Dòng sự kiện:
30 nước đồng ý trì hoãn thực hiện chính sách thuế kỹ thuật số
13/07/2023 10:33:11
Ngày 12/7, OECD thông báo các quốc gia dự định áp thuế dịch vụ kỹ thuật số, ngoại trừ Canada, đã đồng ý trì hoãn thực hiện chính sách thuế này ít nhất thêm 1 năm nữa.

Ảnh minh họa.(Nguồn: Reuters)

Ngày 12/7, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thông báo các quốc gia dự định áp thuế dịch vụ kỹ thuật số, ngoại trừ Canada, đã đồng ý trì hoãn thực hiện chính sách thuế này ít nhất thêm 1 năm nữa.

Hơn 140 quốc gia được cho là sẽ bắt đầu áp thuế dịch vụ kỹ thuật số vào năm tới sau thỏa thuận năm 2021. Chính sách thuế được cho là gây tranh cãi đối với các tập đoàn công nghệ lớn, song sẽ giúp “vá lỗ hổng” tồn tại trong hệ thống thuế quốc tế.

Phần đầu của thỏa thuận hướng tới việc phân bổ lại quyền đánh thuế của các quốc gia nơi diễn ra hoạt động thương mại, đối với 200 tỷ USD lợi nhuận của các công ty đa phương lớn nhất.

Hơn 30 chính phủ các nước dự định áp thuế dịch vụ kỹ thuật số đã nhất trí tạm dừng triển khai nội dung này của thỏa thuận cho đến cuối năm 2023.

Trong khi đó, phần thứ hai của thỏa thuận hướng tới việc chấm dứt thuế cạnh tranh giữa các chính phủ để thu hút đầu tư, thông qua việc thu thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% trên lợi nhuận của các công ty này trên toàn thế giới.

Theo OECD, hơn 50 nước đang trong quá trình thúc đẩy nội dung này, song một số nước bày tỏ lo ngại rằng một hiệp ước đa phương về việc thu thuế doanh nghiệp toàn cầu có thể mâu thuẫn với nội dung của phần đầu thỏa thuận.

Do đó, OECD sẽ tìm hiểu rõ chi tiết vấn đề nhằm hoàn thiện thỏa thuận để các nước có thể ký kết trước cuối năm, theo đó sẽ có hiệu lực vào năm 2025 thay vì 2024 như dự kiến ban đầu.

Chỉ cần ít nhất 30 nước chấp thuận thì việc trì hoãn thuế dịch vụ kỹ thuật số sẽ được gia hạn đến năm 2024 và có thể đến năm 2025 nếu cần thiết.

Người đứng đầu cơ quan thuế của OECD Manal Corwin cho biết, trong số 143 quốc gia tham gia thỏa thuận, chỉ có Canada không nhất trí với việc trì hoãn này.

Tuy nhiên, ông cho biết kể cả khi các chính phủ đã ký hiệp ước thì việc phê chuẩn chính thức cũng sẽ mất nhiều thời gian trước khi có hiệu lực tại nước đó./.

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến