Dòng sự kiện:
90% thị phần ví điện tử Việt Nam thuộc về 5 công ty có vốn ngoại lớn
22/08/2019 13:00:48
Giới hạn sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp fintech nói chung và công ty ví điện tử nói riêng là một trong những vấn đề được đề cập tại tọa đàm về chính sách quản lý fintech.

Toạ đàm do ICTnews phối hợp với Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) tổ chức ngày 20/8. 

Nói về dự thảo quy định giới hạn đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp fintech ở mức 30% hoặc 49%, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ Trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết đây là điều mà Chính phủ và NHNN hướng tới và nhiều khả năng sẽ thực hiện. Tuy vậy, việc lựa chọn con số nào vẫn đang được lấy ý kiến các bên và cân nhắc. Về quy định trên, ông Sơn cho biết khi có dự thảo về việc giới hạn “room” ngoại tại các doanh nghiệp fintech, NHNN cũng đã tham khảo quốc tế và cam kết trong hiệp ước quốc tế. Đại diện Vụ Thanh toán đề cập thêm rằng có nhiều mối quan ngại trong các hoạt động thực tiễn nhiều năm gần đây trong lĩnh vực trung gian thanh toán và fintech. 

Khối ngoại đang sở hữu vốn tại các doanh nghiệp fintech có lượng khách hàng tiêu dùng rất lớn. Dẫn số liệu đến cuối quý I, đại diện NHNN cho biết tính riêng thị trường ví điện tử  hiện có 27 doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp. Tuy nhiên, trên 90% thị phần xét về số lượng và giá trị giao dịch thuộc về 5 công ty trung gian thanh toán. 5 doanh nghiệp này đều có vốn sở hữu nước ngoài từ trên 30% đến 90%.

Việc để các công ty có vốn ngoại chiếm tỷ trọng cao nắm giữ lượng lớn khách hàng tiêu dùng đặt ra cho cơ quan Nhà nước những lo ngại về an ninh thông tin, các hoạt động bảo mật và một số vấn đề khác.

Tọa đàm về chính sách quản lý fintech. Ảnh: Lê Hải.

Từ phía Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), ông Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký hiệp hội nêu quan điểm, các fintech trong giai đoạn đầu phát triển đều cần nguồn vốn nước ngoài đầu tư công nghệ, thị trường, nhân lực. Ông Tuấn lo ngại việc hạn chế "room" nước ngoài sẽ kìm hãm sự phát triển của fintech.

Đồng quan điểm này, ông Varun Mittal, Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore, Trưởng Bộ phận tư vấn dịch vụ fintech tại các thị trường mới của Ernst & Young Singapore bày tỏ quan ngại về sự phát triển của các doanh nghiệp fintech khi hạn chế “room” ngoại. Theo ông Varun Mittal, nguồn vốn Nhà nước hiện chưa đáp ứng được nhu cầu vốn cho các startup trong lĩnh vực tài chính. Mặt khác, việc tiếp cận dòng vốn ngoại còn giúp các đơn vị tiếp cận các thành tự công nghệ mới, đặc biệt ở lĩnh vực dữ liệu lớn (big data), AI…

Trong khi đó, chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng vấn đề trong việc lập chính sách fintech hiện tại là tìm điểm cân bằng giữa kiểm soát rủi ro mà vẫn đảm bảo quyền lợi cho đa số người dùng và tạo môi trường cho doanh nghiệp fintech phát triển. 

Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà Nước (NHNN), dân số Việt Nam là 96,2 triệu người với trên 65,6% sinh sống ở khu vực nông thôn, hạn chế về khả năng tiếp cận tài chính ngân hàng. Trong khi đó, người sử dụng điện thoại di động chiếm 55%, cùng 52% dân số dùng internet và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp fintech tiếp cận người dùng trong bối cảnh phát triển của cách mạng 3G/4G.

Ông Ngô Văn Đức, Phó Trưởng Phòng Giám sát các hệ thống thanh toán, Vụ Thanh toán NHNN cho biết tại Việt Nam có 30 tổ chức không phải ngân hàng được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. 24 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR Code. Hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code, 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động.

Chính phủ đã chỉ đạo yêu cầu các bộ ngành chức năng và doanh nghiệp phải thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập thanh toán di động, góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020. 

Theo Người đồng hành

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến