Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) vừa cho hay, đại dịch Covid-19 đã gây ra không ít khó khăn như tắc nghẽn chuỗi cung ứng, hạn chế sự di chuyển của nhân công và do đó ảnh hưởng nghiêm trọng tiến độ thi công của các dự án điện gió.
Do tác động của Covid-19, sẽ có 4.000MW dự án điện gió tại Việt Nam đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang tiến hành thi công với mục tiêu vận hành thương mại (COD) trước ngày 01/11/2021 có nguy cơ lỡ thời hạn FIT tháng 11/2021.
Hậu quả là khoản đầu tư năng lượng sạch trị giá 6,7 tỷ USD cùng với gần 21.000 việc làm trong tương lai sẽ gặp rủi ro.
GWEC cho rằng, nếu không có biện pháp cứu trợ Covid-19 cho ngành điện gió bằng việc cho phép giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm ít nhất 6 tháng, những dự án này sẽ chịu những tổn thất ngoài dự kiến do đại dịch gây ra.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương sẽ mất đi các khoản đầu tư và khoản thu ngân sách quan trọng, do đó cản trở tiến độ hoàn thành các mục tiêu về năng lượng tái tạo được đặt ra trong Nghị quyết số 55/NQ-TW và xảy ra một chu kỳ “phá sản” khiến thị trường điện gió Việt Nam phải mất rất nhiều năm mới có thể phục hồi.
Khảo sát của GWEC cho thấy hơn 70% các dự án đã gửi yêu cầu nối lưới trước ngày 03/8/2021 sẽ không thể kịp hạn chót COD. Hậu quả là những dự án điện gió này sẽ không được hưởng ưu đãi từ cơ chế giá FIT, do đó gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế của nhà đầu tư và làm tăng nguy cơ dự án bị bỏ dở giữa chừng.
Dựa trên thông số này, GWEC cũng cho rằng, tính tới hết tháng 8/2021, ước tính có tới 4.000 MW dự án điện gió trên bờ tại Việt Nam gặp những thách thức nghiêm trọng do dịch bệnh gây ra, và do đó, có nguy cơ lỡ hạn chót cho giá FIT vào tháng 11/2021.
Theo những tính toán chuyên môn dựa trên giá trị trung bình của quốc tế và Việt Nam, 4.000 MW điện gió tương đương với 6,7 tỷ USD vốn đầu tư và đây là một khoản đầu tư rất quan trọng đối với chính quyền và người dân địa phương.
Khoản này bao gồm 6,51 tỷ USD chi phí tài sản cố định và 151 triệu USD chi phí vận hành trong 25 năm vòng đời của các dự án điện gió.
Các khó khăn được liệt kê là chuỗi cung ứng toàn cầu bị đình trệ và việc cung cấp trang thiết bị quan trọng thường chậm tiến độ từ 6-8 tuần. Tình trạng thiếu chuyến bay chở hàng đến Việt Nam và cơ sở vận tải địa phương chưa đủ khả năng vận chuyển thiết bị điện gió siêu trường, siêu trọng càng làm tình hình chậm trễ thêm kéo dài.
Tiếp đến là thủ tục đưa chuyên gia quốc tế vào Việt Nam rất phức tạp và khó khăn cùng với những quy định cách ly khiến thời gian cần thiết để đưa chuyên gia tới Việt Nam tăng thêm từ 2 đến 3 tuần, chưa kể những quy định cách ly giữa các tỉnh và địa phương kéo dài từ 7 đến 21 ngày. Việc áp dụng những quy định cách ly này đã khiến thời gian di chuyển của chuyên gia nước ngoài tới công trường dự án tăng hơn gấp đôi, từ 8 tuần lên đến 18 tuần.
Việc áp dụng biện pháp phong tỏa giữa các quận/ huyện và tỉnh bao gồm các quy định cách ly theo đặc thù từng tỉnh, giới hạn số lượng nhân công, mô hình “3 tại chỗ” và trong nhiều trường hợp, thậm chí yêu cầu đóng cửa công trường. Các thủ tục tại cảng và hải quan bị đình trệ do các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và các ca lây nhiễm trong lực lượng cán bộ hải quan.
Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg, mức giá FIT cho điện gió được áp dụng ở mức 8,5 Cent/kWh đối với tất cả các dự án đạt mốc ngày vận hành thương mại (COD) trước ngày 01/11/2021. Chính sách này đã đem lại định hướng phát triển rõ ràng cho thị trường điện gió trên bờ. Tính tới hết tháng 8/2021, chính sách này đã khuyến khích khối lượng đầu tư khổng lồ với hơn 140 dự án điện gió ký hợp đồng mua bán điện với đơn vị vận hành lưới điện quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của GWEC chia sẻ, đây không phải là vấn đề nhỏ, vì nếu mất đi khối lượng dự án điện gió này cũng đồng nghĩa giáng một đòn mạnh vào môi trường đầu tư năng lượng tái tạo và hậu quả là một chu kỳ “phá sản” mà thị trường điện gió Việt Nam có thể mất nhiều năm để phục hồi.
GWEC cũng cho rằng, quyết định lùi thời hạn áp dụng FIT sẽ không chỉ đảm bảo tính khả thi của các dự án điện gió trên bờ, mà còn khuyến khích đầu tư vào ngành điện gió ngoài khơi trong tương lai. Khi những dự án điện gió ngoài khơi thế hệ đầu tiên đang dần tiến tới mốc đóng tài chính dự án, các nhà đầu tư quốc tế cũng hồi hộp dõi theo các dự án điện gió trên bờ đang gặp rủi ro sẽ vượt qua những thách thức từ đại dịch như thế nào. Vì vậy, những khó khăn của Covid-19 không chỉ ảnh hưởng 4.000 MW điện gió trên bờ và các khoản đầu tư đằng sau dự án, mà còn tác động tới tương lai ngành điện gió ngoài khơi đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển.
Tác giả: Thanh Hương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy