Dòng sự kiện:
39 quỹ đầu tư mạo hiểm cam kết rót 1,5 tỷ USD vào Việt Nam
19/12/2022 16:12:44
Các Quỹ đầu tư, các DN đổi mới sáng tạo sẽ là những đối tác quan trọng của Chính phủ để cùng hỗ trợ trong hoạch định chính sách về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.

Tại Diễn đàn Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 (Vietnam Venture Summit 2022) với chủ đề “Dịch chuyển dòng vốn toàn cầu" sáng 19/12, 39 quỹ đầu tư mạo hiểm cam kết đầu tư cho giai đoạn 2023 – 2025, với số vốn là 1,5 tỷ USD; tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong 3 năm 2023 - 2025 dự kiến sẽ đạt 5 tỷ USD.

Trước đó, diễn đàn năm 2019 và 2020, các quỹ đầu tư từng cam kết rót vốn lần lượt 435 triệu USD và 815 triệu USD. Trong giai đoạn 2020-2022, số vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp đã đạt gần 2 tỷ USD.Riêng 6 tháng đầu năm 2022, tổng số thương vụ thành công tại Việt Nam chiếm 19% số thương vụ của toàn Đông Nam Á.

Nghiên cứu xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ là những đối tác quan trọng của Chính phủ, các bộ, ngành để cùng chia sẻ, hỗ trợ và đóng góp ý kiến trong việc hoạch định chính sách về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, giúp Việt Nam có được một môi trường kinh doanh ngày càng hấp dẫn hơn trong khu vực và trên thế giới.

Theo Bộ trưởng, tại sự kiện Techfest Việt Nam 2022 diễn ra cách đây 2 tuần, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh cần tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường vốn theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.

Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cũng đã đề ra định hướng rà soát, sửa đổi thể chế về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo hướng tạo thuận lợi cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ.

“Nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian tới sẽ là nghiên cứu, báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm và đề xuất cơ chế thành lập quỹ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước với mục tiêu hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo tiềm năng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: MPI).

Bộ trưởng đề nghị, các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp, tập đoàn, các startups cùng đồng hành với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, thành lập cơ chế đầu tư, hỗ trợ thật hiệu quả, khai thác tốt các nguồn lực dành cho đổi mới sáng tạo.

Đến nay Việt Nam đã có 20 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân được thành lập theo Nghị định số 38 năm 2019 của Chính phủ với tổng số vốn điều lệ đạt hơn 100 tỷ đồng.

Tại Báo cáo Đổi mới sáng tạo (GII), chỉ số xếp hạng về Thể chế tăng hạng mạnh từ vị trí thứ 83 năm 2020 và 2021, lên vị trí thứ 51 năm 2022. Những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tạo ra tiền đề cần thiết cho sự phát triển mạnh mẽ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bước đầu thiết lập được hệ thống các đơn vị hỗ trợ, ươm tạo từ viện, trường, đến doanh nghiệp, các mạng lưới tư vấn, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, ngoài việc phát triển các chủ thể hệ sinh thái, cần sớm hình thành một môi trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thực chất và hiệu quả để nhà đầu tư trong nước và quốc tế có thể rót vốn cũng như rút vốn một cách chủ động, linh hoạt và minh bạch.

Việt Nam lọt “tam giác vàng” khởi nghiệp Đông Nam Á

Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) cho biết, 9 tháng năm 2022, mặc dù tổng số vốn và số lượng các thương vụ đầu tư sụt giảm, tuy nhiên số lượng các thương vụ đầu tư cho giai đoạn sau của doanh nghiệp là không đổi.

Giai đoạn này chứng kiến kỷ lục về số lượng thương vụ có quy mô từ 10 - 50 triệu USD, với tổng cộng 10 khoản đầu tư, gần bằng với cả năm 2021.

“Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã huy động vốn vào năm ngoái có sự tăng trưởng, phát triển. Số lượng thương vụ từ 3 - 10 triệu USD hoặc lớn hơn 50 triệu USD giữ nguyên so với cùng kỳ 2021. Các khoản đầu tư từ 500.000 - 3 triệu USD chiếm số lượng lớn nhất, với 30 thương vụ”, ông Huy thông tin.

39 quỹ đầu tư mạo hiểm cam kết đầu tư cho giai đoạn 2023 – 2025 với số vốn là 1,5 tỷ USD (Ảnh: MPI).

Trong 3 quý đầu năm 2022, lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ tài chính chiếm ưu thế về tiếp nhận dòng vốn đầu tư. Bán lẻ tiếp tục là lĩnh vực có nguồn vốn lớn nhất với tổng giá trị lên đến 188 triệu USD. Các doanh nghiệp về dịch vụ tài chính đang trở nên nổi bật với các mô hình như quản lý tài sản, bảo hiểm. Nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục lần lượt chiếm phần lớn thứ 3 và thứ 4.

Ông Vinnie Lauria – nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Golden Gate Ventures khẳng định, Việt Nam là trụ cột thứ ba của "tam giác vàng" khởi nghiệp Đông Nam Á.

“Sự cộng sinh của các thị trường Singapore, Indonesia, và Việt Nam sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng tiếp theo cho Đông Nam Á. Đây cũng là 3 trụ cột trong tam giác vàng khởi nghiệp. Sức mạnh của bộ ba này sẽ khiến Đông Nam Á trở thành thỏi nam châm thu hút dòng vốn đầu tư toàn cầu”, ông Vinnie Lauria cho hay.

Một số yếu tố khiến Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút đầu tư, bao gồm sự ổn định về chính trị, lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao, cơ sở hạ tầng phát triển, kỹ năng số hóa và khả năng đổi mới sáng tạo…

Bên cạnh đó, Việt Nam được xem là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao, các doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Tác giả: Nguyễn Thu Huyền

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến