5 yếu tố chi phối thị trường chứng khoán Việt Nam đến cuối 2015
17/07/2015 11:16:17
Nghị định 60, việc giảm thời gian giao dịch T3, biến động lãi suất, chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn và việc đàm phán Hiệp định TPP sẽ là những yếu tố chính tác động đến chứng khoán Việt Nam từ nay đến cuối năm.

Tin liên quan

Trong một báo cáo công bố mới đây, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định có 5 yếu tố chính có thể chi phối thị trường Việt Nam trong thời gian tới, nhưng nhìn chung sẽ có tác động tích cực.

Yếu tố đầu tiên là quyết định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài bằng Nghị định 60 của chính phủ. Bước tiến này sẽ tạo cơ chế thông thoáng hơn cho sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và tạo tiền đề cho việc đệ trình hồ sơ để được xét duyệt nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam lên nhóm các thị trường mới nổi.

BVSC cho rằng quyết định này sẽ có tác động tích cực đến thị trường, dù khó có thể tạo ra 1 đợt tăng đột biến như khi Việt Nam nới room cho khối ngoại từ 30% lên 49% vào năm 2005, do dòng tiền margin bị kiểm soát bởi Thông tư 36.

Yếu tố thứ hai là việc áp dụng chứng khoán phái sinh cùng việc giảm thời gian giao dịch T+3 xuống T+2 và cho phép giao dịch T+0 đối với các cổ phiếu thuộc rổ VN30 và HNX30 trong thời gian tới. Thị trường chứng khoán phái sinh khi được chính thức áp dụng sẽ giúp nhà đầu tư có thêm công cụ để quản trị rủi ro và tìm kiếm lợi nhuận từ biến động của thị trường.

Ngoài ra, thanh khoản thị trường sẽ được cải thiện đáng kể khi thời gian giao dịch được rút ngắn, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu VN30 HNX30 khi giao dịch T+0 được áp dụng, giúp nhà đầu tư đẩy nhanh vòng quay vốn. Nhóm các công ty chứng khoán có ưu thế về nguồn vốn và đang giữ thị phần môi giới ở tốp đầu dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ yếu tố này.

Ảnh minh họa.

Thứ ba, biến động của lãi suất sẽ là 1 trong những yếu tố chi phối dòng tiền chảy vào kênh chứng khoán. Trong tháng 5 và tháng 6, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động do tăng trưởng tín dụng ấm trở lại trong khi tăng trưởng huy động vốn ở mức thấp hơn tương đối. Cùng với đó là áp lực phát hành thành công trái phiếu chính phủ để đảo nợ khiến lãi suất trên thị trường trái phiếu tăng cũng đã ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất ngân hàng.

Tuy nhiên, BVSC cho rằng, với nỗ lực điều hành ổn định lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước, cùng với việc lạm phát dự kiến ở mức thấp trong năm nay, khó có khả năng lãi suất ở các ngân hàng sẽ tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm, mà nhiều khả năng chỉ tăng chậm với biên độ nhỏ, và vẫn sẽ dao động ở vùng thấp tương đối so với vài năm gần đây.

Thứ tư, chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn dự kiến sẽ tác động đến dòng tiền của khối ngoại chảy Việt Nam. Gần như chắc chắn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất trong năm nay và nhiều khả năng sẽ diễn ra vào tháng 9.

Thời điểm tăng lãi suất của Fed là một trong những yếu tố được thị trường toàn cầu đặc biệt chú ý do đây sẽ là thời điểm đánh dấu dòng vốn rẻ chảy ngược về Mỹ để được hưởng lợi suất cao với mức độ rủi ro thấp. Tuy nhiên, việc nâng lãi suất của Fed khả năng sẽ diễn ra từ từ để tránh gây sốc cho thị trường tài chính toàn cầu.

Ngoài ra, việc Trung Quốc, Châu Âu và Nhật Bản tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ giúp nguồn cung tiền rẻ toàn cầu gia tăng, có thể giúp giảm bớt tác động từ việc Fed tăng lãi suất.

Một yếu tố nữa là tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với việc Tổng thống Mỹ Barrack Obama được trao Quyền xúc tiến thương mại (TPA) vào cuối tháng 6 vừa qua, Hiệp định TPP được kỳ vọng có thể được kết thúc sớm trong năm nay nhưng thời gian cụ thể còn phụ thuộc vào kết quả các cuộc đàm phán giữa các thành viên.

Việt Nam được kỳ vọng là nước được hưởng lợi nhiều từ TPP thông qua thu hút nguồn vốn FDI và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giữa các nước thành viên, đặc biệt ở các mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam như dệt may, nông thủy sản... Hơn nữa, các ngành được hưởng lợi gián tiếp khi nhu cầu gia tăng như logistic, khu công nghiệp, các ngành phụ trợ... cũng sẽ có cơ hội bứt phá về lợi nhuận sau khi TPP được ký kết.

Bên cạnh những yếu tố vĩ mô tích cực trên, BVSC cho rằng thị trường vẫn tồn tại những rủi ro mang tính khách quan có thể gây ra các đợt điều chỉnh ngắn hạn, như các rủi ro về mặt địa chính trị có liên quan đến vấn đề Biển Đông, ảnh hưởng liên đới từ vấn đề nợ của Hy Lạp, xu hướng giảm của giá dầu khi nguồn cung gia tăng và việc dòng vốn đầu tư gián tiếp bị hút trở về Mỹ sau khi Fed tăng lãi suất.

Cân đối các yếu tố trên, BVSC vẫn giữ dự báo như hồi đầu năm, cho rằng chỉ số VN-Index có thể đạt ngưỡng 640-660 điểm vào cuối năm 2015, tương đương P/E trong khoảng 13,6-14,0 lần, thấp hơn tương đối so với P/E bình quân là 20,3 lần của các nước trong khu vực gồm Thái Lan, Philippin, Indonesia và Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.

Theo NDH

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến