Dòng sự kiện:
60 năm chiến thắng Hàm Rồng - Khúc tráng ca về lòng yêu nước
01/04/2025 19:03:29
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa tổ chức trưng bày, giới thiệu hàng trăm hiện vật, tư liệu lịch sử phục vụ du khách tới thăm quan.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm vào 20h ngày 3/4/2025 tại Trung tâm Hội nghị TP. Thanh Hóa. Bên cạnh buổi lễ chính, nhiều hoạt động ý nghĩa khác cũng sẽ diễn ra, bao gồm: Lễ dâng hoa, dâng hương, lễ cầu siêu tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ; Lễ khánh thành Công viên tưởng niệm các giáo viên, học sinh hy sinh tại đê sông Mã cùng các công trình chào mừng sự kiện trọng đại này. Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức các hoạt động tham quan các di tích lịch sử cách mạng tại Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng.

Phòng truyền thống trưng bày các hiện vật kỷ niệm 60 năm chiến thắng Hàm Rồng

Hàm Rồng trong lịch sử - “điểm tắc lý tưởng” trong chiến lược của Mỹ

Năm 1965, khi cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, cầu Hàm Rồng trở thành mục tiêu trọng điểm trong chiến lược đánh phá của kẻ thù. Nhằm cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, không quân Mỹ đã huy động lực lượng hùng hậu với vũ khí tối tân nhất thời bấy giờ để tấn công Hàm Rồng. Nhưng chính tại nơi đây, quân và dân Thanh Hóa đã làm nên chiến thắng vang dội, ghi dấu một trang sử hào hùng của dân tộc.

Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm mặt trận Hàm Rồng năm 1971

Nhận thức rõ tầm quan trọng chiến lược của cầu Hàm Rồng, Mỹ đã xác định nơi đây là một trong những mục tiêu trọng yếu cần tiêu diệt. Trong chiến dịch không kích này, Mỹ giao nhiệm vụ chính cho Tập đoàn Không quân Chiến thuật số 2 với đội hình máy bay F-105 "Thần Sấm" - loại máy bay hiện đại nhất lúc bấy giờ. Mỹ tin rằng tiếng gầm rú của F-105 sẽ làm tê liệt ý chí phòng thủ của quân ta, nhưng thực tế lại diễn ra hoàn toàn ngược lại. Với tinh thần chiến đấu kiên cường, quân và dân Hàm Rồng đã biến chiến thuật của địch thành cơ hội để bẻ gãy từng mũi tấn công.

Biên đội chiến thắng trận đầu tại Hàm Rồng năm 1965

Cuộc chiến 3-4/4/1965: Hàm Rồng hiên ngang giữa bão lửa

Chiều ngày 3/4/1965, hàng loạt máy bay phản lực Mỹ trút bom xuống khu vực Hàm Rồng. Mỗi ngọn núi, dòng sông, nhà máy đều trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt. Nhưng với sự chỉ đạo sáng suốt của Bộ Quốc phòng và tinh thần chủ động, quân và dân Thanh Hóa đã tổ chức thế trận phòng không kiên cố, sẵn sàng chiến đấu.

Những bức ảnh ghi lại ký ức Hàm Rồng lịch sử

Tại trận địa, pháo phòng không các cỡ 57mm, 37mm, 14,5mm phối hợp chặt chẽ, đánh trả từng đợt tấn công của địch. Tại trận địa Yên Vực, dù bị bom đạn vùi lấp, các pháo thủ vẫn kiên cường chiến đấu. Ở bờ Bắc, dân quân làng Yên Vực như chị Nguyễn Thị Hiền dũng cảm tiếp đạn cho bộ đội giữa làn mưa bom bão đạn. Cụ Ngô Thọ Lạn cùng các con sẵn sàng thay thế pháo thủ khi cần thiết. Nhà sư Đàm Thị Xuân ở chùa Nam Ngạn tận tình chăm sóc thương binh, góp phần tạo nên một thế trận chiến tranh nhân dân toàn diện.

Mảnh bom Mỹ được lưu giữ từ năm 1972

Sau một ngày chiến đấu kiên cường, quân dân Hàm Rồng đã bắn hạ 17 máy bay Mỹ, trong đó có cả "Thần Sấm" F-105. Đây là tổn thất chưa từng có đối với không quân Mỹ, khiến chúng phải thay đổi chiến thuật ngay trong ngày hôm sau.

Sáng 4/4, Mỹ huy động hơn 100 máy bay hiện đại, sử dụng cả không quân và hải quân phối hợp tấn công Hàm Rồng. Nhưng với thế trận phòng thủ kiên cố, quân dân ta tiếp tục giáng trả quyết liệt. Đến 17 giờ cùng ngày, trận chiến kết thúc với chiến thắng vang dội: 30 máy bay Mỹ bị bắn rơi. Chỉ trong hai ngày, quân dân Hàm Rồng đã tiêu diệt 47 máy bay địch, biến cuộc không kích thành "hai ngày đen tối" của không lực Hoa Kỳ.

Dân quân Nam Ngạn trong trận địa Hàm Rồng

Sự kiện đau thương “máu trộn bùn non”

Năm 1972, trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai, Mỹ vẫn điên cuồng trút xuống cầu Hàm Rồng và khu vực xung quanh hàng trăm nghìn tấn bom đạn. Chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ, bệnh viện, trường học… đều trở thành mục tiêu ném bom.

Cho đến nay, người dân Hàm Rồng vẫn khắc sâu ký ức về vụ thảm sát đẫm máu tại đê Nam Ngạn sáng 14/6/1972. Mùa mưa năm ấy, nước sông Mã dâng cao, trong khi cầu Hàm Rồng và đê sông Mã đã bị bom Mỹ tàn phá nghiêm trọng, đe dọa gây vỡ đê, nhấn chìm Thanh Hóa. Giữa lúc máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, hơn 2.000 người, gồm hàng trăm giáo viên, sinh viên, học sinh từ các trường thị xã Thanh Hóa, được huy động gia cố đoạn đê xung yếu.

48633024426675635335973439041442449217868305n

Khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh hi sinh vì bom Mỹ ném xuống đê Nam Ngạn năm 1972

Sáng 14/6/1972, bom Mỹ bất ngờ trút xuống, cướp đi sinh mạng 64 người, hàng trăm người khác bị thương, phần lớn là thầy cô giáo và sinh viên các trường: Trường Y sĩ, Trường Sư phạm 7+3 Thanh Hóa.

Khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh hi sinh năm 1972

Đất trời rung chuyển, nước sông Mã cuộn lên thành từng đợt sóng, xác người, đất bùn, gỗ ván văng tung tóe. Hàng trăm người chết và bị thương, phần lớn trong số đó là những thanh niên trẻ tuổi, những thầy cô giáo chưa kịp hoàn thành giấc mơ gieo chữ, những học sinh còn đang ôm bao cát gia cố thân đê. Ký ức đau thương không bao giờ phai mờ trong tâm trí những người dân Thanh Hóa. 

Sáng 31/3/2025, TP Thanh Hóa đã tổ chức lễ khánh thành khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh đã hy sinh trong sự kiện trên.

Khu tưởng niệm có diện tích khoảng 2,05ha, gồm 2 khu vực chính. Khu vực trong đê có diện tích 11.230m2, bao gồm các hạng mục: Nhà lưu niệm giáo viên và học sinh, nhà quản lý đón tiếp khách, khu tưởng niệm nữ sinh (hồ sen, sân lễ, đền thờ nữ sinh, cây xanh...), khu tái hiện lịch sử, khu trồng cây lưu niệm, giao thông đối ngoại.

Ngày nay, mỗi khi nhắc đến trận chiến Hàm Rồng, thế hệ đi sau vẫn bồi hồi tưởng nhớ những người đã ngã xuống. Khu tưởng niệm các nạn nhân tại Hàm Rồng không chỉ là nơi tri ân những người đã hy sinh mà còn là lời nhắc nhở về một thời kỳ chiến tranh ác liệt, về sự tàn bạo của kẻ thù và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Lương Diễn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến