Sự xoay trục sang bán lẻ và phát huy tối đa hiệu suất làm việc của nhân viên đã góp phần tạo nên lợi nhuận khủng cho ngân hàng
Mặc dù kinh doanh trong bối cảnh nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các ngân hàng vẫn biết cách làm ra mức lợi nhuận khổng lồ. Điều này cho thấy khả năng “làm ra tiền” của nhân viên các ngân hàng rất ấn tượng.
Khốc liệt bảng xếp hạng lợi nhuận
Năm 2021 vẫn được xem là một năm thành công của ngành ngân hàng khi nhìn ở khía cạnh lợi nhuận. Tổng lợi nhuận trước thuế của 24 ngân hàng trong diện thống kê đạt hơn 175.000 tỷ đồng, tăng 35,8% so với năm 2021. Bên cạnh đó, trên bảng xếp hạng lợi nhuận đã diễn ra sự giằng co khá khốc liệt về vị trí.
Vietcombank vẫn tiếp tục là ngân hàng đứng đầu với lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 27.300 tỷ đồng thì hầu hết, các ngân hàng thuộc nhóm báo lãi trên 10.000 tỷ đồng đều xuất hiện những cuộc hoán đổi.
Điển hình nhất là cuộc cạnh tranh giữa Techcombank và VietinBank. Năm 2020, VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 17.000 tỷ đồng và xếp thứ hai trong bảng xếp hạng, chỉ sau Vietcombank. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, lợi nhuận trước thuế của VietinBank chỉ nhích nhẹ 3%, lên hơn 17.500 tỷ đồng. Trái lại, năm 2021, Techcombank ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lên tới 47%, đạt hơn 23.200 tỷ đồng, qua đó chiếm vị trí thứ hai của VietinBank.
Tiếp đến là cuộc hoán đổi vị trí giữa MB và VPBank. Năm 2020, VPBank đạt mức lợi nhuận trước thuế hơn 13.000 tỷ đồng, xếp sau 3 ngân hàng gồm Vietcombank, VietinBank và Techcombank. Năm 2021, VPBank cố kéo lợi nhuận tăng thêm 12% lên mức hơn 14.500 tỷ đồng nhưng vẫn đánh mất vị trí vào tay MB. Ngân hàng của quân đội này ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tới 55% trong năm 2021, lên hơn 16.500 tỷ đồng.
Tương tự là cuộc rượt đuổi giữa BIDV và ACB. Không còn suy giảm lợi nhuận như trong năm 2020, sang năm 2021, BIDV ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lên tới 51%, từ hơn 9.000 tỷ đồng lên hơn 13.600 tỷ đồng và chiếm vị trí của ACB (lãi 11.900 tỷ đồng năm 2021).
Ngoài cuộc cạnh tranh trên, còn một điểm chú ý khác về lợi nhuận ngân hàng 2021 đó là việc nhiều đơn vị xác nhận mức tăng trưởng trên 100%. Trong đó, MSB tăng từ 2.523 tỷ đồng năm 2020 lên hơn 5.088 tỷ đồng trong năm 2021; VietABank tăng từ 407 tỷ đồng lên 844 tỷ đồng; hay như Kienlongbank có lợi nhuận tăng gấp hơn 6 lần từ 158 tỷ đồng lên hơn 1.010 tỷ đồng…
Nhân viên ngân hàng nào tạo ra nhiều lợi nhuận nhất?
Theo thống kê của phóng viên VnEconomy từ báo cáo tài chính năm 2021 của 24 ngân hàng, bình quân mỗi nhân viên ngân hàng tạo ra hơn 749 triệu đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương khoảng 62,4 triệu đồng/tháng, tăng 21% so với năm 2020.
Trong đó, nhân viên Techcombank mang về lợi nhuận hơn 159,3 triệu đồng mỗi tháng, tăng mạnh so với mức 114,7 triệu đồng (năm 2020) và tiếp tục dẫn đầu các ngân hàng khảo sát về khả năng "cày" tiền, con số bình quân/năm là 1,911 tỷ đồng/năm
Vietcombank là ngân hàng có lãi trước thuế cao nhất trong hệ thống với hơn 27.300 tỷ đồng. Với số lượng nhân viên trung bình lên tới 20.800 người, bình quân hàng tháng mỗi nhân viên Vietcombank tạo ra gần 109,3 triệu đồng, tăng 11% so với cùng kỳ; tương ứng hơn 1,3 tỷ đồng/năm
Các ngân hàng thương mại Nhà nước dù sở hữu số lượng nhân viên cao nhất hệ thống nhưng ngoài Vietcombank thì các ngân hàng khác lại đứng ở các vị trí khá thấp trong bảng xếp hạng nhân viên tạo ra nhiều lợi nhuận nhất.
Tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước được khảo sát, Vietcombank cũng là ngân hàng có số lượng nhân viên thấp nhất nhưng hiệu quả làm việc lại tốt nhất. Lợi nhuận trước thuế bình quân mỗi nhân viên đem về cho Vietcombank hàng tháng gấp 2,6 lần BIDV.
Nhân viên của các ngân hàng đem về từ 70 – 80 triệu đồng/người/tháng gồm: MB, ACB, MSB và OCB. Các ngân hàng còn lại đều ở mức dưới 70 triệu đồng/người/tháng.
Thấp nhất trong bảng khảo sát là Saigonbank với mức lợi nhuận nhân viên đem về chỉ khoảng 9,2 triệu đồng/người/tháng.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khả năng "làm ra tiền" của nhân viên các ngân hàng sẽ ngày càng tăng lên. Bởi lẽ, quá trình chuyển đổi số đã đến thời điểm hái "quả ngọt". Các công cụ kỹ thuật số có thể giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả làm việc của nhân viên.
Mặt khác, nguồn thu của các ngân hàng đang có xu hướng dịch chuyển từ hoạt động tín dụng sang các hoạt động khác như dịch vụ, ngoại hối, kinh doanh chứng khoán... Mảng hoạt động phi tín dụng được chú trọng nhờ rủi ro thấp, biên lợi nhuận lớn và ít phụ thuộc vào số lượng nhân viên. Đây là yếu tố giúp năng suất lao động của nhân viên tăng trưởng ổn định.
Tác giả: Vũ Phong
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy