Dòng sự kiện:
8 tháng đầu năm 2022, thị trường càng giảm, khối ngoại càng mua mạnh
04/09/2022 08:10:53
Nhà đầu tư nước ngoài đã có những động thái tích cực trong 8 tháng đầu năm 2022, dù thị trường giảm khá mạnh khi kết mất hơn 14,5%.

Trong nửa đầu năm 2022, thị trường chịu áp lực điều chỉnh mạnh chủ yếu đến từ vĩ mô ngoại biên, lạm phát toàn cầu tăng cao do gián đoạn chuỗi cung ứng, trong đó Mỹ cao nhất trong vòng 30 năm buộc Fed phải thắt chặt tiền tệ, nâng thêm 0,75% lãi suất vào thời điểm giữa tháng 6.

Thêm vào đó là bức tranh tăng trưởng ảm đạm của nền kinh tế Trung Quốc do duy trì chính sách Zero Covid.

Trong khi đó, vĩ mô trong nước nhìn chung vẫn tốt so với bối cảnh chung. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước đạt mức khá 6,42% (Trong đó, GDP quý II tăng 7,72%, là mức tăng cao nhất của quý II so với cùng kỳ từ năm 2011 đến nay), tạo đà tăng trưởng cho những quý tiếp theo của năm 2022.

Trong đó, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá 8,7% do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 ước tính xuất siêu 710 triệu USD.

Lạm phát tháng 6 cũng tăng 0,69% so với tháng trước và tăng 3,18% so với tháng 12/2021. Chỉ số CPI bình quân lũy kế 6 tháng đầu năm là 2,44% so với năm ngoái và thấp hơn so với mục tiêu 4% mà Chính phủ đặt ra. Số doanh nghiệp thành lập mới bùng nổ lần đầu tiên trong lịch sử hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập trong tháng 6.

Trong bối cảnh đó, thị trường trong nước đã chứng kiến đợt giảm mạnh mẽ và kết thúc nửa đầu năm 2022 để thủng mốc 1.200 điểm, trước khi hồi nhẹ ở những tháng tiếp theo (tháng 7 và tháng 8). Tổng cộng 8 tháng đầu năm, chỉ số VN-Index đã bay gần 218 điểm, tương ứng giảm hơn 14,5% từ mốc 1.498,28 điểm (giá đóng cửa phiên cuối cùng của năm 2021).

Đồng thời, thanh khoản thị trường cũng sụt giảm mạnh khi nhà đầu tư dần làm quen trở lại với những phiên giao dịch khối lượng khớp lệnh trên sàn HOSE về dưới mức 20.000 tỷ đồng, và lùi về trên dưới 15.000 tỷ đồng trong những phiên gần đây.

Mặc dù vậy, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới vẫn khá sôi động với lũy kế 7 tháng đầu năm đạt hơn 2 triệu tài khoản, vượt xa con số cả năm 2021 (1,53 triệu tài khoản), là yếu tố cho thấy thị trường chứng khoán vẫn được kỳ vọng là kênh đầu tư tích cực.

Biến động của chỉ số VN-Index trong 8 tháng đầu năm 2022

Tháng

VN-Index

Biến động

1

1.478,96

-19,32 (-1,29%)

2

1.490,13

+11,17 (+0,76%)

3

1.492,15

+2,02 (+0,14%)

4

1.366,8

-125,35 (-9,17%)

5

1.292,68

-74,2 (-5,42%)

6

1.197,6

-95,07 (-7,36%)

7

1.206,33

+8,73 (+0,73%)

8

1.280,51

+74,18 (+6,15%)

Một điểm sáng khác của thị trường chính là nhà đầu tư nước ngoài. Khối này đã trở lại trạng thái mua ròng trong 8 tháng đầu năm.

Tính chung 8 tháng năm 2022, khối ngoại đã trở lại mua ròng 50,88 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 3.806 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ ở 2 năm trước đó khối này đã liên tục phá kỷ lục về bán ròng, với 8 tháng năm 2020 bán ròng 18.894 tỷ đồng, tương ứng gần 822 triệu USD và cùng kỳ năm 2021 bán ròng lên tới 32.017 tỷ đồng, tương ứng 1.392 triệu USD.

Thống kê giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trên 3 sàn trong 8 tháng năm 2022

Tháng

Khối lượng (triệu đơn vị)

Giá trị (tỷ đồng)

Mua

Bán

Mua-Bán

Mua

Bán

Mua-Bán

1

890,67

857,37

33,29

37.547

40.197

-2.650

2

652,82

710,83

-58,01

28.406

28.697

-291

3

885,85

998,42

-112,57

39.472

43.117

-3.646

4

913,60

833,38

80,22

39.196

35.192

4.004

5

944,42

863,87

80,54

32.985

29.506

3.479

6

970,37

908,06

62,32

34.113

31.170

2.944

7

669,72

745,96

-76,24

20.062

21.075

-1.013

8

846,42

805,10

41,32

23.346

22.366

979

Tổng

6,773,87

6,722,99

50,88

255.126

251.320

3.806

Điều đáng chú ý chính là giao dịch của khối ngoại đã trở lại giải ngân mạnh mẽ trong những tháng thị trường giảm sâu, đi ngược xu hướng của năm ngoái.

Cụ thể, trong năm 2021, trong bối cảnh nhà đầu tư F0 trong nước không ngừng gia tăng mạnh, giúp vốn nội “cân” hết vốn ngoại khi chỉ số VN-Index vẫn tăng khá tốt trước áp lực cung ngoại mạnh mẽ (điển hình là tháng 3 và tháng 5/2021, khối ngoại bán ròng vượt 11.000 tỷ đồng thì chỉ số VN-Index lần lượt tăng 1,97% và 7,15%).

Thì trong 8 tháng đầu năm 2022, trái ngược với diễn biến trên, mặc dù khối ngoại có những tháng mua ròng khá mạnh mẽ nhưng thị trường lại chứng kiến xu hướng giảm sâu.

Điển hình là trong quý II/2022, thị trường đã chứng kiến đợt lao dốc mạnh mẽ với mức giảm các tháng đều trên 5%, tổng cộng cả quý, chỉ số VN-Index đã bốc hơi gần 295 điểm, tương ứng giảm 21,95% từ gần ngưỡng 1.500 điểm về mốc 1.197,6 điểm (giá đóng cửa phiên cuối cùng của tháng 6/2022), thì khối ngoại đã mua ròng tới hơn 10.400 tỷ đồng. Đặc biệt là tháng 4, khi VN-Index giảm mạnh nhất tới gần 9,2% thì khối ngoại đã mua ròng hơn 4.000 tỷ đồng.

Thống kê trong 8 tháng đầu năm 2022, khối ngoại đã tập trung gom nhiều nhất STB 2.967 tỷ đồng; DGC 1.752 tỷ đồng; DPM 1.711 tỷ đồng; MWG 1.471 tỷ đồng...

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu thép HPG vẫn là mã bị nhóm nhà đầu tư nước ngoài xả mạnh nhất. Cụ thể, khối này đã bán ròng gần 5.810 tỷ đồng cổ phiếu HPG, trong khi cùng kỳ năm ngoái cổ phiếu này cũng dẫn đầu danh mục bị bán ròng tới 12.940 tỷ đồng.

Về phía thị trường, việc rút ngắn chu kỳ thanh toán xuống T+2 bên cạnh góp phần tăng tính thanh khoản còn giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp cận dần với các tiêu chuẩn quốc tế và hỗ trợ thị trường nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Ngoài ra, kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại từ cuối quý III/2022, cùng triển vọng thị trường khi P/E dự báo cho năm 2023 là 10,4 lần, thấp hơn nhiều so với P/E trung bình 5 năm gần đây là 16,4 lần, báo cáo phân tích mới đây của VNDirect cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể phải đối mặt với một đợt điều chỉnh ngắn hạn trong tháng 9 khi VN-INDEX đang tiến tới vùng kháng cự mạnh 1.300-1.330 điểm. Tuy nhiên, đợt điều chỉnh này sẽ tạo ra cơ hội giải ngân tốt cho các nhà đầu tư để xây dựng danh mục cho quý IV/2022 và năm 2023”, VNDirect cho biết.

Tác giả: N.T

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến