'600 người vận hành 13km đường sắt Cát Linh – Hà Đông là phù hợp'
16/09/2014 15:05:15
ANTT.VN - Quyền Tổng giám đốc Ban Quản lý Dự án Đường sắt, ông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời phóng viên ANTT.VN về tăng tổng mức đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đưa 600 lao động đi đào tạo...

Tin liên quan

Thưa ông, đâu là nguyên nhân dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đội vốn đầu tư từ 552 triệu USD lên 891 triệu?

Nguyên nhân thì có nhiều nguyên nhân. Ví dụ do việc giải phóng mặt bằng cũng tăng thêm khoảng gần 700 tỷ VNĐ, rồi chuyển từ nhà ga 2 tầng lên 3 tầng thì tăng thêm phần xây lắp nhưng giảm chi phí mặt bằng, đáng lẽ phần chi phí mặt bằng còn tăng lên nữa nhưng đã giảm chi phí mặt bằng rất nhiều. Nếu phần chi phí mặt bằng không giảm thì sẽ không chỉ tăng thêm 600 tỷ mà còn tăng thêm nhiều hơn.

Trong khi đó, việc đổi vỏ tàu từ vỏ sắt sang vỏ inox chịu khí hậu cũng tăng thêm nhưng lại có tác dụng tốt về sau này như không phải xây dựng xưởng sơn vỏ tàu hàng năm và sơn vỏ tàu định kỳ, sẽ giảm được chi phí sơn, giảm độ ô nhiễm môi trường.

Chi phí xử lý xử lý nền đất yếu khu vực depot thiết kế cơ sở trước kia chưa  được đề cập đến thì lúc này phải bổ sung. Rồi chi phí do trượt giá giữa đồng tệ và đồng đô la Mỹ cũng ảnh hưởng, cụ thể, đồng tệ lúc ký hợp đồng là 7,1 tệ tương đương 1 đô, nhưng đến giờ thì 6,15 tệ mua được 1 đô la Mỹ. Chi phí trượt giá do lạm phát của Trung Quốc …

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt - Bộ GTVT.

Thưa ông, vậy việc đội vốn có nằm trong dự thảo trước tiến hành thực hiện dự án ?

Bất kỳ một dự án nào, triển khai chậm thì đều bị trượt giá. Tuyến này lẽ ra thi công từ năm 2008 đến 2013 là xong nhưng mãi đến năm 2011 mới triển khai thi công được, việc lập dự án sơ khai cũng cách đây từ năm 2004 nên đến giờ biến đổi rất nhiều.

Thực trạng các dự án đường sắt đô thị đều chậm, tăng tổng mức đầu tư từ 60 – 70%, thậm chí là 200%, điều này có chấp nhận được không, thưa ông?

Như tôi đã nói tăng tổng mức đầu tư do rất nhiều nguyên nhân, có những bước lập dự án chưa đầy đủ, có những dự án cách đây hơn chục năm rồi, riêng những việc lạm phát của đồng tiền đã tăng đáng kể, đơn giá giải phóng mặt bằng cách đây 10 năm cũng khác bây giờ, thậm chí cao gấp hàng chục lần, chi phí lương xây dựng cơ bản cách đây hàng chục năm lương tối thiểu từ 500.000– 600.000 đến giờ đã hơn 2 triệu, nhân công tăng, chi phí vật liệu tăng, trượt giá…

Tất cả các tuyến vượt mức vốn ban đầu 60 – 70%, như tuyến Cát Linh – Hà Đông là vượt 60%, các tuyến khác có tuyến vượt 200%.

Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng đinh, nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư là do dự án nghiên cứu quá sơ sài vì không nắm được gì về loại hình này, ông bình luận gì về nhận định này?

Điều đó cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư dự án, khi thiết kế cơ sở lập sơ sài thì sẽ dẫn đến phát sinh khối lượng, phát sinh GPMB, phải điều chỉnh thiết kế…

Thời gian  kéo dài thời gian từ lúc lập thiết kế cơ sở đến khi thực hiện có khi cách nhau 10 năm công nghệ đã lạc hậu rất, thể chế chính sách thay đổi, chế độ tiền lương thay đổi, giải phóng mặt bằng thay đổi… nên tổng mức đầu tư mới tăng lên như vậy.

Đơn vị nào nghiên cứu tính khả thi của dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, thưa ông?

Các tuyến đường sắt đô thị thì có nhiều đơn vị nghiên cứu khác nhau, riêng tuyến Cát Linh – Hà Đông là do Tổng công ty Thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) nghiên cứu.

Không ít các dự án sử dụng vốn vay, ban đầu giá bỏ thầu thấp sau một thời gian trúng thầu thì đội giá, lúc này ta như đã “cưỡi lên lương hổ” rồi nên trở tay không kịp và đành phải làm theo yêu cầu của nhà thầu, vậy việc này có đúng thực trạng các dự án sử dụng vốn vay không, thưa ông?

Việc tăng hay giảm đều có quy định của nó và theo điều kiện hợp đồng, theo điều kiện vay vốn, chứ không phải muốn tăng bao nhiêu là được, như dự án Cát Linh – Hà Đông là không phải đấu thầu mà là chỉ định thầu.

Thưa ông, dư luận rất quan tâm việc có đến 600 người được đưa đi đào tạo chỉ để vận hành 13km đường sắt trên cao? Tại sao số lao động này lại được gửi sang Trung Quốc đào tạo mà không phải một nước phát triển về đường sắt nào đó khác?

Không phải tất cả 600 người đều gửi sang Trung Quốc đào tạo, mà số người gửi sang Trung Quốc đào tạo là 201 người, số còn lại được đào tạo trong nước.

Tuyến đường sắt này được chỉ định nhà thầu từ việc thiết kế, thi công đến chuyển giao công nghệ, do nhà thầu công trình này là củaTrung Quốc và sử dụng công nghệ Metro để xây dựng, đây là công nghệTrung Quốc và theo hợp đồng nhà thầu phải đào tạo, chuyển giao công nghệ, và Trung Quốc cũng là nước có hệ thống đường sắt  rất phát triển, và họ cũng đã làm và đang vận hành rất nhiều tuyến metro tương tự do.

Việc lập kế hoạch vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được tính toán kỹ và tham khảo các công nghệ vận hành đường sắt đô thị của các nước trên thế giới, như chúng ta đã thấy việc vận hành tuyến đường sắt hiện đại giữa đô thị với cường độ cao không chỉ cần đến những người lái tầu, những nhân viên nhà ga mà cần phải có những bộ phận khác để đảm bảo an toàn cho tuyến.
 
Hiện tại, theo quy chuẩn quốc gia của nhà nước Trung Quốc GB 50157 – 2003, ban hành ngày 01/08/2013, về quy phạm thiết kế Metro thì việc bố trí cơ cấu vận doanh của tuyến đầu tiên bình quân số lượng nhân viên quản lý nên khống chế trong khoảng 100 người/km.

Còn tham vấn của JICA nhật bản, là đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cho Hà Nội, để vận hành khai thác tuyến đô thị trung bình của Nhật là 50 – 55 nhân viên/km, và hiện tại đối với tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, dự kiến khoảng 52 người/km, thì vẫn đảm bảo phù hợp với quy chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới.

Cần nói rõ hơn trong việc vận hành tuyến đường sắt đô thị này không chỉ cần những bộ phận trực tiếp như lái tầu, nhân viên nhà ga, nhân viên sửa chữa … mà còn có cả những bộ phận gián tiếp, bộ phận điều tiết, bộ phận điện, bộ phận an toàn, giống như một tổ chức, có cơ cấu tổ chức, có người quản lý các phòng và các công nhân vận hành, kiểm tra, sửa chữa…

Cụ thể, theo kế hoạch là hơn 600 nhân lực để phục vụ cho tuyến này, trong đó số nhân viên điều hành chung thuộc 12 phòng chức năng khoảng 87 người, nhân viên vận hành 8 trung tâm khoảng hơn 500 người.

Vậy chi phí đào tạo 600 nhân viên này từ đâu?

Nguồn chi phí đào tạo đã tính toán trong chi phí của dự án.

Xin cảm ơn ông!

Kiều Chinh (thực hiện)
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến