Dòng sự kiện:
62 đơn vị mới giải ngân vốn đầu tư công dưới 50%
08/12/2021 11:42:27
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng của cả nước ước đạt 63,85% theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư 11 tháng của cả nước ước đạt 63,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (tương đương với trên 294.589 tỷ đồng đã được giải ngân, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (71,22%). Trong đó, vốn trong nước đạt trên 69% (cùng kỳ năm 2020 là 75%); vốn nước ngoài đạt trên 21% (cùng kỳ năm 2020 đạt trên 40%).

Hiện có 7 bộ và 14 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 70% bao gồm: Hội Nhà báo Việt Nam (100%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (92,04%); Văn phòng Quốc hội (gần 90%); Ngân hàng Phát triển (85,39%); Hải Dương (84,46%); Thanh Hóa (84,44%), Hà Tĩnh (83,3%); Bộ Tài chính (trên 80%).

Tuy nhiên vẫn còn nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Cụ thể, có tới 34 bộ và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, trong đó có 19 bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%.

Bộ Tài chính đánh giá, tỷ lệ giải ngân 11 tháng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là giải ngân vốn đầu tư công năm nay bị tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 dẫn đến phải thực hiện giãn cách xã hội, gián đoạn vận chuyển nguyên vật liệu và thiết bị để triển khai thi công, nguyên vật liệu đầu vào tăng giá, công tác điều hành, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi chưa kịp thời, còn lúng túng, bị động, thiếu quyết liệt…

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 khó đạt kế hoạch đề ra.

Để thúc đẩy giải ngân trong những tháng cuối năm, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1962/QĐ-TTg thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Theo đó, các Tổ công tác do các Phó Thủ tướng Chính phủ và một số Bộ trưởng làm tổ trưởng sẽ tiến hành kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/10/2021 đạt dưới 60% kế hoạch vốn được giao; các dự án đang triển khai thực hiện trong năm 2021 và một số dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2022. Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Về phía Bộ Tài chính, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư công.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 đã được kéo dài sang năm 2021. Với các bộ, ngành, địa phương được điều chỉnh tăng kế hoạch vốn năm 2021 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị cần khẩn trương phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án để triển khai ngay, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Mới đây nhất, ngày 6/12, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã có buổi làm việc để kiểm tra, rà soát khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tại các Bộ, cơ quan: Nội vụ, Ngoại giao, Quốc phòng, Tư pháp, Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban Dân tộc.

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực, gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ; khẩn trương rà soát nâng cao năng lực của các ban quản lý dự án.

Ngày 7/12, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Phú Thọ, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang và Cao Bằng về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và xử lý các kiến nghị của các địa phương.

Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý các địa phương phải chuẩn bị kỹ các dự án đầu tư công, tránh tình trạng phải điều chỉnh dự án gây lãng phí thời gian, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Tác giả: Hải Nam

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến