Dòng sự kiện:
24 dự án năng lượng tái tạo muốn bán điện trực tiếp, không qua EVN
28/10/2023 06:15:41
Bộ Công Thương cho hay khi khảo sát 95 dự án năng lượng tái tạo thì có 24 dự án muốn mua bán điện trực tiếp, không qua EVN; 17 chủ đầu tư khác đang cân nhắc về khả năng tìm, ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng.

Trong Công văn số 202 được Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc nghiên cứu xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA).

Bộ Công Thương cho biết, qua khảo sát 95 dự án năng lượng tái tạo vào tháng 5/2022 của đơn vị tư vấn cho thấy, có 24/95 dự án năng lượng tái tạo muốn mua bán điện sản xuất không qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Có 17 dự án phát điện từ năng lượng tái tạo đang cân nhắc về điều kiện tham gia cơ chế này cũng như khả năng tìm, ký hợp đồng với khách hàng. 

Về phía người mua, Bộ Công Thương đã gửi phiếu khảo sát tới 41 doanh nghiệp và có 24 doanh nghiệp cho biết muốn tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA với tổng nhu cầu ước tính lên tới 1.125 MW.

Theo Bộ Công Thương, đối với trường hợp mua bán điện thông qua đường dây tư nhân kết nối trực tiếp (không thông qua lưới điện quốc gia), việc thực hiện đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai. Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ hướng dẫn các đơn vị theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

“Tuy nhiên, cơ chế DPPA trong trường hợp thực hiện mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia vẫn còn khá rắc rối nên Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo”, Bộ Công Thương nêu trong báo cáo.

24 dự án năng lượng tái tạo muốn thực hiện cơ chế mua bán điện không thông qua EVN.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện mua bán điện trực tiếp, hiện có 2 phương án. Phương án 1: Sẽ tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp về việc có thể đưa quy định về cơ chế DPPA vào Luật Điện lực. Phương án 2: Thực hiện quy định tại Điều 70 Luật Điện lực, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định quy định thực hiện cơ chế DPPA.

Sau khi xem xét chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định ban hành cơ chế DPPA theo hình thức nghị định của Chính phủ.

Bộ Công Thương cho biết, từ tháng 1/2020 đến nay, bộ đã có nhiều báo cáo trình Chính phủ để ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp. Hình thức văn bản để triển khai cơ chế DPPA cũng liên tục được Bộ này thay đổi: Từ đề xuất ban hành cơ chế DPPA dưới hình thức thông tư, đến việc chuyển thành quyết định của Thủ tướng. Tại báo cáo mới nhất này, hình thức văn bản lại được chuyển thành nghị định của Chính phủ.

Theo phương án được Bộ Công Thương xây dựng trình Thủ tướng hồi tháng 8 vừa qua, các doanh nghiệp sử dụng điện lớn sẽ có thể mua, bán điện trực tiếp với đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo thông qua đường dây riêng, không do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý.

Trong trường hợp này, đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn khi mua bán điện không bị giới hạn về các điều kiện như công suất, sản lượng, cấp điện áp đấu nối, mục đích sử dụng điện... Tuy nhiên, đơn vị phát điện có trách nhiệm thực hiện việc đầu tư xây dựng dự án điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực; phải thực hiện quy định về cấp phép hoạt động điện lực. Đơn vị phát điện và khách hàng có trách nhiệm thực hiện các quy định về mua bán điện, giá bán điện theo quy định.

Về giá bán, giá bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện lớn được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1062/QĐ-BCT ngày 4/5 với giá bán lẻ điện bình quân 1.920,37 đồng/kWh) và các Thông tư của Bộ Công Thương.

Về việc mua bán điện trực tiếp, không thông qua EVN, trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo EVN cho biết tập đoàn ủng hộ chủ trương doanh nghiệp lớn được mua bán điện trực tiếp với đơn vị phát điện.

Theo vị này, với cơ chế giá điện như hiện nay, việc mua bán điện không thông qua EVN sẽ giúp giảm gánh nặng cho ngành điện trong việc đầu tư nguồn phát, đường dây truyền tải đồng thời thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp tư nhân ngoài ngành điện. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẽ được mua điện rẻ hơn, nhưng cũng có thể phải mua giá cao hơn theo diễn biến giá thực tế của chi phí đầu của đơn vị phát điện.

Giữa tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương sớm hoàn thiện, trình ban hành cơ chế thí điểm mua, bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn để đẩy nhanh các dự án chuyển đổi năng lượng công bằng.

Tác giả: Phạm Tuyên

Theo: Tiền Phong
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
quạt trần căn hộ PLC S7-300 hệ thống điện mặt lượng mặt trờiCung cấp Máy nén điều hòa chất lượng
Đang phổ biến