Dòng sự kiện:
56 triệu lượt người được hỗ trợ an sinh
29/09/2022 14:47:39
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, 56 triệu lượt người đã được hỗ trợ từ các chính sách an sinh của Chính phủ thời gian qua. Rất nhiều chính sách ổn định thị trường lao động đã được triển khai đồng bộ.

7 kết quả Bộ LĐ-TB&XH đạt được

Ủy ban Xã Hội - Quốc Hội khóa XV tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 7 tại TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Ngày 29/9, Ủy ban Xã Hội - Quốc Hội khóa XV đã thực hiện thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 thuộc lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội; việc thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đối với lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tại phiên họp thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ban Xã hội - Quốc hội khóa XV Đỗ Thị Lan cho biết, năm 2022, tình hình kinh tế và các lĩnh vực đời sống xã hội vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Quốc hội đã có nghị quyết 43/2021/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Nghị quyết 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, Nghị quyết 34/2021/QH15 về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Từ khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, Bộ LĐ-TB&XH đã nỗ lực, chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội và đạt được 7 kết quả tích cực.

Phó Chủ nhiệm Ban Xã hội - Quốc hội khóa XV Đỗ Thị Lan (Ảnh Hải Long).

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Cụ thể, hơn 50 triệu người lao động, 728.311 lượt đơn vị sử dụng lao động đã được hưởng thụ chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo Nghị quyết 03/2021 UBTVQH, Nghị quyết 68/CP của Chính phủ.

Đang triển khai thực hiện NQ43/QH15, trình Chính phủ ban hành quyết định thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đến 23/9, trên 50% số tiền của gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng với 95,16% số tiền theo hồ sơ đề nghị đã được thẩm định được giải ngân.

Thứ hai, đạt 3 chỉ tiêu được giao về lao động là: tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%. 3 chỉ tiêu của ngành LĐ-TB&XH đã đề ra theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 8/1 của Chính phủ gồm số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, tham gia BHTN, ước đạt kế hoạch. Thị trường lao động phục hồi trở lại, lao động có việc làm tăng nhanh (quý 2 tăng 4 triệu người so với quý 1, tăng 6 triệu người so với cùng kỳ).

Thứ ba, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng hiệu quả công tác cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm các công tác phòng chống ma túy.

Thứ tư, triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo và kế hoạch ban hành các văn bản của các Bộ ngành liên quan hướng dẫn thực hiện chương trình, phân bổ vốn. So với ba chương trình mục tiêu quốc gia thì chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững đã triển khai sớm hơn.

Thứ năm, các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được quan tâm; 100% các đối tượng thuộc diện hưởng chính sách trợ cấp, chính sách bảo trợ xã hội, trợ giúp xã hội thường xuyên hàng tháng, người dân bị thiệt hại do thiên tai được nhận chế độ kịp thời.

Thứ sáu, công tác bình đẳng giới được lồng ghép trong một số chương trình, chiến lược quốc gia, lồng ghép giới trong xây dựng luật pháp lệnh, tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật về bình đẳng giới, sửa đổi Luật Phòng chống bạo lực gia đình.

Thứ bảy, công tác phân bổ vốn đầu tư công cơ bản đảm bảo đúng định hướng cơ cấu theo ngành, nhiệm vụ nhà nước giao. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt 15,5% kế hoạch. Đối với nguồn vốn kế hoạch năm 2021 được phép kéo dài sang năm 2022, giá trị giải ngân 8 tháng đầu năm đạt 15% kế hoạch.

Ngoài những kết quả trên, lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý. Cụ thể, tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành còn chậm; thiếu hụt lao động cục bộ; đời sống người lao động còn nhiều khó khăn; tỷ lệ công chức, viên chức nghỉ việc có xu hướng tăng; một số chính sách hỗ trợ người lao động còn nhiều bất cập...

56 triệu lượt người được hỗ trợ an sinh

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (Ảnh: Hải Long).

Tham dự và giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Bộ LĐ-TB&XH đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ và chỉ tiêu 9 tháng năm 2022. Những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ tham mưu cho Chính phủ cơ bản hoàn thành tốt.

"Nhiều nhiệm vụ về phát triển thị trường lao động chúng ta đã hoành thành trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do chịu tác động rất lớn từ thế giới. Nhiều mục tiêu chúng ta đạt được bằng nỗ lực tinh thần, ý chí kiên cường. Để phát triển bền vững, chúng ta cần đầu tư về chiều sâu nhiều hơn", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chia sẻ.

Ông Dung cho rằng, năm 2021, Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH rất lo thị trường lao động bị xáo trộn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy vậy, đến nay, thị trường lao động đã tương đối ổn định, không bị đứt gãy nguồn cung ứng lao động, lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hiện có lượng lao động dồi dào, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Những vùng kinh tế trọng điểm như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương vẫn thu hút FDI tốt. Tình trạng thiếu lao động cục bộ chỉ diễn ra ở một vài nơi.

 

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, các chính sách hỗ trợ người có công cơ bản đã ổn định. Nhiều hồ sơ người có công đã được giải quyết, không có đơn thư khiếu nại, khiếu kiện về vấn đề này. Hiện nay, ngoài tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ người có công, Bộ sẽ tập trung phát triển thị trường lao động, đào tạo nghề, đào tạo lao động chất lượng cao.

"Trong thời gian qua, hơn 86.000 tỷ đồng đã được giải ngân đến tay 56 triệu lượt người lao động từ các chính sách an sinh. Nghị quyết 116/NQ-CP, Nghị quyết 68 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động đã triển khai rất thành công. Quyết định 08 về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã giải ngân 3.600 tỷ đồng hỗ trợ 5,4 triệu lượt lao động", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thông tin.

Về ý kiến của một số đại biểu về vấn đề đưa lao động đi nước ngoài còn gặp nhiều hạn chế. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, Luật 69 về đưa người lao động Việt Nam đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng đã có rất nhiều tiến độ. Tuy vậy, công tác tuyên truyền và tổ chức ở cấp cơ sở vẫn còn nhiều bất cập. Tuy vậy, trong bối cảnh như hiện nay, 9 tháng đầu năm đã đưa hơn 113.000 lao động đi nước ngoài là rất tốt.

Thời gian tới, Bộ sẽ từng bước cân đối lực lượng lao động trong nước và đi nước ngoài theo hướng có lợi nhất cho người lao động. Bộ sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đưa đi nước ngoài làm việc để học tập kinh nghiệm, sau này trở về phục vụ đất nước.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận vẫn còn một số hạn chế trong lĩnh vực đầu tư công, lĩnh vực tổ chức các chính sách hỗ trợ các đối tượng cai nghiện ma túy, mại dâm. Tuy vậy, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Bộ sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhất những nhiệm vụ được giao.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội - Quốc hội khóa XV Nguyễn Thúy Anh (Ảnh: Hải Long).

Kết thúc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội - Quốc hội khóa XV Nguyễn Thúy Anh kết luận đồng tình với những ý kiến giải đáp của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. Những nội dung các đại biểu đưa ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã giải đáp đầy đủ, thấu đáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội - Quốc hội khóa XV, đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục quan tâm thêm về đánh giá hoàn thành các chỉ tiêu cung cầu lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, tăng cường đầu tư chuyển đổi sổ trong những lĩnh vực Bộ phụ trách.

Tác giả: Xuân Hinh - Hải Long

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến