Dòng sự kiện:
7 lĩnh vực Nhà nước sẽ nắm từ 65% vốn điều lệ trở lên
08/07/2021 13:39:57
Nhà nước nắm từ 65% vốn điều lệ trở lên tại doanh nghiệp thuộc 7 lĩnh vực, theo tiêu chí phân loại DNNN và DN có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.

Đây là nội dung được nêu tại Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg quy định Tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), DN có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 19/8/2021.


VietinBank đã có chốt chặn đối với hoạt động thoái vốn sở hữu cổ phần Nhà nước tại ngân hàng giai đoạn 2021-2025 (ảnh: CTG)

Quyết định này quy định tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở rà soát kế hoạch duy trì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chuyển đổi sở hữu (bao gồm hình thức cổ phần hóa, bán toàn bộ DN, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên), sắp xếp lại (bao gồm hình thức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản), thoái vốn đối với DNNN, DN có vốn Nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Quyết định nêu rõ tiêu chí phân loại theo ngành, lĩnh vực đối với DNNN, DN có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn như sau:

Những DN thực hiện chuyển đổi sở hữu, thoái vốn, Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên, hoạt động trong 7 ngành, lĩnh vực: Quản lý khai thác các cảng hàng không, sân bay; dịch vụ khai thác khu bay; khai thác khoáng sản quy mô lớn theo quy định hiện hành về phân loại quy mô mỏ khoáng; tài chính, ngân hàng (không bao gồm bảo hiểm, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính)...

Những DN thực hiện chuyển đổi sở hữu, thoái vốn, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ, hoạt động trong 7 ngành, lĩnh vực: Khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị nông thôn; sản xuất hóa chất cơ bản; vận chuyển hàng không; đầu mối nhập khẩu xăng dầu chiếm thị phần từ 30% trở lên, có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường; sản xuất thuốc lá điếu...

Những DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động trong 13 ngành, lĩnh vực: Đo đạc bản đồ phục vụ quốc phòng, an ninh; sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và cung ứng dịch vụ nổ mìn có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam;

Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia và quản lý lưới điện phân phối, xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về điện lực; kinh doanh xổ số; in, đúc tiền, sản xuất vàng miếng và các vật phẩm lưu niệm bằng vàng; tín dụng chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo hiểm tiền gửi và mua bán, xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng...

Đối với các DN không hoạt động trong ngành, lĩnh vực thuộc tiêu chí phân loại nêu trên, theo Quyết định, sẽ sử dụng một trong các tiêu chí sau để thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn. Cụ thể,

Sản xuất xi măng chiếm thị phần từ 30% trở lên, trong đó có khai thác mỏ nguyên liệu thuộc địa bàn trọng yếu về an ninh quốc phòng.

Trồng và chế biến cao su hoặc cà phê tại các địa bàn chiến lược; miền núi; vùng sâu; vùng xa gắn với quốc phòng an ninh.

Các DN sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có tỷ trọng doanh thu từ hoạt động công ích trên tổng doanh thu của DN 3 năm liên tiếp liền kề trước thời điểm xem xét chuyển đổi đạt từ 50% trở lên.

Các DN có giá trị văn hóa; giá trị lịch sử; giá trị kiến trúc có vai trò quan trọng đối với quốc phòng an ninh; thực hiện nhiệm vụ chính trị hoặc phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương trong từng thời kỳ.

Cũng tại Quyết định, các công ty nông, lâm nghiệp, DN quốc phòng an ninh, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, Công ty mua bán nợ Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện sắp xếp theo quy định khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, có thể xác định tới đây, nhiều doanh nghiệp lớn trong nhóm 7 ngành, lĩnh vực sẽ không còn phải "bàn tới lui" chuyện thoái vốn Nhà nước nữa. Hoạt động tăng vốn của doanh nghiệp nếu có nhu cầu, cũng sẽ khó có cơ hội phát hành / huy động vốn tư nhân để tránh pha loãng giảm tỷ lệ nắm giữ vốn từ 65% theo quy định.

Điển hình như trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, CTG) hiện đang có tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước 64,46%, không chỉ không còn "cửa" huy động vốn tư nhân, sẽ phải có cơ chế phát hành phù hợp cho cổ đông hiện hữu để đảm bảo tỷ lệ Nhà nước kiểm soát lợi ích kinh tế tối thiểu ở mức "sàn". Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, VCB) hay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, BID) sẽ còn cơ hội để bán vốn cho các cổ đông chiến lược tỷ lệ lớn, lần lượt xấp xỉ 10% và 15% - theo dư địa hiện còn để đảm bảo thực thi theo quy định. Đây là cơ hội rộng rãi để bứt phá cho 2 ngân hàng này trong cuộc đua tăng vốn tới đây, nếu cổ đông Nhà nước chấp thuận thoái bớt vốn, giảm tỷ lệ, qua đó tăng quy mô và nguồn lực đột phá hơn nữa cho Vietcombank và BIDV.

Hàng không, cảng hàng không thuộc nhóm Nhà nước nắm sở hữu từ 65% vốn điều lệ

Hay như trường hợp của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), quyền kiểm soát của SCIC tại đây với hiện hữu 86,19%, sẽ khó có thể thay đổi thoái bớt vốn tỷ lệ lớn dưới 65%; tương tự là khó có thể nghĩ đến kịch bản chuyển nợ thành góp vốn cổ phần cho tư nhân vào cuộc tái cấu trúc tài chính Tổng Công ty. Điều này trên thực tế cũng đã được khẳng định qua phương án Ngân hàng cam kết cho vay và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu mà Vietnam Airlines đang tiến hành.

Với cảng hàng không, ACV- Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Nhà nước hiện đang nắm hơn 95% (Bộ Giao thông Vận tải), hay ở nhóm đầu mối nhập khẩu xăng dầu chiếm thị phần từ 30% trở lên mà Nhà nước nắm tỷ lệ sở hữu thấp hơn từ 50% tới 65% như PLX- Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước đang giữ hơn 75,8% và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đang nắm giữ hơn 5,80%, thì dư địa để tìm kiếm đối tác cổ đông chiến lược, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài theo mong đợi của doanh nghiệp, trên cơ sở kế hoạch thoái vốn Nhà nước, vẫn còn rất lớn.

Tác giả: Lê Mỹ

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến