết: “Đây là công việc rất khó khăn. Các đơn vị cứu hộ rất tích cực chủ động việc giải cứu bé trai. Song, khi khoan cột xuống độ sâu 30m gặp phải tầng đất phức tạp, rất chặt.


Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp có mặt tại hiện trường vào sáng 2/1

Mũi khoan xoắn ốc được đưa xuống bên cạnh ống trụ bê tông để làm mềm đất

Ngày 3/1, Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó Tư lệnh Quân khu 9 đến động viên gia đình cháu bé gặp nạn. Khi thấy gia cảnh khó khăn, con còn nhỏ, công việc không ổn định nên Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều cho biết, Quân khu sẽ hỗ trợ gia đình một căn nhà.


Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó Tư lệnh Quân khu 9 động viên bố cháu bé tại hiện trường vào trưa 3/1

Tối 4/1, Phó Chủ tịch Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu thông tin, bé trai Hạo Nam đã tử vong, sau khi liên ngành pháp y, y tế và chính quyền địa phương hội chẩn dựa trên nhiều yếu tố liên quan.

Nghe tin con, mẹ cháu Nam suy sụp. Sau nhiều ngày chờ đợi mà phép màu không xảy ra, lúc này, người mẹ chỉ nghẹn ngào nói: "mong anh chị, cô chú đưa bé về nhà càng sớm càng tốt, chứ đêm lạnh lắm…”.

Dù vậy việc đưa thi thể bé trai lên mặt đất để bàn giao cho gia đình an toàn vô cùng khó khăn do đất sét dính chặt ở tầng đáy.

Chiều 5/1, đoàn chuyên gia Nhật Bản có mặt ở hiện trường. Sau khi khảo sát, đoàn chuyên gia đưa ra phương án, kỹ thuật cứu hộ khả thi, song thiết bị chưa đầy đủ nên chưa thể thực hiện.


Nền đất chặt khiến công tác cứu hộ vô cùng khó khăn

Những ngày sau đó, lực lượng cứu hộ làm việc liên tục ngày đêm không ngừng nghỉ, tìm cách nghiên cứu, tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước để sớm đưa thi thể bé Nam lên.

Gia đình của bé Nam được sự quan tâm, động viên, hỗ trợ của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương. Cha của bé Nam cũng được vào hiện trường chứng kiến công tác cứu hộ, cứu nạn đối với con trai mình nên hiểu và chia sẻ những khó khăn, vất vả với lực lượng chức năng.

Tác giả: Hoài Thanh

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến