Dòng sự kiện:
5 vũ khí chủ lực đối phó Triều Tiên của lục quân Mỹ
18/11/2017 10:00:52
Tổ hợp THAAD và xe tăng M1A2 là hai trong những vũ khí lục quân Mỹ phải triển khai trong kịch bản đưa bộ binh tấn công Triều Tiên.

Tổ hợp THAAD được Mỹ triển khai tại Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Bộ Quốc phòng Mỹ hồi đầu tháng 11 khẳng định phương án duy nhất bảo đảm loại bỏ được kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên là triển khai bộ binh tấn công lãnh thổ nước này. Đây là kế hoạch ẩn chứa nhiều rủi ro và khó xảy ra trong thực tế, nhưng nếu được thực hiện, lục quân Mỹ sẽ phải triển khai 5 loại vũ khí then chốt để bảo đảm hiệu quả tác chiến, theo National Interest.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD)

Tổ hợp THAAD có khả năng bắn hạ các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) và tầm trung (MRBM) trong biên chế Triều Tiên như Hwasong-6, Hwasong-7 và Nodong. Đây được xem là khí tài hiệu quả để bảo vệ các mục tiêu quân sự, kinh tế và chính trị chủ chốt ở Hàn Quốc như sân bay và cảng biển, vốn có ý nghĩa sống còn trong việc tăng cường lực lượng Mỹ ở nước này.

Mỹ đang bố trí một tổ hợp THAAD gồm 6 bệ phóng với cơ số 48 quả đạn ở Hàn Quốc, cùng một radar cảnh giới AN/TPY-2. Nếu nổ ra chiến tranh, nhiều khả năng Washington sẽ triển khai thêm nhiều hệ thống THAAD để tăng khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo Triều Tiên, bảo vệ đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hệ thống phòng không Patriot

Ra đời để bắn hạ máy bay, tổ hợp phòng không Patriot hiện nay đã được nâng cấp thành hai dòng vũ khí riêng biệt, trong đó mẫu PAC-2 giữ nguyên chức năng ban đầu, còn phiên bản PAC-3 tối ưu cho nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo.

Tổ hợp Patriot PAC-2 được thiết kế để bắn hạ máy bay và tên lửa hành trình ở khoảng cách 96 km. Dù đặc tính kỹ thuật cho phép nó đánh chặn tên lửa đạn đạo, PAC-2 không phải vũ khí lý tưởng để đối phó mối đe dọa từ tên lửa Bình Nhưỡng.

Biến thể Patriot PAC-3 ra đời với mục tiêu duy nhất là đánh chặn tên lửa đạn đạo, bảo vệ các mục tiêu cụ thể như thành phố, sân bay và sở chỉ huy. Quả đạn PAC-3 có kích thước nhỏ hơn PAC-2 và tầm bắn chỉ 20 km, nhưng mỗi bệ phóng có thể chứa tới 16 quả đạn so với 4 tên lửa trên mẫu PAC-2.

Hệ thống PAC-3 cũng sử dụng cơ chế diệt mục tiêu bằng va chạm (hit-to-kill) thay vì đầu đạn nổ mảnh của PAC-2, hạn chế tối đa nguy cơ kích hoạt đầu đạn hạt nhân của đối phương trên lãnh thổ đồng minh. Patriot PAC-3 được coi là lá chắn cuối cùng bảo vệ lính Mỹ và đồng minh nếu tổ hợp THAAD bị qua mặt.

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams

Kể từ khi biên chế cho lục quân Mỹ trong thập niên 1980, xe tăng M1A2 Abrams thường xuyên được nâng cấp, từ tăng kích cỡ nòng pháo từ 105 mm lên 120 mm, đến lắp đặt thiết bị liên lạc kỹ thuật số mới. Mỹ liên tục duy trì tối thiểu ba tiểu đoàn binh chủng hợp thành ở Hàn Quốc với gần 84 chiếc M1A2 Abrams, tạo thành lá chắn thép cho lực lượng bộ binh.

Xe tăng M1A2 Abrams Mỹ tham gia tập trận tại Hàn Quốc. Ảnh: Sputnik.

Nếu chiến tranh nổ ra, xe tăng Abrams sẽ phát huy hiệu quả trước lực lượng thiết giáp đông đảo nhưng lạc hậu của Triều Tiên. Ngoài ra, M1A2 Abrams có thể xuyên thủng tuyến phòng thủ, dẫn đầu mũi nhọn đột kích vào lãnh thổ Triều Tiên.

Ngay sau khi chiến sự nổ ra, cả lục quân và thủy quân lục chiến Mỹ có thể nhanh chóng triển khai hàng trăm chiếc M1A2 trên bán đảo Triều Tiên, bổ sung cho lực lượng 84 chiếc đang trực chiến.

Xe trinh sát M93A1 NBCRS

Trong những năm gần đây, Washington tỏ ra ít chú trọng đến chiến tranh hóa học. Tuy nhiên, xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên có thể buộc lục quân Mỹ ưu tiên các phương án bảo vệ, chống vũ khí hóa học. Ước tính Triều Tiên có khoảng 2.500-5.000 tấn vũ khí hóa học các loại, sẵn sàng sử dụng chúng để giành lợi thế quyết định trên chiến trường. Do đó, xe trinh sát sinh - hóa - hạt nhân (NBCRS) M93A1 sẽ là chìa khóa để đối phó với mối đe dọa này.

Mẫu M93A1 được thiết kế dựa trên xe bọc thép chở quân của Đức với tổ lái ba người. NBCRS được trang bị hệ thống cảnh báo chất độc hóa học từ xa M21, hệ thống cảnh báo - phát hiện vũ khí hóa học tự động M22, máy đo quang phổ di động MM1 có thể phát hiện và xác định thành phần hợp chất hóa học và thiết bị giám sát hóa chất cải tiến (ICAM). Ngoài ra, xe cũng được trang bị máy định phân lượng và phát hiện bức xạ AN/VDR-2 để đo phóng xạ hạt nhân.

Xe kháng mìn chống phục kích (MRAP)

Sau khi hứng chịu nhiều tổn thất vì thiết bị nổ tự chế (IED) tại Iraq, quân đội Mỹ quyết định đầu tư 50 tỷ USD để thiết kế, chế tạo dòng xe kháng mìn chống phục kích (MRAP) với mức giá một triệu USD/chiếc. Đến nay, loại xe này đã cứu mạng hàng trăm lính Mỹ trong chiến đấu.

 

Một phiên bản MRAP trong biên chế quân đội Mỹ. Ảnh: Military Today.

MRAP có nhiều đặc điểm tối ưu cho việc chống mìn như mặt dưới hình chữ V, giúp đổi hướng luồng nổ, hạn chế thương vong cho binh sĩ bên trong. Trong những năm gần đây, quân đội Mỹ đã mua 44.000 xe để triển khai tại Afghanistan và Iraq.

Trong trường hợp nổ ra chiến tranh Triều Tiên, xe MRAP sẽ được triển khai để đối phó phương thức tác chiến phi đối xứng của Triều Tiên. Ngoài ra, liên quân Mỹ - Hàn cũng cần xe MRAP để cơ động trên địa hình gồ ghề của Triều Tiên, đối phó lực lượng du kích và hộ tống các đoàn xe hậu cần.

Theo VnEpress

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến