Dòng sự kiện:
2 phút một trẻ tử vong do bị tách khỏi mẹ quá sớm khi lọt lòng
18/08/2017 08:20:01
Cứ 2 phút lại có một trẻ sơ sinh tử vong ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Nguyên nhân chính góp phần vào tỷ lệ tử vong sơ sinh là việc bị tách khỏi mẹ quá sớm sau khi lọt lòng.
Chiều 17/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức họp báo với chủ đề “Cái ôm đầu tiên: Hướng tới 4 triệu trẻ sơ sinh tiếp theo”. Đây là một sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 2 được tổ chức hai năm một lần về Đẩy mạnh chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm (EENC) được tổ chức tại Đà Nẵng.

Theo thông tin tại buổi họp báo, cứ 2 phút lại có một trẻ sơ sinh tử vong ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Nguyên nhân chính góp phần vào tỷ lệ tử vong sơ sinh là việc bị tách khỏi mẹ quá sớm sau khi lọt lòng.


Toàn cảnh buổi họp báo

Trẻ sơ sinh bị tách khỏi mẹ không những không được hưởng lợi ích của việc tiếp xúc da kề da, mà còn có nguy cơ bị hạ thân nhiệt và mắc nhiễm khuẩn bệnh viện. Hơn nữa, trẻ thường được nuôi bằng sữa công thức chứ không được bú sữa mẹ. Điều này góp phần làm cho nguy cơ bị nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng và tử vong tăng lên gấp đôi. Việc bắt đầu cho trẻ bú mẹ sớm và bú sữa non, cũng như nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ đã được khoa học chứng minh là mang lại nhiều lợi ích cho trẻ.

Tại cuộc họp các Thứ trưởng y tế và chuyên gia cộng cộng tổ chức ở Đà Nẵng, Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc kêu gọi các quốc gia tăng cường các nỗ lực cứu sống hàng triệu trẻ sơ sinh có nguy cơ tử vong khi lọt lòng.

“Các gia đình cần đón nhận sự ra đời của mỗi đứa trẻ mà không phải lo lắng gì. Việc vẫn còn hàng triệu trẻ sơ sinh phải đối mặt với nguy cơ tử vong, trong khi chúng ta có kiến thức, công cụ để kiếm cứu sống và bảo vệ tính mạng của trẻ là không thể chấp nhận được”, TS. Shin Young-soo, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương phát biểu.


Trẻ được da kề da sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng

Đa số các ca tử vong ở trẻ sơ sinh là do thực hành lâm sàng không thích hợp tại thời điểm sinh và trong một số ngày đầu mới sinh. Các trường hợp tử vong này có thể phòng ngừa được thông qua một tập hợp các can thiệp đơn giản và chi phí hiệu quả được gọi là Chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm (EENC). EENC có thể được thực hiện tại tất cả các tình huống mẹ sinh con, cứu sống và mang lại cho trẻ sơ sinh một sự khởi đầu cuộc sống tốt nhất.

Tại Việt Nam, từ năm 2015 đã có những nỗ lực đáng kể để nhân rộng việc thực hiện chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm. Chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm đã được đưa vào áp dụng tại các cơ sở y tế ở tất cả 63 tỉnh, thành. Đã có hơn 8.600 nhân viên ở các cơ sở y tế được tập huấn phương pháp này. Thực hành lâm sàng đã được cải thiện, với 94% trẻ sinh đủ tháng được đặt tiếp xúc da kề da khi vừa lọt lòng và 56% trẻ được giữ tiếp xúc da kề da kéo dài cho đến khi bú cữ đầu tiên.

ANTT đã đổi title

Theo Dân Trí


Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến