Theo tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, Dự án vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34km đi qua địa phận TP.HCM (47,51km); Đồng Nai (11,26km); Bình Dương (10,76km); Long An (6,81km). Dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 75.378 tỷ đồng, bao gồm 38.741 tỷ từ ngân sách trung ương và 36.637 tỷ ngân sách địa phương.
Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km, gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long, đi qua địa phận TP. Hà Nội (58,2km); Hưng Yên (19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km). Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85.813 tỷ đồng, sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư, trong đó vốn BOT 29.447 tỷ đồng.
Sơ đồ tuyến Vành đai 3 TP.HCM đi qua 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Báo cáo bỏ lọt yếu tố quan trọng là thu từ địa tô chênh lệch
Đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau đánh giá cao việc Chính phủ trình Quốc hội 5 dự án giao thông trọng điểm, trong đó 2 dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ lo ngại về tiến độ, theo đó, tất cả các dự án đều lấy năm 2022 là năm chuẩn bị dự án, trong khi, từ nay đến hết năm 2022 không còn nhiều.
“Nên xem lại tiến độ, nếu xác định năm 2022 là năm có tính chất khởi động thì không ổn lắm vì sau khi Quốc hội thông qua còn nhiều thủ tục khác”, đại biểu đoàn Cà Mau nói.
Đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau
Về thu hồi vốn, đại biểu cho rằng, trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra còn bỏ lọt yếu tố quan trọng là thu từ địa tô chênh lệch. Khi có đường cao tốc sẽ có các dự án đô thị, khu công nghiệp, thậm chí cho thuê mặt bằng ăn theo nên cần tính toán, quy hoạch nhanh.
Đại biểu đề nghị phê duyệt dự án song song với nhiệm vụ quy hoạch của Chính phủ, xác định đầu tư của Nhà nước không chỉ dẫn đường mà còn tạo ra chênh lệch.
“Chính phủ cần triển khai ngay, vì nếu không, sau khi dự án hoàn thành hoặc bắt đầu khởi động mới lập các dự án thì việc thu hồi đất, xác định giá đất rất phức tạp. Trên thực tế, các đại gia bất động sản bắt đầu hái tiền từ dự án hoàn thành hoặc thậm chí chậm hơn, khi dự án bắt đầu hoạt động có hiệu quả, mật độ giao thông lớn hơn, các đại gia bất động sản mới nhảy vào, làm bổ sung quy hoạch khu dân cư, khu công nghiệp hay cho thuê mặt bằng. Khi đó, người thiệt hại không chỉ là dân mà còn là Nhà nước. Do đó, cần đi trước, lập song song không chỉ giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội mà còn có nguồn để thu hồi nhanh, không chỉ là cho thuê, bán thuế, thu phí…”, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị.
Cũng theo đại biểu đoàn Cà Mau, nếu các dự án giao thông xây dựng đồng thời quy hoạch dự án khác thì nguồn tiền thu được từ sử dụng đất, địa tô chênh lệch là không ít, thậm chí có khi còn thừa tiền để làm đường, đặc biệt là các dự án đường đô thị.
Chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng có thể khiến dự án đội vốn lên rất cao
Đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn Quảng Trị cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề giải phóng mặt bằng của các dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 TP.HCM bởi diện tích mặt bằng cần giải phóng của 2 dự án này tương đối lớn.
“Nhìn lại dự án sân bay Long Thành, khi gặp phải khu vực dân cư đông đúc, việc giải phóng rất khó khăn, kéo dài nhiều năm. Với các dự án đường vành đai 3, vành đai 4 lại thuộc 2 thành phố lớn, chỉ khi giải phóng mặt bằng thuận lợi, dự án mới có thể triển khai. Các địa phương, Bộ ngành cần tập trung, có cơ chế thống nhất để giải quyết vấn đề mặt bằng, nếu cách làm không đổi mới, rất khó để đảm bảo tiến độ. Tiền bao nhiêu là một chuyện nhưng giải phóng được mặt bằng hay không lại là vấn đề khác. Trong các dự án này, cần xem giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ số 1, nếu chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng có thể khiến dự án đội vốn lên rất cao”, đại biểu Hoàng Đức Thắng lo ngại.
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Quảng Trị cũng kỳ vọng với các dự án lớn như đường vành đai 3, đường vành đai 4 ngoài nguồn vốn đầu tư của nhà nước sẽ thu hút cả đầu tư công tư PPP, nhưng hiện nay vẫn chưa thể thực hiện theo phương thức đầu tư này.
“Đây là dự án lớn, yêu cầu nguồn vốn rất cao, tại sao lại không lựa chọn đầu tư công tư, phải chăng chúng ta đang có tâm lý dễ bỏ, khó làm. Trước đây, một số dự án ban đầu cũng giao đầu tư PPP nhưng khi triển khai gặp khó lại bỏ. Đây là câu chuyện Chính phủ cần phân tích một cách thấu đáo’, đại biểu Hoàng Đức Thắng nói.
Tính toán phương án hỗ trợ sinh kế cho người dân
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) cũng cho rằng cần phải tính toán dự toán sát thực tế và đánh giá tác động giá cả bởi những yếu tố khách quan. Bởi nếu không tính toán sát có thể dẫn tới việc bị kéo dài thời gian và đội vốn, chậm tiến độ. Đây là những vấn đề trong triển khai đền bù giải phóng mặt bằng.
“Nếu không chuẩn về mặt giá cả khi đưa vào thực hiện dẫn đến câu chuyện là giá cứ tăng lên”, đại biểu Đức nói.
Đại biểu Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng được xác định là một trong những nội dung khó nhất liên quan tới triển khai tuyến Vành đai 3 TP.HCM.
Đại biểu Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM
Một vấn đề khác được ông Phan Văn Mãi đặt ra đó là làm sao ổn định chỗ ở của bà con, giúp bà con chuyển đổi nghề và sinh kế. Đây là vấn đề TP.HCM đã có kế hoạch, nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp này, TP.HCM sẽ cùng với các tỉnh tổ chức hội nghị ngay để triển khai kế hoạch rất chi tiết.
Ông Phan Văn Mãi cho biết, đối với TP.HCM, để việc giải phóng mặt bằng nhanh và chuyện tái định cư cho bà con được ổn định thì thành phố đang rà soát lại các quỹ nhà tái định cư đang có để tiến hành tạm cư. Việc này sẽ giúp bà con không phải tự đi ra ngoài thuê.
“Trong chính sách bồi thường, những phần đi theo hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, hay hỗ trợ sinh kế với tinh thần chỗ ở mới phải đảm bảo bằng hoặc tốt hơn chỗ ở hiện có, những sinh kế, nghề nghiệp được đảm bảo thì đời sống của bà con được ổn định”, ông Mãi nói./.
Tác giả: Cẩm Tú-Nguyễn Trang
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy