Các nhà lãnh đạo nhóm 5 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) sẽ chính thức thành lập một ngân hàng phát triển riêng của nhóm tại hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào cuối tuần tới.
Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 9/7 cho biết, tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo BRICS cũng sẽ quyết định đặt trụ sở ngân hàng trên ở Thượng Hải hay ở New Delhi.
Với số vốn 100 tỷ USD, đây sẽ là ngân hàng phát triển chuyên cung cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng của các quốc gia trong nhóm BRICS. Kế hoạch thành lập ngân hàng đã được vạch ra từ năm 2012, nhưng bị trì hoãn nhiều lần do bất đồng giữa các quốc gia xung quanh vấn đề vốn, quản lý và nơi đặt trụ sở.
“Vấn đề trụ sở sẽ được quyết định ở cấp nguyên thủ quốc gia”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Siluanov phát biểu trước báo giới. Ông Siluanov cho biết thêm, hai lựa chọn được đặt ra cho nơi đặt trụ sở của ngân hàng phát triển BRICS là Thượng Hải và New Delhi.
Cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo BRICS sẽ diễn ra tại thành phố ven biển Fortaleza của Brazil vào ngày 15-16/7 tới.
Việc thành lập ngân hàng nói trên sẽ được coi là thành tựu lớn đầu tiên của nhóm BRICS. Năm ngoái, nhóm này đã không thể phối hợp hành động để ngăn sự tháo chạy của các dòng vốn ngoại khỏi các thị trường mới nổi - hệ quả của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm chương trình kích thích kinh tế thông qua chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, ngân hàng phát triển của nhóm BRICS cũng sẽ được xem là biểu tượng của ảnh hưởng ngày càng lớn của nhóm này - điều mà nước Nga đã mong đợi sau khi phương Tây tung một loạt đòn trừng phạt lên Moscow vì vai trò trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Vấn đề góp vốn cho ngân hàng vốn là một vấn đề nan giải, nhưng ông Siluanov cho biết, các bên sẽ góp vốn đều như nhau. Trong đó, ban đầu, mỗi nước sẽ góp 10 tỷ USD tiền mặt trong vòng 7 năm và cung cấp bảo lãnh với giá trị 40 tỷ USD. Dần dần, tổng số vốn của ngân hàng sẽ đạt 100 tỷ USD và ngân hàng sẽ bắt đầu cho vay từ năm 2016.
Theo ông Siluanov, ngân hàng này cũng sẽ để ngỏ cho các quốc gia là thành viên Liên hiệp quốc tham gia, nhưng tỷ lệ vốn của BRICS không bao giờ giảm dưới 55%. Ghế chủ tịch của ngân hàng với nhiệm kỳ 5 năm sẽ được từng thành viên BRICS luân phiên đảm nhiệm. Hiện nhóm chưa quyết định được nước nào sẽ giữ ghế Chủ tịch trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Ngoài việc thành lập ngân hàng chung, tại hội nghị thượng đỉnh lần này, các nhà lãnh đạo BRICS còn dự kiến ký một thỏa thuận quan trọng về thiết lập một quỹ trị giá 100 tỷ USD nhằm ổn định thị trường tiền tệ. Thỏa thuận này ngày càng trở nên cấp thiết sau khi dòng vốn ngoại ồ ạt chảy khỏi các thị trường mới nổi trong năm ngoái.
Một quan chức của Brazil nói rằng, quỹ ổn định thị trường tiền tệ này của BRICS có thể đi vào hoạt động từ năm 2015. Trong đó, số tiền trong quỹ sẽ được giữ trong dự trữ ngoại hối của mỗi nước BRICS, nhưng có thể được chuyển trong trường hợp cần thiết sang một nước thành viên khác của nhóm nhằm giảm bớt sự biến động trên thị trường ngoại hối của nước đó.
Với dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, Trung Quốc sẽ đóng góp 41 tỷ USD cho quỹ này. Brazil, Ấn Độ và Nga mỗi nước góp 18 tỷ USD, riêng Nam Phi góp 5 tỷ USD.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy