Ngày 26/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 21 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19. Nghị quyết có hiệu lực ngay khi ban hành.
Chính phủ quyết nghị giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Ai được ưu tiên?
Số lượng vaccine khoảng 150 triệu liều, được mua theo cơ chế mua sắm trong trường hợp đặc biệt, quy định tại điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013. Bộ trưởng Y tế căn cứ yêu cầu phòng chống dịch, quyết định số lượng vaccine cụ thể cần mua, nhập khẩu từng giai đoạn.
Đối tượng ưu tiên và được tiêm miễn phí được Chính phủ phân thành 8 nhóm.
Lực lượng phòng chống dịch là nhóm đối tượng được ưu tiên hàng đầu để tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Việt Hùng.
Một là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ cavid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...); quân đội; công an.
Nhóm 2 là nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.
Nhóm 3 là người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...
Nhóm 4 là giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.
Nhóm 5 là người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi.
Nhóm 6 là người sinh sống tại các vùng có dịch.
Nhóm 7 là người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.
Nhóm 8 là người được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.
Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.
Chính phủ quyết định địa bàn được ưu tiên là các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có dịch; trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch.
Căn cứ khả năng cung ứng vaccine, ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng tham gia công tác phòng chống dịch bệnh, đối tượng ở vùng có dịch.
Khuyến khích tiêm chủng tự nguyện, trả phí
Nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ này trích từ ngân sách Nhà nước; ngân sách địa phương đảm bảo cho người dân trên địa bàn và các đối tượng do địa phương quản lý.
Ngân sách Trung ương đảm bảo cho các đối tượng do cơ quan Trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương.
Lô vaccine đầu tiên về đến Việt Nam trưa 24/2. Ảnh: Chí Hùng.
Cụ thể, các tỉnh miền núi, Tây Nguyên được ngân sách Trung ương hỗ trợ 70% mức ngân sách Nhà nước thực chi.
Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương từ 50% trở lên sẽ chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện.
Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương dưới 50% được ngân sách Trung ương hỗ trợ 30%; các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách còn lại được ngân sách Trung ương hỗ trợ 50%.
Ngoài ra, còn có nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, các nguồn vốn hợp pháp khác; nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine tự nguyện chi trả.
Chính phủ giao Bộ Y tế làm đầu mối tổ chức việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ vaccine; chịu trách nhiệm về chất lượng, giá cả, tổ chức quản lý, phân phối, sử dụng bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Thường trực Chính phủ.
Chính phủ cũng yêu cầu thành lập Tổ công tác do lãnh đạo Bộ Y tế làm tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương để tổ chức việc mua, nhập khẩu vaccine .
Bên cạnh đó, quy định cụ thể giá dịch vụ tiêm chủng theo quy định; tiếp nhận nguồn tài trợ, viện trợ trực tiếp và phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp nhận, sử dụng nguồn tài trợ cho công tác tiêm chủng.
Chính phủ khuyến khích các đơn vị đủ điều kiện tổ chức tiêm chủng tự nguyện cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu và tự chi trả chi phí tiêm chủng.
Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được sử dụng kinh phí trong phạm vi dự toán chi thường xuyên đã được giao theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, nguồn kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc hạch toán vào chi phí được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp để tiêm chủng cho người lao động.
Tác giả: Hoài Thu
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy