Dòng sự kiện:
9 tháng đầu năm 2019, lạm phát bình quân là 2.5%
23/10/2019 12:39:11
Theo Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi Quốc hội, 9 tháng đầu năm 2019, lạm phát bình quân là 2.5%; lạm phát cơ bản bình quân là 1.91%

NHNN cho biết để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, thời gian qua NHNN đã điều hành nghiệp vụ thị trường mở thông qua việc chào mua, chào bán tín phiếu để điều tiết lượng tiền trong nền kinh tế, duy trì sự ổn định trên thị trường tiền tệ. Bên cạnh đó, NHNN cũng điều hành đồng bộ các công cụ CSTT khác như giữ ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với các TCTD; thực hiện tái cấp vốn đối với các TCTD để cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ phê duyệt... góp phần kiểm soát tiền tệ, không tạo ra áp lực gia tăng lạm phát, hỗ trợ ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất thị trường.

Hiện nay, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND được duy trì ở mức 3% đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng, 1% đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Đối với tiền gửi bằng ngoại tệ, tỷ lệ dự trữ bắt buộc được duy trì ở mức 8% đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng, 6% đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và 1% đối với tiền gửi của các TCTD ở nước ngoài.

Kết quả là lạm phát bình quân và lạm phát cơ bản được duy trì tương đối ổn định ở mức thấp, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ Nhà nước quản lý (9 tháng đầu năm 2019, lạm phát bình quân là 2.5%; lạm phát cơ bản bình quân là 1.91%). Tính đến ngày 30/9/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 8.86% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ tăng 8.81%). 

9 tháng đầu năm 2019, lạm phát bình quân là 2.5%; lạm phát cơ bản bình quân là 1.91%

Về lãi suất điều hành, trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, NHTW các nước trên thế giới gia tăng nới lỏng CSTT, trong nước kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu, thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định; từ ngày 16/09/2019, NHNN điều chỉnh giảm 0.25%/năm các mức lãi suất điều hành để tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống TCTD.

So với đầu năm, lãi suất huy động ở một số kỳ hạn dài tăng nhẹ trong bối cảnh các NHTM tái cơ cấu nguồn vốn để đáp ứng tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, lãi suất các kỳ hạn ngắn tương đối ổn định, trong đó lãi suất tiền gửi không kỳ hạn có xu hướng giảm; thanh khoản của hệ thống TCTD tiếp tục được đảm bảo và dư thừa, các NHTM Nhà nước tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp so với thị trường.

Một số TCTD bao gồm các NHTM Nhà nước và một số NHTMCP lớn đã tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên vào đầu năm và tháng 8/2019.

Một số TCTD sau đợt giảm lãi suất cho vay 0.5%/năm đối với 05 lĩnh vực ưu tiên ngay từ đầu năm 2019; từ đầu tháng 8/2019 đã công bố giảm tiếp 0.5%/năm lãi suất áp dụng đối với các khoản vay ngắn hạn trong một số lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc áp dụng các chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp.

Hiện, mặt bằng lãi suất lãi suất huy động phổ biến ở mức 0.5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4.5%-5.5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 5.5-6.5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; 6.6-7.3% đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11% đối với trung và dài hạn.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, mặc dù có nhiều áp lực từ những diễn biến trên thị trường quốc tế (diễn biến đồng CNY giảm giá mạnh, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, dự kiến về lộ trình chính sách của Fed,…), thị trường ngoại tệ vẫn duy trì hoạt động ổn định; tỷ giá trong nước tương đối ổn định, diễn biến linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thị trường trong nước, quốc tế và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ; thanh khoản thị trường vẫn đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ, bổ sung DTNHNN.

Ngày 30/9, tỷ giá trung tâm ở mức 23,159 VND/USD, tăng 1.46% so với cuối năm 2018; tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng (23,202 VND/USD) và tỷ giá niêm yết mua-bán của Vietcombank (23,145-23,265 VND/USD) xấp xỉ mức cuối năm 2018.

Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo với Quốc hội về tính hình tài cơ cấu tại 3 ngân hàng mua lại bắt buộc và ngân hàng Đông Á (DongABank - DAB). 

Theo NHNN, trong thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng này xây dựng, hoàn thiện phương án cơ cấu lại/phương án phục hồi. Các ngân hàng đã chủ động, tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia phương án cơ cấu lại. 

Đến nay, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại NH Đại Dương (Oceanbank). Đối với NH Xây dựng, NHNN đang lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan đối với dự thảo phương án cơ cấu lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Báo cáo của NHNN không đề cập đến tình hình của DongABank. Trong khi đó, trong diễn biến mới nhất gần đây, DongABank đã tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường đầu tiên sau 4 năm bị kiểm soát đặc biệt. Tại cuộc họp, ngân hàng đã trình cổ đông phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ để bù đắp âm vốn chủ sở hữu, đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ đáp ứng yêu cầu vốn pháp định. Tuy nhiên, phương án chào bán cổ phiếu để tăng vốn của DongABank đã không được cổ đông thông qua. Theo đó, HĐQT sẽ báo cáo Ban Kiểm soát đặc biệt DongABank, NHNN để xem xét tái cơ cấu ngân hàng theo phương án khác theo quy định của pháp luật. 

Khánh Linh (T/h)

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến