Dòng sự kiện:
6 điều cấm kỵ không được làm với trẻ sơ sinh
30/07/2018 07:41:48
Dùng mật ong tưa lưỡi, uống thêm nước, nằm gối hoặc ăn gia vị là những điều cấm kỵ với trẻ sơ sinh.

Muốn con khỏe mạnh từ lúc sơ sinh, cha mẹ cần tránh 6 điều sau:

1. Dùng mật ong tưa lưỡi

Cha mẹ không cho trẻ sơ sinh dùng mật ong để tưa lưỡi hoặc uống (pha cùng nước cam). Bởi hệ tiêu hóa của bé dưới 12 tháng tuổi chưa hoàn chỉnh, chưa đủ các vi khuẩn hữu ích, chưa thể tiêu diệt bào tử vi khuẩn Clostridium Botulinum có trong mật ong.

Độc tố Botulinum có khả năng tác động lên các dây thần kinh cơ, gây tê liệt, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con. Để bé được an toàn, mẹ hãy dùng dung dịch tưa lưỡi có bán ở các hiệu thuốc để vệ sinh miệng cho bé.

2. Cho con uống nhiều nước lọc

Nhiều mẹ cho bé uống nước sau khi bú, hoặc bổ sung nước cho bé sau các cữ bú để bé đỡ khát hoặc để tráng miệng cho bé. Điều này nghe có vẻ hợp lý, nhưng sự thật là rất có hại cho bé sơ sinh dưới 6 tháng tuổi.

Ngoài ra, do hệ miễn dịch của bé vẫn còn yếu nên nước còn có thể là mầm gây bệnh cho trẻ nếu nguồn nước không an toàn, sạch sẽ. Không có nguồn nước nào sạch sẽ và đầy đủ bằng sữa mẹ. Sữa mẹ có thành phần 85% là nước, do đó, việc bú mẹ hoàn toàn có thể cung cấp nhu cầu về nước và dinh dưỡng cho trẻ, ngay cả trong điều kiện thời tiết nóng bức.

Cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nhiều nước có thể cản trở khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ và sữa bột. Kích thước dạ dày trẻ sơ sinh còn rất nhỏ. Việc uống thêm nước sẽ làm đầy dạ dày, khiến bé no và không chịu bú sữa mẹ. Bé được cho uống một lượng nước dù nhỏ cũng gây đầy bụng và không còn thèm sữa như trước. Do đó, lượng hấp thu sữa cũng giảm. Cho uống nước đường trong tuần đầu còn gây sụt cân và bệnh tật về sau, con sẽ cảm thấy đầy bụng và không muốn uống thêm sữa nữa.

Rung lắc trẻ càng mạnh tay có thể vô tình gây tổn hại cho não trẻ, chảy máu trong não.  (Ảnh: Babble)

3. Rung lắc và nằm nôi với dao động mạnh

Sự thật rung lắc trẻ càng mạnh tay có thể vô tình gây tổn hại cho não trẻ, chảy máu trong não. Những tổn thương này có thể xảy ra chỉ với 5 giây rung lắc, thậm chí là 3 giây.

Những tổn thương này rất khó có thể phát hiện, trừ trường hợp nặng. Nhưng khi lớn, trẻ có thể bị chậm phát triển trí tuệ, thị lực kém, rối loạn hành vi nói và nghe, động kinh, tổn thương kỹ năng nhận thức và định hướng.

4. Ủ ấm và chườm đá khi trẻ bị sốt

Trẻ sơ sinh thân nhiệt khá cao nên không quấn con hay ủ con quá chặt trong nhiều lớp áo quần khăn xô. Ủ ấm bé dẫn tới bé bị đổ mồ hôi, thấm ngược lại cơ thể và gây viêm phổi.

Khi trẻ sốt, không nên ủ trẻ khiến thân nhiệt càng tăng cao, gây nguy cơ sốt co giật, cũng không được chườm đá, lạnh. Khi trẻ sốt, chúng ta chỉ nên mặc thoáng mát cho bé, cho bé ở phòng thông thoáng.

5. Cho con nằm gối

Trẻ sơ sinh không hề cần đến gối bởi xương sống của trẻ lúc mới sinh là đường thẳng: đầu và lưng phải thẳng với nhau. Nhiều mẹ cho rằng nên cho trẻ nằm gối cao để không bị trớ khi bú sữa hoặc để bé nằm thoải mái là sai lầm.

Gối đầu cao, cổ bé sẽ bị quẹo, xương sống bị thay đổi hình dạng, khiến khó hô hấp và nuốt thức ăn. Mẹ chỉ cần lấy khăn mỏng gấp lại kê cho con nằm thấm mồ hôi là được.

6. Nêm mắm, muối vào đồ ăn dặm

Trẻ dưới một tuổi chưa hoàn thiện chức năng của thận. Việc dung nạp quá nhiều muối có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở thận. Mẹ cần nhớ rằng lượng muối trong sữa mẹ, sữa công thức và các thực phẩm trẻ ăn hàng ngày đã cung cấp đủ lượng cần thiết cho trẻ.

Mẹ không cần phải bổ sung bất cứ thìa muối, giọt mắm nào trong chén cháo ăn dặm của con. Sau một tuổi, bạn có thể nấu đồ ăn cho con với một chút mắm.

Theo Zing.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến