Dòng sự kiện:
5 bất thường trong quy trình tuyển dụng ông Park Hang-seo
25/10/2017 08:29:12
Người hâm mộ Việt Nam đang đặt nhiều nghi vấn về quy trình tuyển dụng ông Park Hang-seo của VFF, dù HLV người Hàn Quốc chưa chính thức dẫn dắt trận đấu nào của đội tuyển Việt Nam.

Ngày 25/10 tới, HLV Park Hang-seo sẽ trở lại Việt Nam, bắt đầu công việc với vai trò HLV trưởng đội tuyển quốc gia. Tạm gác lại chuyện chuyên môn, HLV người Hàn Quốc có thể giúp đội U23 và đội tuyển Việt Nam thành công hay thất bại hãy để thời gian và kết quả các trận đấu trả lời. Tuy nhiên, chúng ta hãy cùng nhìn lại quy trình VFF tuyển dụng ông Park Hang-seo, thì quả có những điều bất thường.

HLV Park Hang-seo không đáp ứng đủ 5 tiêu chí tuyển dụng của VFF

Một trong 5 tiêu chí của VFF khi chọn tân HLV trưởng đội tuyển là phải sử dụng tiếng Anh thành thạo. Tuy nhiên, ông Park Hang-seo chỉ giao tiếp tốt bằng tiếng Hàn và cần tuyển thêm trợ lý ngôn ngữ thông thạo cả 3 thứ tiếng Việt-Hàn-Anh để phục vụ quá trình huấn luyện tại Việt Nam.

Ngoài 5 tiêu chí bắt buộc, 2 tiêu chí phụ VFF đưa ra là ưu tiên những huấn luyện viên dưới 60 tuổi và từng là tuyển thủ. Điều kiện này thì ông Park cũng không hề lợi thế khi vị HLV người Hàn Quốc sinh năm 1957 và năm nay đã tròn 60 tuổi.

HLV Park Hang-seo có sự nghiệp "xuống dốc" kể từ 2002 đến nay. Trước khi sang Việt Nam làm HLV trưởng, HLV người Hàn Quốc ở đáy sự nghiệp khi CLB ông dẫn dắt xếp áp chót tại giải hạng ba. Đồ họa: Hiền Đức.

VFF vội vàng trong việc bổ nhiệm HLV Park Hang-seo

Cuối tháng 9/2017, nhận thấy chặng đường cuối năm đội tuyển không còn giải đấu quan trọng, Tổng thư ký Lê Hoài Anh nói rằng VFF sẽ kéo dài thời gian nhận hồ sơ để chờ thêm các ứng viên sáng giá. Cụ thể, ông Hoài Anh khẳng định phải tới cuối tháng 10/2017, Thường trực VFF mới họp bàn và chốt việc chọn tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam.

Tuy nhiên thật bất ngờ, ngày 29/9, báo Hàn Quốc đăng ảnh Phó chủ tịch tài chính Đoàn Nguyên Đức cùng Phó chủ tịch chuyên môn Trần Quốc Tuấn và Tổng thư ký Lê Hoài Anh xuất hiện trên bàn đàm phán cùng HLV Park Hang-seo tại SVĐ Seoul World Cup. Chỉ trong một ngày đàm phán, hai bên đã thống nhất và "ký nháy" vào bản hợp đồng để HLV Park Hang-seo ngồi vào "ghế nóng" của tuyển Việt Nam.

Nhìn lại quy trình, VFF đã rút ngắn thời gian nhận hồ sơ từ 1,5 tháng xuống chỉ còn 17 ngày. Sau đó, chỉ mất 1 ngày để đàm phán và chốt hợp đồng chóng vánh với HLV Park Hang-seo.

Truyền thông Việt Nam, người hâm mộ Việt Nam và cả 15 ứng viên ngoại nộp hồ sơ tới VFF có quyền đặt câu hỏi cho sự bất thường này. Một huấn luyện viên đang dẫn đội đứng áp chót giải hạng ba Hàn Quốc và không có ưu điểm gì vượt trội tại sao khiến VFF vội vàng đến vậy?

Bầu Đức đóng vai trò quan trọng trong việc đưa 2 HLV Hàn Quốc sang Việt Nam.

Cũng trong năm 2017, Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) tuyển tân HLV trưởng cho đội tuyển quốc gia. Họ dành thời gian 1 tháng để nhận hồ sơ và có 30 ứng viên ứng cử như Dunga, Rijkaard, Rajevac... Sau đó, Liên đoàn bóng đá nước này công khai quy trình tuyển chọn cho tới khi "chốt" được ông Rajevac - người từng dẫn dắt Ghana và tứ kết World Cup 2010 làm tân "thuyền trưởng" của đội bóng xứ chùa vàng. Còn ở Việt Nam, quy trình tuyển chọn HLV trưởng là "không thể tiết lộ" và truyền thông chỉ được biết đến khi ông Park đã đặt bút ký vào bản hợp đồng với VFF.

Tuyển Việt Nam và HAGL cùng chọn HLV người Hàn Quốc

Bầu Đức cùng lãnh đạo VFF chọn HLV Park Hang-seo cho tuyển Việt Nam vào cuối tháng 9. Đầu tháng 10, ông bầu phố núi cũng chọn luôn Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) Hàn Quốc Chung Hae-seong cho đội nhà HAGL.

Dư luận đặt câu hỏi "có vẻ như” bầu Đức đang là điểm nối giữa 2 ông thầy người Hàn Quốc. Và mấu chốt vấn đề ở chỗ đây sẽ là cầu nối giúp cầu thủ HAGL rộng đường lên tuyển dưới thời HLV Park Hang-seo.

Câu chuyện có lẽ sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu bầu Đức không phải đương chức Phó chủ tịch VFF, trực tiếp tham gia vào việc đàm phán với HLV Park Hang-seo.

Chính vì những nghi ngờ này, HAGL mới đây đã lên tiếng giải thích việc mời HLV Chung Hae-Seong về tiếp quản chiếc ghế Giám đốc kỹ thuật. Đội bóng phố núi khẳng định quyết định này không nhằm kiếm ảnh hưởng có lợi cho cầu thủ HAGL được gọi lên cấp đội tuyển dưới thời HLV người Hàn Quốc.

HLV Park Hang-seo sẽ tới Việt Nam hôm 25/10. Sau đó, ông lên Pleiku dự khán trận ông Chung Hae-seong ra mắt khán giả HAGL ở cuộc so tài với CLB Hà Nội vào 27/10.

Trước đó, dưới thời HLV Miura trong quá khứ, hay thời HLV tạm quyền Mai Đức Chung, cầu thủ HAGL không phù hợp với lối chơi của 2 vị HLV này nên thường chỉ có 1-2 suất đá chính trong màu áo đội tuyển quốc gia.

Bên cạnh đó, "siêu cò" Lee Dong-jun là người đại diện cũng như giới thiệu ông Park Hang-seo cho VFF. Anh cũng chính là người đưa ông Chung Hae-seong sang làm Giám đốc kỹ thuật cho HAGL.

Trước đó, Lee Dong-jun có mối quan hệ thân thiết với bầu Đức và HAGL khi giúp đội bóng phố núi "xuất khẩu" Xuân Trường sang thi đấu ở K.League Classic. Tuy nhiên, thương vụ Xuân Trường chỉ thành công về mặt thương hiệu. Còn về chuyên môn, tiền vệ quê Tuyên Quang không đáp ứng được yêu cầu của Gangwon FC.

Ông Park Hang-seo từng bị Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc (KFA) cảnh cáo

Nếu VFF nhắc đến quá khứ hào hùng của ông Park Hang-seo khi làm trợ lý cho Guus Hiddink ở World Cup 2002 thì chúng ta có quyền nhắc lại sự cố trong quá khứ khiến vị HLV người Hàn Quốc không được tiếp tục làm việc cho Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc (KFA) trong 14 năm qua (từ 2003 đến nay).

Đó là câu chuyện hơn chục năm về trước, thời điểm ông Hiddink từ chức sau khi đưa Hàn Quốc vào bán kết World Cup 2002, KFA bổ nhiệm Park Hang-seo làm HLV trưởng U23 Hàn Quốc dự ASIAD 2002. Theo báo Hàn Quốc, ông Park Hang-seo để lộ với truyền thông rằng KFA không trả lương cho ông với cương vị HLV trưởng.

Đội bóng xứ kim chi đoạt huy chương đồng tại ASIAD năm đó và HLV Park Hang-seo để lộ chuyện lương thưởng ra ngoài. Giám đốc kỹ thuật KFA cho rằng ông Park Hang-seo đã làm tổn hại đến danh tiếng của đội tuyển và trong suốt 14 năm qua, vị HLV sinh năm 1957 không được trở lại làm việc với cấp đội tuyển quốc gia.

HLV Park Hang-seo được "tăng lương" nhiều lần khi sang Việt Nam?

Theo báo Hàn Quốc Yonhap, mức lương của cầu thủ hay huấn luyện viên bóng đá ở Hàn Quốc là yếu tố khá nhạy cảm và ít được tiết lộ.

Tuy nhiên hàng năm, Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc vẫn cung cấp số liệu tổng quát. Cụ thể ở mùa giải 2016, người nhận lương cao nhất ở K.League Classic (giải đấu cao nhất cấp CLB ở Hàn Quốc) là 11.000 USD/tháng (khoảng 250 triệu đồng/tháng, không tính tiền thưởng). Còn mức lương trung bình cầu thủ đá chính ở K.League Classic chỉ ở mức 5.000 USD/tháng (hơn 110 triệu đồng/tháng, không tính thưởng).

Dựa vào những con số trên, có thể khẳng định rằng HLV Park Hang-seo ở đội hạng ba Hàn Quốc không thể nhận mức lương cao hơn những đồng nghiệp đang làm việc ở K.League Classic.

Như vậy, việc sang Việt Nam là một bước tiến lớn trong sự nghiệp HLV người Hàn Quốc. Chính tờ Yonhap của Hàn Quốc đưa tin HLV Park Hang-seo sang Việt Nam với mức lương "khủng", khoảng 240.000 USD mỗi năm, tương đương 20.000 USD/tháng (khoảng 450 triệu đồng/tháng), gấp đôi cầu thủ nhận lương cao nhất ở K.League Classic.

Thống kê thành tích, tỷ lệ thắng và mức lương của các HLV ngoại dẫn dắt Đội tuyển Việt Nam từ 2005 đến nay. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Theo Tri thức trực tuyến

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến