Đến tháng 5, 93 người đã rút khỏi Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng (Đề án 922). Trong đó dù được bố trí việc làm, 40 người đã xin thôi việc với các lý do đoàn tụ gia đình, sức khỏe không tốt, hoặc muốn tìm công việc khác. 47 học viên vi phạm hợp đồng (chủ yếu không đạt kết quả theo yêu cầu của đề án).
Bà Dương Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (trực thuộc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng), cho biết nhân tài xin thôi việc phần lớn ở các sở, ngành. Tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, 4 trong tổng số 14 học viên Đề án 922 xin nghỉ. Trong đó, 3 học viên phải bồi hoàn kinh phí đào tạo do chưa đủ thời gian 7 năm như cam kết.
Công chức tại khu vực một cửa ở Đà Nẵng trong giờ làm việc. Ảnh: Nguyễn Đông.
Sở Kế hoạch cho biết đã bố trí công việc phù hợp với trình độ, chuyên ngành đào tạo, các học viên đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều người xin nghỉ để "tìm cơ hội mới theo sở thích cá nhân". Không chỉ học viên Đề án 922 ở Sở Kế hoạch xin ra khỏi Đề án, 4 người theo diện thu hút nhân tài cũng xin thôi việc.
Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng cho biết, khi học viên có nguyện vọng xin ra khỏi Đề án, cơ quan quản lý đều mời học viên và phụ huynh đến làm việc để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, tìm cách giải quyết các vướng mắc cũng như động viên công chức tiếp tục công tác. Trung tâm cũng đồng thời thông báo cụ thể đến học viên và phụ huynh tất cả thủ tục, quy định liên quan việc bồi hoàn kinh phí trong trường hợp xin ra khỏi đề án...
Đến nay, Trung tâm đã nộp đơn khởi kiện ra tòa 32 học viên (8 đang trong quá trình xét xử tại TAND các cấp; 10 đã chuyển sang giai đoạn thi hành án; 3 đã bồi hoàn xong sau phiên xét xử sơ thẩm; 11 rút đơn khởi kiện do học viên hoàn thành việc bồi hoàn trước khi vụ án đưa ra xét xử).
Từ năm 1998, Đà Nẵng tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bằng chính sách đãi ngộ ban đầu với người tự nguyện đến làm việc lâu dài cho thành phố. Năm 2004, thành phố bắt đầu cấp học bổng ngay từ bậc đại học. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được đầu tư để tìm kiếm học sinh xuất sắc. Mỗi học viên được đầu tư hàng tỷ đồng.
Đến ngày 18/4/2018, thành phố đã cử 647 lượt học viên đi học theo Đề án 922 (thống nhất từ Đề án 47 và Đề án 393 - đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài). Hiện có 460 lượt học viên đã tốt nghiệp và bố trí công tác.
Tại hội thảo đánh giá hiệu quả chương trình thu hút và đào tạo nhân tài tổ chức tháng 10/2016 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức, con số thống kê khảo sát cho thấy 12,5% học viên Đề án 922 đang đi làm cho biết sẽ không tiếp tục làm việc, với các nguyên nhân môi trường chưa tốt, mức lương chưa đảm bảo cuộc sống, không có cơ hội thăng tiến. Có học viên tham gia đề án chờ đến hết hợp đồng với thành phố để "nhảy việc" với mức lương cao hơn.
Theo VnExpress
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy