Dòng sự kiện:
2 cá nhân thao túng cổ phiếu FTM bị xử phạt 1,2 tỷ đồng
02/09/2021 18:02:34
Ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra quyết định xử phạt 2 cá nhân với tổng số tiền 1,2 tỷ đồng vì đã thao túng cổ phiếu mã FTM. 2 người này là ông Lê Mạnh Thường (Địa chỉ: quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và bà Phạm Thị Phương (Địa chỉ: Quận Gò Vấp, TP HCM).

Ông Thường và bà  Phương được xác định đã sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân. Số tiền phạt 600 triệu đồng đối với mỗi người, tương đương tổng số tiền 1,2 tỷ đồng.

Nội dung quyết định xử phạt cho thấy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt tiền 600 triệu đồng đồng đối với 2 cá nhân nêu trên theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 và Khoản 3 Điều 29 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán được sửa đổi tại Khoản 1 và Khoản 36 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP.

Căn cứ kết quả xác minh của Cơ quan công an và kết quả kiểm tra, hậu quả do hành vi thao túng cổ phiếu FTM của 2 cá nhân nêu trên gây ra xác định theo quy định tại Điều 211 - Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của 2 cá nhân này.

Trước đó, vào đầu tháng 7/2019, mã FTM từng gây rúng động thị trường chứng khoán với chuỗi lao dốc 30 phiên nằm sàn liên tiếp, từ mức gần 24.000 đồng/cổ phiếu xuống còn hơn 3.000 đồng/cổ phiếu.

Doanh nghiệp ngành sợi này rơi vào cuộc khủng hoảng toàn diện từ kinh doanh thua lỗ và tài chính yếu kém, đến nghi vấn cổ phiếu bị một nhóm cổ đông thao túng làm giá. Sự việc đổ vỡ khi hàng loạt các công ty chứng khoán tung lệnh bán giải chấp khiến giá và thành khoản mã FTM rơi không phanh.

Thời điểm đó, 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng đã bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vì cho vay margin cổ phiếu FTM. Không chỉ các công ty chứng khoán, không ít nhà đầu tư chịu thiệt hại nặng vì nắm giữ cổ phiếu FTM.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021 của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân cho thấy, đơn vị này tiếp tục lỗ ròng hơn 94 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu không đủ bù đắp chi phí lãi vay và chi phí vận hành, cộng thêm hơn 44 tỷ đồng chi phí khấu hao tài sản cố định và khấu hao lương vượt định mức. Theo đó, công ty tăng lỗ lũy kế từ hơn 196 tỷ đồng lên hơn 290 tỷ đồng.

Cuối quý II/2021, các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn có giá trị tổng cộng gần 968 tỷ đồng, chiếm đến 61% tổng tài sản. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn xấp xỉ mức đầu năm (khoảng 798 tỷ) và các khoản phải thu dài hạn là 169 tỷ đồng, tăng 58%. Bên cạnh đó, FTM có hơn 874 tỷ đồng nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn, chiếm gần 64% tổng nợ phải trả.

Tại báo cáo soát xét của FTM, kiểm toán đưa ra kết luận ngoại trừ đối với khoản lỗ hơn 94 tỷ đồng, các khoản vay ngân hàng quá hạn thanh toán số tiền gần 464 tỷ đồng và lãi vay ngân hàng quá hạn thanh toán chưa được gia hạn nợ số tiền gần 233 tỷ đồng.

Bảo Khánh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến