Đã có ít nhất 8 chủ tịch, tổng giám đốc các doanh nghiệp nhà nước ngành giao thông thôi chức vì liên quan đến công cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Con số trên mới là tạm tính trong khoảng thời gian từ cuối năm 2013 đến nay, giai đoạn các doanh nghiệp nhà nước phải cấp tập đáp chuyến tàu mang tên cổ phần hóa.
Hơn nửa năm qua, ngành giao thông luôn được Chính phủ đánh giá đi đầu trong quá trình cổ phần hoá. Nhưng cũng sẽ không quá lời nếu ai đó nói rằng công cuộc tái cơ cấu đã sinh ra chiếc "cối xay ghế" khi nhìn vào con số thống kê kể trên.
Tại hội nghị giao ban về chủ đề này giữa tuần rồi, Thủ tướng đã nhận xét: “Một trong những việc quan trọng nhất trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là công tác sắp xếp cán bộ chủ chốt”. Sau khi Ban Chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp Nhà nước báo cáo rằng ở bộ ngành, địa phương hay đơn vị nào mà lãnh đạo mạnh tay với công tác cán bộ thì ở đó công việc “rất chạy”, Thủ tướng đã gợi ý: "Ở đâu lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ này thì nên từ chức".
Trong số 8 lãnh đạo đã thôi chức, ngoài Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Thăng Long có nguyện vọng từ nhiệm liên quan đến tái cơ cấu, thì 7 lãnh đạo còn lại đều ra đi trong tâm thế không lấy gì làm chủ động. Ví dụ rõ nhất là tại Tổng công ty Hàng hải (Vinalines). Không lâu sau khi bị phê bình tại hội nghị đầu năm dưới sự chủ trì của Thủ tưởng, Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Việt phải nhường lại ghế nóng cho Phó tổng Lê Anh Sơn.
Khi ấy, Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Hồng Trường thừa nhận, một trong những lý do quan trọng nhất khiến ông Việt phải mất chức là chậm cổ phần hóa. Ít ngày sau khi nhậm chức, điều này càng được tân Tổng giám đốc Lê Anh Sơn thừa nhận. Ông nói: "Doanh nghiệp không có lựa chọn nào khác ngoài đẩy nhanh tái cơ cấu, nếu không, con tàu Vinalines sẽ chìm".
Quyết tâm ấy được đền đáp tại hội nghị giao ban đổi mới doanh nghiệp Nhà nước hôm 6/8, Vinalines đã được Chính phủ biểu dương với tư cách là doanh nghiệp tích cực trong tái cơ cấu.
Lãnh đạo mới nhất mất chức liên quan đến đổi mới doanh nghiệp là ông Nguyễn Đạt Tường, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt, một trong những doanh nghiệp lớn nhất thuộc bộ Giao thông.
Khi rời ghế hơn 2 tháng trước, có dư luận đồn đoán ông Tường liên đới trách nhiệm trong vụ một loạt quan chức đường sắt bị bắt do nhận hối lộ của công ty JTC Nhật Bản. Thế nhưng Bộ trưởng Đinh La Thăng đã bác bỏ điều này và nhận xét ông Tường là người tốt, đạo đức trong sáng. Lý do ông mất chức là bởi tổng công ty rất trì trệ trong khi đổi mới lại là nhu cầu cấp bách của ngành. Thời điểm ấy, đường sắt là doanh nghiệp chậm thực hiện cổ phần hóa nhất của ngành giao thông, khi mà móc cổ phần hóa công ty mẹ vẫn chưa được chốt.
Cuối năm 2013, trong bối cảnh các doanh nghiệp ngành giao thông cấp tập lên chuyến tàu IPO thì hai lãnh đạo cao nhất tại Tổng công ty Công trình giao thông 8 đã bị thay thế vì không hoàn thành mục tiêu.
Bộ trưởng Đinh La Thăng tại hội nghị tái cơ cấu đầu năm nói thẳng: "Doanh nghiệp chậm cổ phần hóa vì lãnh đạo sợ mất chức bởi sau IPO thì ghế của họ sẽ do đại hội cổ đông bầu công khai".
Không lâu sau tuyên bố ấy, nỗi lo của các ông chủ doanh nghiệp nhà nước đã thành hiện thực. Tổng công ty Xây dựng Thăng Long sau khi bán thành công 65% cổ phần thì Chủ tịch Nguyễn Công Tài đã phải rời nhiệm sở. Tổng giám đốc Phan Quốc Hiếu dù được bầu lại làm tổng giám đốc song cuối cùng cũng xin ra đi. Cả ông hai được điều về Bộ giữ chức Cục phó và Vụ phó.
Sau thất bại trong lần đầu bán cổ phần ra công chúng, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Đích vẫn tại vị trên ghế chủ tịch Tổng công ty Vận tải thủy. Nhưng đến lần thứ 2, bán thành công hơn 40% cổ phần cho đối tác chiến lược thì cũng là lúc vị chủ tịch phải thôi chức, chuyển sang công việc điều hành. Cộng sự với ông một thời gian dài là Tổng giám đốc Trần Hữu Luận phải lùi xuống làm phó để nhường ghế cho cựu chủ tịch.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp không làm cũng mất chức mà làm cũng... mất ghế thì trường hợp tại Tổng công ty Xây dựng đường thủy lại khá hy hữu. Chỉ còn đại diện 20% vốn nhà nước, Chủ tịch Nguyễn Huy Hiền vẫn giữ ghế chủ tịch, còn cổ đông chính chấp nhận làm Phó chủ tịch hội đồng thành viên. Tuy vậy, ông Hiền tâm sự: “Nói chủ tịch đi làm thuê thì không hẳn nhưng cũng chưa biết thời gian mình còn ngồi ghế nóng được bao lâu một khi cổ đông chiến lược đổi ý".
Trả lời câu hỏi của phóng viên trước những thay đổi nhân sự cấp cao của khối doanh nghiệp thuộc bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho đó là xu thế tất yếu sau IPO, khi mà doanh nghiệp phải thay đổi mô hình quản trị. “Đồng tiền đi liền khúc ruột, nên anh đã bỏ tiền thì anh có quyền chọn người, thậm chí là con cháu, làm sao để đồng tiền phát huy hiệu quả”, ông Thăng nói.
Đối với những lãnh đạo doanh nghiệp không còn chỗ đứng tại công ty cổ phần, ông Thăng nhìn nhận đó không phải là “mất chức” mà là “hoàn thành nhiệm vụ”. “Mục tiêu cổ phần hóa là bán bớt phần vốn nhà nước. Cho nên khi thoái xong thì đó là thành công của người đại diện phần vốn. Do đó mình phải bố trí công việc cho họ trên cơ sở hoàn thành nhiệm nhiệm vụ chứ không phải mất chức”, Bộ trưởng lý giải.
Từ đây đến hết năm 2015 cả nước vẫn còn hơn 350 doanh nghiệp trong số 432 đơn vị phải hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa. Thống kê của Ban đổi mới doanh nghiệp đến ngày 31/7 cho thấy 84 đơn vị chưa có bất kỳ tiến triển nào. Thế nên, một khi tinh thần "lãnh đạo nên từ chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ" như yêu cầu mới đây của Thủ tướng được thực thi thì chắc chắn danh sách các lãnh đạo mất ghế liên quan đến tái cơ cấu sẽ còn được nối dài. Chỉ là chưa rõ “cối xay ghế” sẽ gọi tên ai.
Chí Hiếu - Vnexpress.net
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy