Thalassemia là nhóm các bệnh thiếu máu di truyền, xảy ra do đột biến gen quy định việc sản xuất hemoglobin – thành phần chính trong hồng cầu, đảm nhiệm việc vận chuyển oxy trong cơ thể. Sản xuất hemoblobin ở tủy xương bị rối loạn, hồng cầu sinh ra dễ tan và tan sớm, gây thiếu máu. Thể nặng của bệnh có thể gây biến chứng gan lách to, chậm lớn, thậm chí là tử vong sớm. Bệnh di truyền qua nhiều thế hệ nên ảnh hưởng xấu tới giống nòi.
Theo ước tính, thế giới có khoảng 7% dân số mang gen bệnh Thalassemia và tại Việt Nam con số này là trên 10 triệu người. Ước tính mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trẻ sơ sinh mang gene bệnh Thalassemia. Vì vậy việc khám và sàng lọc nguồn gene bệnh tại địa bàn dân cư là vô cùng quan trọng.
Theo GS Nguyễn Anh Trí, sự ảnh hưởng nghiêm trọng của Thalassemia được ví như một quả bom nguyên tử đã phát nổ nhưng không có tiếng động nên nhiều người còn thờ ơ, chưa quan tâm thích đáng. Để từng bước ngăn chặn Thalassemia, sự quan tâm và vào cuộc của các cấp, các Bộ, Ban, Ngành là vô cùng quan trọng.
GS Nguyễn Anh Trí phát biểu tại buổi tập huấn (Ảnh: PV)
"Trong đó, việc triển khai chương trình Thalassemia quốc gia đóng vai trò then chốt để hạn chế trẻ em sinh ra bị bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh và bảo vệ tương lai cho dân tộc Việt, nòi giống Việt"- GS Trí nói.
GS cũng chia sẻ thêm “Việc nâng cao trình độ để sàng lọc gene bệnh Thalassemia cho các thầy thuốc ở các tỉnh thành đã trở thành vấn đề hết sức quan trọng và nên được đặt ưu tiên hàng đầu trong công cuộc phòng và chống sự lây lan của gene bệnh này trong cộng đồng. Chính vì vậy, Bệnh viện đa khoa MEDLATEC đang hợp tác với Viện Huyết học truyền máu TW để triển khai việc này”.
Trong khuôn khổ chương trình, ngoài các nội dung tập huấn về xét nghiệm y khoa, các chuyên gia và các bác sĩ sẽ có dịp được tìm hiểu thêm về căn bệnh Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh)– một trong những căn bệnh về máu nguy hiểm mà nếu không có theo dõi, quản lý và tầm soát kịp thời có thể dẫn đến các ảnh hưởng xấu về di truyền và sự phát triển của giống nòi.
Theo Lao Động