Chiều 1/8, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ và một số nội dung về điều trị bệnh cúm A. Lớp tập huấn được kết nối trực tuyến với các điểm cầu là 63 Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các bệnh viện trực thuộc Bộ, ngành.
Tại lớp tập huấn, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã đưa ra các phương án tổ chức thực hiện đối với 2 tình huống cụ thể.
Lớp tập huấn tại Bộ Y tế.
Tình huống 1: Khi chưa có trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam cần: Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại Bệnh viện; Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch theo các giai đoạn của dịch; Chuẩn bị cơ sở vật chất, khu cách ly, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện cho phòng chống dịch; Xây dựng qui trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ; Thành lập đội chống dịch cơ động hỗ trợ tuyến dưới; Tổ chức diễn tập phòng chống dịch và Điều trị các ca bệnh theo phân tuyến, thực hiện phương án điều trị tại chỗ theo chỉ đạo.
Tình huống 2: Khi có các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam cần: Tổ chức khu điều trị cách ly riêng cho các ca bệnh; Cập nhật qui trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh; Thường trực chống dịch 24/24h; Rà soát lại cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, nhân lực sẵn sàng ứng phó khi dịch lan rộng.
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế, việc tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ trong thời điểm này là hết sức cần thiết: "Trước tất cả những diễn biến dịch trên thế giới, chúng ta không hoang mang nhưng cũng không chủ quan trước dịch đậu mùa khỉ. Đặc biệt dịch xảy ra trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến tương đối phức tạp tại một số quốc gia, số lượng vẫn tăng lên. Các dịch bệnh khác như Cúm A tại miền Bắc, sốt xuất huyết tại miền Nam cũng đang là hiện tượng dịch chồng dịch, ảnh hưởng lớn đến công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe người dân. Nên việc chuẩn bị mọi tâm thế để đối phó với dịch đậu mùa khỉ là hết sức cần thiết trong giai đoạn này".
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch, do virut đậu mùa khỉ gây ra và đặc trưng bởi tình trạng phát ban da. Hiện đã có khoảng hơn 22.400 ca bệnh xác định tại 79 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 23/7 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, kêu gọi các quốc gia khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với căn bệnh này./.