Dòng sự kiện:
4 năm liên tiếp thu ngân sách nhà nước vượt dự toán
23/10/2019 06:34:13
Chiều ngày 21/10, Quốc hội đã nghe các báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Đánh giá cơ bản năm 2019 sẽ hoàn thành toàn diện tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các chỉ tiêu về tài chính, ngân sách nhà nước. Thực hiện 9 tháng đạt 77,5% dự toán, mức cao nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây; tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2018. Ước cả năm thu vượt 3,3% (46 nghìn tỷ đồng) so dự toán.

Trong đó thu ngân sách Trung ương ước vượt 8-11 nghìn tỷ đồng, là năm thứ 2 liên tiếp vượt dự toán. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 23,7%GDP, từ thuế, phí đạt 20,2%GDP. Đó là kết quả của nỗ lực cơ cấu lại chi ngân sách của Chính phủ cũng như các địa phương, đặc biệt trong việc giảm dần chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, kiểm soát chặt chẽ bội chi, giảm nợ công và quyết liệt điều hành chi ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm, chú trọng hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo trước Quốc hội.

Chi ngân sách nhà nước thực hiện 9 tháng đạt 63,1% dự toán; trong đó chi thường xuyên đạt 73,4%, chi trả nợ đạt 68,4%, chi đầu tư phát triển đạt 44,8%. Ước cả năm, chi thường xuyên, chi trả nợ cơ bản đạt dự toán; riêng chi đầu tư phát triển còn khó khăn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát kế hoạch đầu tư công năm 2019, tháo gỡ khó khăn, kể cả cắt giảm, điều chuyển vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh: Bội chi ngân sách nhà nước năm 2019 ước bằng 3,4%GDP; nợ công bằng 56,1%GDP, nợ chính phủ bằng 49,2%GDP và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 45,8%GDP, đều giảm so với dự toán.

Bội chi ngân sách địa phương giảm so với dự toán Quốc hội quyết định (giảm 12.500 tỷ đồng). Trong thời kỳ ổn định ngân sách, 16 tỉnh, thành phố đã tự cân đối ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương đều có bước phát triển ổn định, một số địa phương khác cũng có số thu tăng cao, có thể phấn đấu cân đối được ngân sách trong thời kỳ ổn định tiếp theo.

Liên quan đến dự toán NSNN năm 2020, cơ quan thẩm tra  đề nghị đẩy mạnh hơn việc thực hiện cơ chế tự chủ để giảm chi thường xuyên, quyết liệt việc tinh giản biên chế, tiến tới trình Quốc hội quyết định tổng mức biên chế của Nhà nước trong năm dự toán. 

Về nội dung cải cách tiền lương, đa số ý kiến trong Uỷ ban nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng. Cũng có một số ý kiến cho rằng cần cân nhắc việc tăng lương vì có thể làm cho chi NSNN mang tính chất chi tiêu dùng nhiều hơn cho chi đầu tư khi sẽ phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán của NSĐP và 40% tăng thu của NSTW cho cải cách tiền lương.

Các thành viên UBTCNS cũng tán thành với đề nghị của Chính phủ giữ mức bội chi NSNN năm 2020 là 3,44%GDP. Về nợ công, UBTCNS nhất trí đến hết năm 2020, dự kiến mức dư nợ công là 54,3%GDP, nợ Chính phủ là 48,5%GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5%GDP. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ Quốc hội tại kỳ họp này về tất cả các khoản nợ của NSNN như: nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ vốn ứng trước, nợ nguồn thanh toán của NSNN; đồng thời lưu ý về rủi ro thanh khoản, kỳ hạn trái phiếu, lãi suất huy động và vấn đề đảo nợ… để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Đánh giá chung về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016 - 2020, báo cáo của Chính phủ dự ước thu NSNN từ thuế, phí, lệ phí so với tổng sản phẩm trong nước, tỷ lệ thu nội địa trong tổng thu NSNN và tỷ trọng thu NSTW gần đạt mục tiêu đề ra và chi đầu tư phát triển (ĐTPT) nguồn NSNN giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 2,15 triệu tỷ đồng.

Nhiều ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, khả năng vượt kế hoạch đầu tư nhưng không cân đối được nguồn, nên đề nghị Chính phủ có giải pháp tích cực hơn để đạt được mục tiêu tăng chi ĐTPT ở mức 28% tổng chi NSNN. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý chi ĐTPT, chấn chỉnh việc phân bổ và giao kế hoạch vốn ở các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công có hiệu quả.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến