AFC Vietnam Fund có hiệu suất đầu tư 12,8% trong tháng 12/2020, giúp Quỹ tăng trưởng 27,7% kể từ đầu năm 2020 và 128,4% kể từ cuối tháng 3/2020 khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Trong khi đó, chỉ số VN-Index tăng 10,2% vào tháng 12/2020 và tăng 15,2% trong năm qua.
Đà tăng vượt trội của thị trường Việt Nam phản ánh nền tảng kinh tế vĩ mô tích cực so với các khu vực khác trên toàn cầu và những triển vọng tươi sáng năm 2021. Bên cạnh đó, một lần nữa, thị trường leo dốc nhờ tâm lý tích cực từ chính các nhà đầu tư nội.
“Các nhà đầu tư nước ngoài đã phạm sai lầm lớn trong năm vừa qua khi bán ròng mạnh”, AFC nhận định.
AFC cho biết, vào thời điểm này hàng năm, đa số công ty chứng khoán, nhà môi giới, các tổ chức kinh tế đều công bố báo cáo nhìn nhận thị trường trong năm vừa qua và triển vọng trong năm tới. Nhiều ý kiến đồng tình, cũng có nhiều ý kiến trái chiều với các nhận định được đưa ra, nhưng giống như The New York Times từng nhận định, đa phần các dự báo thường sai, nhất là khi đánh giá trong dài hạn.
Tháng 12/2019, các chuyên gia phố Wall đánh giá chỉ số S&P 500 sẽ tăng khoảng 2,7% trong năm 2020, trong khi thực tế thì chỉ số này đã tăng 16,3%. Đó là không đề cập tới câu chuyện tâm lý thị trường hoảng loạn khi đại dịch diễn ra khiến chỉ số giảm 13% vào thời điểm đầu năm.
"Tất nhiên, câu chuyện này không nhằm nói rằng chúng ta nên ngừng đọc các dự báo, đánh giá kinh tế từ các chuyên gia và thành viên thị trường, nhưng chúng ta cần nhận thức được rằng, đó chỉ là các nguồn thông tin, không có gì hơn", báo cáo của AFC cho biết.
Thay vào đó, theo AFC, quỹ này không dự báo các con số về thị trường hay nền kinh tế, mà tập trung vào biểu hiện, cũng như những yếu tố trong nền kinh tế, xã hội và chính trị.
Sau nhiều năm có cái nhìn tích cực về nhiều khía cạnh của thị trường Việt Nam, AFC đang quan sát kỹ hơn xem liệu có yếu tố nào thay đổi. Năm 2020 một lần nữa chứng minh, Việt Nam không chỉ có khả năng tiếp tục đà tăng trưởng, mà còn có nhiều mặt nổi trội hơn so với các quốc gia khác trên thế giới, nhất là về tăng trưởng kinh tế và khả năng kiểm soát đại dịch.
AFC đánh giá, không có gì ngạc nhiên khi người dân Việt Nam tự hào về những thành tích đạt được và lạc quan vào tương lai, không có tâm lý chán nản, thất vọng như người dân tại nhiều nơi trên thế giới đang bước vào giai đoạn giãn cách, đóng cửa mới.
Bởi vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam hoàn toàn rũ bỏ được áp lực khi khối ngoại bán ròng liên tục trong năm 2020.
“Chúng tôi chưa bao giờ để ý quá nhiều tới dòng tiền khối ngoại mua/bán trên thị trường, bởi dòng tiền nội đang là động lực chính của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, việc nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu quay trở lại thị trường trong năm 2021 chắc chắc sẽ gia tăng nhu cầu và khiến tâm lý của nhà đầu tư trong nước càng trở nên tích cực”, AFC nhận định.
Một diễn biến đáng chú ý trong những tháng vừa qua, cũng như trong vài năm gần đây là việc ngày càng nhiều công ty huỷ niêm yết/đăng ký giao dịch tại UPCoM và HNX để chuyển sang HOSE.
Gần đây, ACB – một trong những công ty chiếm tỷ trọng lớn tại HNX-Index cũng chuyển sang niêm yết tại HOSE. Trong khi đó, sự chênh lệch quy mô thị trường là rất lớn (HOSE có vốn hoá thị trường 181 tỷ USD trong khi HNX là 9 tỷ USD), và ngay cả UPCoM cũng có vốn hoá thị trường khoảng 86 tỷ USD.
Chuyển động gần đây của HNX-Index trở nên quá thất thường nên AFC Vietnam Fund quyết định sẽ chỉ theo dõi chỉ số chính tại sàn HOSE và xem đây là tương quan so sánh trong tương lai.
5 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục đầu tư của AFC Vietnam Fund
“Giống như nhiều quỹ khác, chúng tôi luôn tìm kiếm công ty tăng trưởng để tối đa hoá lợi nhuận cho nhà đầu tư, nhưng mặt khác, chúng tôi vẫn muốn “ngủ ngon” với danh mục đang nắm giữ. Khi thị trường chứng khoán trải qua giai đoạn cay đắng vào đầu năm và giá trị của các cổ phiếu từ mức rẻ xuống siêu rẻ, chúng tôi đã cân nhắc lại các rủi ro trong danh mục của mình”, AFC cho biết.Một xu hướng chính khác là sự thay đổi vai trò dẫn dắt từ nhóm cổ phiếu tăng trưởng sang nhóm cổ phiếu giá trị.
Định giá tại thị trường Việt Nam vẫn rất hấp dẫn với PE vào khoảng 17,6x so với các quốc gia khác như Singapore 21x, Malaysia 23x, Thái Lan 24,7x, Philippines 28,4x và Indonesia 28,5x, nhưng AFC cho biết, có sự chênh lệch khá rõ ràng tại các nhóm cổ phiếu. Chẳng hạn, PE của nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa chỉ khoảng 12,1x và 14,1x.
PE thị trường Việt Nam và một số thị trường trong khu vực
Đây là lý do các chỉ số có nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2020 so với VN-Index (cổ phiếu vốn hoá nhỏ +37,8%; vốn hoá vừa +36,3% và VN-Index +14,9%).
Nhóm cổ phiếu này đã thu hút lượng kỷ lục các nhà đầu tư nội mới gia nhập thị trường. Với sức mạnh từ nhóm nhà đầu tư mới, thị trường chứng khoán Việt Nam có thêm động lực và thanh khoản cải thiện mạnh mẽ.
Khối lượng giao dịch trung bình tại HOSE trong các tháng năm 2020
Trong tháng 12, thanh khoản của thị trường cải thiện tích cực, đạt trung bình 470 triệu USD/ngày, tương đương với một số thị trường khác trong ASEAN.
Tác giả: Lam Phong
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy