Trong báo cáo chiến lược mới phát hành, ABS nhận thấy từ cuối tháng 7, mặc dù kinh tế vĩ mô của Việt Nam tích cực, nhưng các thông tin bất lợi trên thế giới ảnh hưởng khá mạnh đến thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam và dự kiến sẽ còn tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Tại Mỹ, số liệu việc làm kém khả quan và thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng của giới chuyên môn cùng với tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến đã thúc đẩy một dây chuyền bán tháo, và nguy cơ nước Mỹ rơi vào suy thoái sau một thời gian dài duy trì mức lãi suất cao là rất lớn (theo chỉ báo suy thoái Sahm).
Tại châu Á, các thị trường tài chính lớn đều bị bán tháo, đặc biệt tại thị trường Nhật Bản khi Nikkei 225 sụp đổ hơn 12% trong 1 phiên do tác động của BoJ khi nâng lãi suất lên mức 0.25% khiến đồng Yên Nhật tăng mạnh chỉ trong vài ngày.
Tại Trung Quốc, dường như nền kinh tế này vẫn đang không thể phục hồi khi các chỉ số kinh tế đều cho thấy mức thu hẹp và khủng hoảng bất động sản vẫn là gánh nặng tài chính cực lớn đối với hệ thống tài chính của quốc gia tỷ dân này.
Tại lục địa già, số liệu kinh tế của EU tiếp tục gây thất vọng, ngành sản xuất thu hẹp với tốc độ nhanh trong khi CPI đã ngay lập tức tăng vượt kỳ vọng chỉ sau hơn 1 tháng ECB tuyên bố cắt giảm lãi suất.
Ngoài ra, tình hình chiến sự tại Trung Đông đang căng thẳng hơn bao giờ hết. Hai cường quốc quân sự Israel và Iran đang đứng trước bờ vực của một cuộc chiến toàn diện. Còn tại Nam Á, Bangladesh đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, bắt nguồn từ những căng thẳng do hàng loạt vấn đề kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, tình hình vĩ mô Việt Nam vẫn cho thấy những dấu hiệu tích cực. Số liệu kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết thể hiện đà hồi phục tích cực tiếp diễn từ quý trước.
Về mặt định giá, P/E của VN- Index đã giảm từ mức 14,1x cuối tháng 6 xuống 13,8x cuối tháng 7, thấp hơn mức bình quân 14,14x của chỉ số này trong 1 năm qua. P/E kỳ vọng cho cả năm 2024 ở mức thấp hơn do kết quả kinh doanh cả thị trường được dự báo tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 đang có định giá P/E là 12.58x, thấp hơn nhiều so với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong VNMID (16.73x) và VNSML (17.38x).
2 kịch bản cho thị trường trong tháng 8
VN-Index trong tháng 7 tiếp tục nỗ lực vượt đỉnh 1.300 điểm không thành công. Chỉ số VN-Index rung lắc mạnh với biên độ lớn từ 1.218 đến 1.300 điểm. Kết phiên 31/7, VN-Index đạt mốc 1.251,51 điểm, tăng nhẹ 0,5% so với tháng trước. Chỉ số tiếp tục giảm điểm mạnh trong các phiên đầu tháng 8 về mốc 1.185 điểm. Với tình hình hiện tại, ABS đã đưa ra 2 kịch bản cho VN-Index trong tháng 8.
Kịch bản 1, trường hợp các cuộc bạo loạn, xung đột vũ trang được hóa giải, không leo thang xấu hơn, nếu VN-Index giữ được mốc 1.166 sẽ hình thành cấu trúc đi ngang tích lũy.
Kịch bản 2, trường hợp ngược lại, kịch bản giá điều chỉnh xuống trong tháng 8 được ưu tiên. Nếu giá đóng cửa tuần không giữ được mốc 1.166 điểm, thị trường chung sẽ tiếp tục điều chỉnh xuống các mốc hỗ trợ 3 của báo cáo phân tích các tháng trước đây tại vùng giá 1.140 – 1.080+/-. Các nhịp điều chỉnh có thể diễn ra với cường độ khá nhanh và mạnh. Khi đó P/E 12 tháng gần nhất của thị trường dự kiến giảm về mức khá hấp dẫn 12,6x - 11,9x.
Do đó, trong tháng 8, các chuyên gia khuyến nghị quản trị rủi ro trung hạn được đặt lên hàng đầu. Việc giao dịch cổ phiếu trong các pha hồi phục kỹ thuật cần được cân nhắc kỹ lưỡng tại vùng hỗ trợ của VN-Index và cổ phiếu cụ thể, khi có tín hiệu cụ thể xác nhận hoàn thành mô hình giá.
Các nhịp giao dịch hồi phục trong pha điều chỉnh trung hạn, nhà đầu tư nên hạ thấp kỳ vọng lợi nhuận và tuân thủ cắt lỗ. Vùng hỗ trợ 1 (1.170 – 1.160 điểm) và hỗ trợ 2 (1.140 – 1.080 điểm) là vùng có thể giải ngân đầu tư trung hạn.
Các nhóm ngành nhà đầu tư nên quan sát đối với điểm mua trung hạn khi VN-Index điều chỉnh xong là ưu tiên doanh nghiệp đầu ngành có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh đều đặn, trong các ngành có tính phòng thủ như: năng lượng, y tế, hàng tiêu dùng thiết yếu, bán lẻ, hóa chất...
Tác giả: Kiều Trang