Vậy liệu có ai đứng sau những vụ thao túng này và bà Lê Thị Hải Bình sai phạm để làm gì?
Mở 46 tài khoản thao túng, không có khoản thu trái luật
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân là bà Lê Thị Hải Bình (Hà Nội), số tiền 1,5 tỷ đồng. Bà bị cấm giao dịch 2 năm do có hành vi vi phạm thao túng thị trường chứng khoán.
Theo kết luận, trong khoảng thời gian từ ngày 22/8/2018 đến ngày 15/6/2021, bà Bình đã sử dụng 46 tài khoản bao gồm 1 tài khoản của mình và 45 tài khoản của 34 nhà đầu tư để liên tục mua, bán cổ phiếu CTCP Chứng khoán APG (APG) nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu APG.
Mặc dù thao túng trong trong gần 3 năm nhưng kết luận cho thấy, bà Lê Thị Hải Bình không có khoản thu trái pháp luật.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc bà Bình thao túng chứng khoán nhưng không thu lợi từ các hành vi sai phạm nói trên.
Mức phạt 1,5 tỷ đồng cũng là mức cao nhất đối với cá nhân và việc cấm giao dịch 2 năm cũng là ngăn biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với bà Bình.
Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là bà Bình dùng tới 46 tài khoản để thao túng chứng khoán trong một thời gian dài như vậy để làm gì?
Và ai là người được hưởng lợi từ những sai phạm nói trên. Bà Bình có quan hệ gì với các lãnh đạo, cổ đông trong công ty hay không?
Thao túng trên thị trường chứng khoán. (Ảnh: D.Anh)
Trong các báo cáo gần đây cho thấy, bà Bình không có mối quan hệ với Chủ tịch, Tổng giám đốc, các thành viên Hội đồng quản trị của Chứng khoán APG.
Diễn biến giá cổ phiếu APG trên thị trường trong giai đoạn bà Bình thao túng đáng chú ý. Giá cổ phiếu tăng mạnh từ mức 2.800 đồng lên gần 6.700 đồng/cp. Cùng với diễn biến sôi động trên thị trường sau đó, cổ phiếu APG thậm chí còn lên mức gần 21.000 đồng/cp vào đầu năm 2022.
Sau đó, cổ phiếu này lao dốc, trở lại mức 2.600 đồng/cp hồi tháng 11/2022. Gần đây, APG lại tăng mạnh trở lại, hiện ở mức gần 7.900 đồng/cp (kết thúc phiên 6/6).
Tình trạng thao túng chứng khoán nhưng không có số lợi bất hợp pháp diễn ra khá nhiều trên thị trường.
Đầu tháng 11/2022, UBCK đã xử phạt bà Vũ Thị Ngọc Ánh (Thái Nguyên) 550 triệu đồng do đã sử dụng 20 tài khoản để liên tục thực hiện giao dịch mua, bán cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á (DAH), tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu DAH. Bà Ánh cũng được xác nhận là không có số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
Hay như gần đây, ngày 13/4, UBCK xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đoàn Bá Hồng (Hải Dương) 550 triệu đồng do đã sử dụng 24 tài khoản để giao dịch tạo cung, cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu CTCP Xây dựng 1369 (C69).
Kết quả kiểm tra, vi phạm của ông Hồng không có số lợi bất hợp pháp.
Mục đích thao túng là gì?
Ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chứng khoán Kiến Thiết CSI cho rằng, các hành vi sai phạm có thể có nhiều mục đích khác nhau. Không thu lợi trên các tài khoản thao túng, nhưng mục đích có thể neo cổ phiếu giá cao để giúp làm tài sản thế chấp vay.
“Cái này gọi là tạo thanh khoản và giữ cổ phiếu trong một thời gian dài”, ông Khánh chia sẻ.
Theo chuyên gia này, giá cổ phiếu nhiều khi được neo giá mà không phải do cung cầu tự nhiên, mà chỉ là trao đổi giữa “tay trái và tay phải” với nhau.
Trên thực tế, sự biến động giá mạnh cũng có thể đem đến lợi thế cho những người trong cuộc có khả năng nắm bắt/đoán được diễn biến giá. Hoặc lợi thế có thể cho những người được chia sẻ thông tin.
Trong trường hợp APG, cổ phiếu này biến động tăng mạnh gấp 2,4 lần trong khoảng gian bà Lê Thị Hải Bình thao túng và tăng giá gấp 8 lần chỉ một thời gian ngắn sau đó. Đây là mức tăng có thể đem lại món hời lớn nếu ai có thể nắm được xu hướng giá cổ phiếu này. Tất nhiên, một số người có thể thiệt hại nặng khi cổ phiếu lao dốc sau đó (từ đầu 2022) trở lại mức 2.600 đồng/cp hồi tháng 11/2022.
Bên cạnh những vụ thao túng mà “không có thu lời bất hợp pháp”, có một số trường hợp được xác định là thu lời bất chính và các đối tượng sai phạm bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, những trường hợp này không nhiều như vụ: Trịnh Văn Quyết (thu lời bất chính hàng trăm tỷ đồng), Đỗ Thành Nhân (thu lời hơn 154 tỷ đồng), Đỗ Đức Nam...
Thực tế, nhiều vụ thao túng thị trường chứng khoán bị phanh phui nhưng sai phạm vẫn diễn ra nhiều. Mức xử phạt dường như chưa đủ tính răn đe và có thể là nguyên nhân dẫn đến thực trạng nhờn luật.
Gần đây, đại diện UBCK cho biết, cơ quan này đang đặt nhiệm vụ trọng tâm nghiên cứu đưa vào Luật Chứng khoán về việc nâng cao chế tài xử phạt. Luật Chứng khoán 2019 đã quy định mức xử phạt rất cao so với mặt bằng chung là tối đa 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân vi phạm. Diễn biến thị trường vừa qua cho thấy, mức phạt này chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Theo UBCK, trong năm 2022, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều đoàn kiểm tra đối với các mã chứng khoán có dấu hiệu giao dịch bất thường; thực hiện phân tích giao dịch đối với các mã chứng khoán...
Cơ quan này đã xử phạt hành chính 495 tổ chức, cá nhân vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 39 tỷ đồng và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đối với 6 trường hợp, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong 15 trường hợp.
Tác giả: Mạnh Hà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy