Dòng sự kiện:
7 tháng, Bộ Giao thông vận tải giải ngân trên 19.000 tỷ đồng
30/07/2021 10:21:45
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2021, chuẩn bị đầu tư 6 dự án đường cao tốc trọng điểm...

Ảnh minh hoạ

Ngày 29/7, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 7 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 năm 2021.

Trong tháng 7/2021, Bộ đã hoàn thành phê duyệt 5 dự án với giá trị hơn 2.500 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch giao. Lũy kế 7 tháng đầu năm, Bộ Giao thông vận tải đã duyệt 21/26 dự án với giá trị hơn 8.679 tỷ đồng, đạt 81% kế hoạch.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, năm 2020, công tác giải ngân của Bộ đạt kết quả tốt, tuy nhiên công tác giải ngân của năm 2021 đến nay chưa đạt kết quả như mong muốn.

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Ban Quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thi công 14 dự án giao thông cấp bách, gồm 10 dự án đường bộ, 4 dự án đường sắt, cố gắng hoàn thành dự án trong năm 2021 để không bỏ lỡ kế hoạch vốn.

Đó là các dự án như nâng cấp, cải tạo đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ...

Liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư, Bộ trưởng cho biết, hiện có 6 dự án giao thông đã được Quốc hội bấm nút thông qua, đã được bố trí vốn ngân sách, cần phải trình chủ trương đầu tư báo cáo Quốc hội.

Trong đó, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, ngay trong tháng 10/2021, các dự án trọng điểm phải trình chủ trương đầu tư để báo cáo Quốc hội, gồm dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, dự án Vành đai 4 Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TP. HCM. Cao tốc Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề cũng phải hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, trình chủ trương đầu tư trong tháng 10.

Còn lại hai dự án, là cao tốc TP. HCM - Chơn Thành do Bình Phước làm chủ đầu tư và Nha Trang - Buôn Mê Thuột, Bộ Giao thông vận tải đã giao Ban Quản lý dự án 6 làm việc trực tiếp với các cấp chức năng tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa và đơn vị tư vấn để xong chủ trương đầu tư dự án trình Chính phủ, chậm nhất là trong tháng 5/2022.

Ngoài ra, đối với Đề án quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2020 - 2030 tầm nhìn đến 2050, Bộ trưởng đề nghị sớm họp Hội đồng thẩm định quy hoạch để cho ý kiến hoàn thiện đề án.

Đối với Đề án về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư và Đề án về cải thiện hạ tầng, chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ du lịch, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan của Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan của Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan hoàn thiện đề án để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý ngay những tồn tại, vướng mắc. Trong đó, có dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, sớm đưa dự án vào vận hành, khai thác.

Về công tác quản lý hoạt động vận tải, Bộ trưởng đánh giá tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Bộ Giao thông vận tải tổ chức họp giao ban hàng ngày với các địa phương để kịp thời chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hoạt động vận tải thông suốt, an toàn.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã duyệt 21/26 dự án, giá trị 8.679 tỷ đồng, đạt 81% kế hoạch.

Tháng 7/2021, Bộ dự kiến giải ngân 2.078 tỷ đồng và lũy kế hết tháng 7/2021, dự kiến giải ngân 19.093 tỷ đồng, đạt 44,6% kế hoạch đã phân bổ và đạt 44,4% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, 17.830 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 46,8% và 1.263 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 26,6%. Dự kiến hết tháng 7/2021, Bộ Giao thông vận tải là đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn so với mức bình quân chung cả nước.


Tác giả: Ánh Tuyết

Theo: VnEconomy
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến