Huy động được 230 nghìn tỷ
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng nguồn lực trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện chính sách an sinh xã hội do cơ quan nhà nước các cấp huy động trong giai đoạn 2020-2022 khoảng 230 nghìn tỷ đồng.
Nguồn lực huy động chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Trong 3 năm, đã huy động từ ngân sách nhà nước phục vụ công tác phòng, chống dịch là 186,4 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, còn huy động từ các nguồn khác hơn 43,6 nghìn tỷ như viện trợ nước ngoài, Quỹ vắc-xin phòng Covid-19, đóng góp của ngân sách địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp...
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội XV đánh giá: Tại thời điểm dịch bùng phát dịch, việc cân đối, huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn do nhu cầu về nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 là rất lớn.
Ở nhiều địa phương chưa chủ động được nguồn kinh phí bảo đảm, nhất là ở các tỉnh, thành phố chưa cân đối được ngân sách, có nguồn thu thấp, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách trung ương. Một số địa phương cân đối ngân sách như TP.HCM, Đồng Nai… cũng gặp khó khăn, thiếu nguồn kinh phí trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh.
Đoàn giám sát cũng liệt kê các khoản chi tiêu nguồn tiền huy động.
Trước hết, kinh phí hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trên 87.000 tỷ đồng, trong đó, chi từ Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là trên 47,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,3% tổng kinh phí hỗ trợ.
Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều thiệt hại nặng nề.
Đến ngày 31/12/2022, kinh phí đã sử dụng để mua vắc-xin phòng Covid-19 là 15.134,76 tỷ đồng với 102.383.206 liều, trong đó: ngân sách nhà nước là 7.467,18 tỷ đồng; Quỹ vắc-xin là 7.667,58 tỷ đồng. Số kinh phí còn lại chưa sử dụng là 262,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 137,3 tỷ đồng, Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 là 125,2 tỷ đồng. Bộ Y tế đã thực hiện nộp trả ngân sách nhà nước và hoàn trả quỹ theo quy định.
Kinh phí mua sắm kít xét nghiệm 2.593 tỷ đồng, thu phí dịch vụ xét nghiệm là 534,7 tỷ đồng. Kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm (trừ kít xét nghiệm) là 5.291 tỷ đồng...
Ngoài ra, còn nhiều khoản chi khác trong quá trình phòng chống dịch Covid-19.
Nhiều vụ việc vi phạm
Ở một số đơn vị, địa phương ghi nhận việc mượn, mua vật tư, kít xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm từ các nhà cung cấp với nhiều hình thức khác nhau như có hoặc không có văn bản thỏa thuận, có hoặc không có hợp đồng, đơn giá, phương
án hoàn trả,... hoặc thiếu thông tin chi tiết, chủ yếu chỉ có biên bản bàn giao, với tổng giá trị hàng hóa mượn theo hợp đồng, thỏa thuận là 1.061 tỷ đồng và mượn bằng hiện vật không có giá trị.
Kiểm toán Nhà nước đã chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kít xét nghiệm có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ.
Đoàn giám sát cũng lưu ý việc có nhiều vi phạm trong đấu thầu, mua sắm, vay, mượn kít xét nghiệm.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong hai năm 2020 và 2021, các đơn vị đã mua sắm sinh phẩm, hóa chất, kít xét nghiệm với các mức giá khác nhau, tùy thuộc vào chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất. Trong đó có một số đơn vị mua kít xét nghiệm từ Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á giá trị lên tới 2.161,6 tỷ đồng (trực tiếp hoặc qua đơn vị trung gian phân phối).
Nhiều vi phạm liên quan mua sắm kit test được công an phát hiện.
Đoàn giám sát chỉ ra nhiều vi phạm trong mua sắm. Danh mục đề xuất mua sắm đưa ra số lượng nhưng không thuyết minh được cách tính; hồ sơ mua sắm chưa thể hiện yêu cầu về công nghệ, đặc tính kỹ thuật của sản phẩm, nhà sản xuất, năm sản xuất, hạn sử dụng. Một số gói thầu mua sắm không có quyết định phê duyệt dự toán; không thực hiện thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Một số gói thầu hợp đồng được ký nhưng không có bảo đảm thực hiện hợp đồng, tiềm ẩn rủi ro trong quá trình mua sắm. Nhiều trường hợp ứng, vay trước hàng hóa (kít xét nghiệm, dụng cụ, hóa chất, sinh phẩm) của nhà thầu cung cấp, sau đó đấu thầu để trả lại hàng hoặc hoàn thiện hồ sơ để thanh toán, không đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
Ngổn ngang việc quyết toán sau đại dịch
Đoàn giám sát chỉ ra khó khăn trong việc quyết toán kinh phí xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở điều trị Covid-19, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến.
Cụ thể, trong phòng, chống dịch, một số nhiệm vụ phải thực hiện gấp rút như xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình phục vụ cách ly, điều trị bệnh nhân có tính chất đầu tư nhưng lại được sử dụng từ nguồn chi thường xuyên hoặc nguồn dự phòng ngân sách, không đảm bảo cho công tác thanh toán, quyết toán. Đến thời điểm giám sát, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành để tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về việc thành lập trạm y tế lưu động và bệnh viện dã chiến thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhưng chưa có hướng dẫn về việc giải thể, xử lý tài sản khi giải thể, gây khó khăn cho các địa phương.
Trong chi chế độ phòng, chống dịch cho đối tượng tham gia phòng, chống dịch, đoàn giám sát cũng chỉ ra còn có các sai sót, như trùng đối tượng, không đúng đối tượng, không đúng định mức, không đúng quy định; chứng từ thanh toán chưa đầy đủ theo quy định; chưa chi trả kịp thời kinh phí cho lực lượng tuyến đầu chống dịch , kinh phí cho các đoàn công tác hỗ trợ địa phương.
Một số nhiệm vụ chi phục vụ công tác phòng, chống dịch thực tế phát sinh và được các đơn vị đề nghị chi từ nguồn ngân sách nhà nước nhưng đến nay các bộ, ngành trung ương vẫn chưa có hướng dẫn nên chưa có hướng giải quyết, cụ thể.
Một số đơn vị tiếp nhận tài trợ từ các tổ chức, cá nhân bằng hiện vật chỉ tiếp nhận về số lượng mà không có đơn giá, không xác định được giá trị, nhiều trường hợp nhà tài trợ không cung cấp giá trị hàng tài trợ hoặc giá trị tài trợ trong biên bản tài trợ có sự chênh lệch rất lớn so với giá mặt hàng tương đương.
Điều này dẫn đến khó khăn trong việc xác định giá trị tài sản để xác lập sở hữu toàn dân do chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc xác định giá trị hàng hóa tài trợ, và trong việc quản lý tài sản tài trợ, tặng, cho theo quy định của Luật kế toán.
Tác giả: Lương Bằng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy