Dòng sự kiện:
Ai có thể là người tiếp theo rời khỏi Nhà Trắng?
18/03/2018 08:50:08
Sau khi sa thải cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson, Tổng thống Mỹ Donald Trump hé lộ rằng ông có thể sẽ tiếp tục cho các quan chức và trợ tá khác nghỉ việc.

Tướng 3 sao - Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster dường như luôn ngồi trên “ghế nóng” trong suốt 1 năm qua kể từ ngày nhậm chức. AFP đánh giá ông McMaster giống một trọng tài có nhiệm vụ phân định và hòa hợp giữa Lầu năm góc, Bộ Ngoại giao, CIA và các cơ quan chính phủ khác.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster (Ảnh: AFP)

Quan điểm cứng rắn của ông về vấn đề sử dụng sức mạnh quân sự với Iran và Triều Tiên giúp ông có thêm những người đồng chí hướng trong vòng tròn quyền lực của ông Trump như Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis hay Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joe Dunford.

Tuy nhiên, theo một số nguồn thạo tin trong Nhà Trắng, Tổng thống Trump dường như đang tìm kiếm những ứng viên thay thế ông McMaster do có một số khác biệt rõ rệt về mặt chiến lược và tư tưởng. AFP cho rằng ông McMaster nên tìm nơi “hạ cánh an toàn”, một vị trí có thể giúp ông thăng hạng trở thành tướng 4 sao. Và vị trí chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc nên được ông McMaster đưa vào “tầm ngắm”.

Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly (Ảnh: AFP)

“Người giữ cửa” Nhà Trắng - Chánh văn phòng Kelly cũng được cho là đang trong tình thế nguy hiểm. Được bổ nhiệm vào văn phòng tổng thống Mỹ, ông Kelly được kỳ vọng sẽ thiết lập lại trật tự vào thời điểm nội bộ Nhà Trắng đang có dấu hiệu “rối ren”.

Tuy nhiên, ông Kelly được cho là có quan điểm đối ngược với ông Trump về những quyết định có thể thay đổi thế giới một cách “chớp nhoáng” của tổng thống Mỹ. Ngoài ra, ông Kelly dường như cũng có nhiệm vụ trấn an các nhân sự trong Nhà Trắng trong bối cảnh họ tỏ ra hoang mang với cuộc điều tra về những cáo buộc liên quan tới việc Nga can thiệp bầu cử. Giới quan sát nhận định với những đồn đoán về mâu thuẫn giữa ông Trump và ông Kelly, việc ông Kelly từ chức có thể sẽ xảy ra chỉ trong “một sớm, một chiều”.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions (Ảnh: AFP)

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions có lẽ là một trong những nhân vật bị ông Trump đưa vào “tầm ngắm” từ năm ngoái, sau sự việc ông Sessions tuyên bố rút khỏi cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Đây được coi là quyết định mở đường cho Thứ trưởng Tư pháp Rod J. Rosenstein ký văn bản bổ nhiệm Công tố viên đặc biệt Robert Mueller tiếp nhận vụ điều tra.

Ông Sessions được cho là đã từng ít nhất một lần muốn từ chức sau khi bị ông Trump chỉ trích công khai trên mạng xã hội Twitter về cách làm việc. Tuy nhiên, ông Sessions đã tự cứng rắn bảo vệ chính mình và tuyên bố ông sẽ thực thi nhiệm vụ bằng tất cả phẩm giá và danh dự cũng như bảo đảm Bộ Tư pháp cũng sẽ tiếp tục công việc một cách công bằng tuân thủ luật và hiến pháp.

Dù ông Sessions là người trung thành với những chính sách của chính quyền ông Trump như chống lại vấn đề di dân bất hợp pháp, hay bổ nhiệm các thẩm phán có quan điểm bảo thủ, nhưng, AFP cho rằng ông Trump dường như vẫn còn khúc mắc với ông Sessions nhất là sau vụ việc ông Muller tiến hành cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Bộ trưởng Bộ Các vấn đề cựu binh Mỹ David Shulkin (Ảnh: AFP)

Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị Ben Carson cũng được cho là có thể bị sa thải sau cáo buộc rằng quan chức này tính mang 31.000 USD tiền thuế của người dân đi mua bàn ăn cho văn phòng của ông. Ngoài ra Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Ryan Zinke cũng nhận những cáo buộc tương tự khi nguồn tin cho rằng ông Zinke dường như đã duyệt chi 139.000 USD để sửa 3 cánh cửa văn phòng, cũng như bê bối sử dụng tiền công quỹ đi máy báy riêng.

Hồi cuối năm ngoái, báo Washington Post nói Bộ trưởng Bộ Các vấn đề cựu binh Mỹ David Shulkin đã có chuyến đi nghỉ kết hợp công việc kéo dài 10 ngày ở châu Âu. Tuy nhiên, ông Shulkin cũng đưa vợ cũng đi trong chuyến đi này, và khoản tiền 122.000 USD công tác phí xuất phát từ tiền thuế của người dân.

Ông Trump dường như cảm thấy rất không hài lòng với những bê bối có thể làm ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh của nội các Mỹ trong mắt báo giới và đây có thể là một trong những yếu tố cân nhắc để ông Trump đưa ra quyết định liên quan tới nhân sự nếu ông tiến hành cải tổ bộ máy chính phủ, theo AFP.

Theo Dân trí

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến