Dòng sự kiện:
Ám ảnh đường đến trường của các giáo viên miền biên giới Nghệ An
10/08/2018 12:00:41
Một bên là vách núi, một bên là vực sâu, phía dưới sông Nậm Típ sau bão nước chảy ầm ầm, dâng lên đục ngầu, thế nhưng các thầy cô huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vẫn bám trường, bám lớp để chuẩn bị năm học mới.

Hơn 40km đi mất… 3 tiếng

Theo kế hoạch, vào ngày 20/8, các học sinh trên toàn tỉnh Nghệ An sẽ chính thức tựu trường. Thế nhưng, trước ảnh hưởng của cơn bão số 3 vào hồi tháng 7/2018 vừa qua đã khiến cho nhiều trường học bị hư hỏng nặng. Toàn ngành giáo dục Nghệ An thiệt hại hơn 3,1 tỷ đồng. Thậm chí, có những phòng học bị cuốn trôi, hư hỏng hoàn toàn.

Trong đó, trường Tiểu học Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với ước tính thiệt hại lên đến 940 triệu đồng. Đặc biệt, do trường nằm ở vùng biên ải Việt – Lào, nên khó khăn càng chồng chất khó khăn.

Con đường lầy lội và vô cùng trơn trượt.

Lên thăm trường trước khi khai giảng, chúng tôi xuất phát từ TP.Vinh lên thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn với quãng đường hơn 200km. Tuy nhiên, đó là giai đoạn “nhàn” nhất của chuyến đi, bởi không ai ngờ vào xã vùng biên Mường Ải chỉ khoảng 40km nhưng cả đoàn phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ ròng rã.

Theo lời cảnh báo của người dân địa phương, nhiều đoạn tuyến đường xuất hiện tình trạng sạt lở, gây chia cắt giao thông, con đường duy nhất là men theo đường núi tiến thẳng vào. Do ô tô không thể đi được nên chúng tôi đành phải thuê xe máy để di chuyển và chỉ mang những đồ dùng thiết yếu, nhẹ nhất có thể.

Nhiều phương tiện bánh xe rơi xuống bùn không thể di chuyển nổi.

Trận mưa do ảnh hưởng cơn bão số 3 kéo dài đến 10 ngày, kỷ lục trong khoảng chục năm trở lại đây đã khiến kết cấu đất đá trên núi bị suy yếu gây ra sạt lở. Con đường đã nhỏ nay càng bị thu hẹp, nhiều nơi lòng đường chỉ vừa một xe máy đi qua. Đường nhão nhoét và vô cùng trơn trượt khiến cho bất cứ ai không cẩn thận cũng có thể “vồ ếch”.

Tôi tự đánh giá mình đi xe máy khá cứng, thế nhưng chỉ cần di chuyển vài km đầu tiên trên tuyến đường này thì không dám một phút lơ là. Hai bàn tay nắm chặt lấy vô lăng, mặc dù mỏi nhừ cũng không dám nới lỏng, ánh mắt dán thẳng vào phía trước, mồ hôi túa ra như tắm, ướt hết lớp áo.

Một bên vách núi, một bên dòng sông.

Điều đáng sợ nhất của con đường ở chỗ, một bên là vách núi, một bên là dòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy. Dòng sông Nậm Típ bình thường hiền lành là vậy nhưng sau những trận mưa lớn đã trở nên hung dữ, sẵn sàng cuốn trôi bất cứ thứ gì rơi xuống.

Nước lũ dâng lên đã tác động trực tiếp đến con đường vành đai biên giới, gây nên tình trạng xói lở nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn, những vết nứt to bằng ngón chân từ mép bờ sông ăn vào tận chân vách núi. Cảm tưởng như chỉ thêm một trận mưa nữa thì cả tuyến đường sẽ đứt gãy, đổ sập xuống.

Đất đá trên núi vẫn tiếp tục sạt lở. Thỉnh thoảng trên đường bỗng lù lù xuất hiện những tảng đá to tướng chắn ngang đường chỉ khiến cho mọi người ái ngại tìm cách vượt qua chứ không ngạc nhiên.

Đất đá từ trên rơi xuống chắn ngang đường.

Sau gần 2 tiếng di chuyển, bụng tôi quặn lên vì những cú xóc, cả người mệt mỏi chỉ ước có một chiếc giường ở đây để ngả lưng dù chốc lát. Bộ phận giảm xóc của chiếc xe kêu kẹt kẹt như phản đối chuyến đi, mùi cao su của lốp khét lẹt khi xuống những con dốc thẳng đứng. Vừa đi tôi vừa thầm cầu khấn, xin đừng xảy ra sự cố, bởi chỉ cần thủng săm ở đây thì chỉ biết đứng khóc chịu thua.

“Binh pháp” lái xe vùng biên ải

Cuối cùng điều đó cũng trở thành sự thật, trong một giây phóng xe “lên bậc” thì chiếc bánh phía sau cũng đã bị thủng lốp. May mắn rằng cách đó không xa có một quán sửa xe, người thợ Nguyễn Hòa, trú xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn xuất hiện như một vị cứu tinh của đoàn.

Anh Hòa vốn người huyện Hưng Nguyên, sau khi học được nghề sửa xe thì lên thị trấn Mường Xén hành nghề. Năm 2008, anh Hòa mới vào xã Mường Ải lập nghiệp và mở cửa hàng sửa xe đầu tiên tại đây.

Vì vậy, với con mắt lành nghề, nhìn chiếc xe của tôi, anh Hòa nói ngay: “Hôm sau mượn xe đi vào những vùng như thế này thì phải chú ý lốp xe có gai bám dính tốt một chút, để tránh trơn trượt và bám đường. Chứ xe này chỉ nên đi ở ngoài thị trấn, rất dễ bị văng ra khỏi đường”.

Những chiếc săm cuối cùng của chủ quán sửa xe.

Khi biết chúng tôi từ TP Vinh mới lên, anh Hòa vừa thay săm vừa cho biết, ở vùng biên ải thì việc điều khiển xe cũng phải biết cách, sử dụng “binh pháp” cụ thể nếu muốn an toàn và giữ tuổi thọ xe. Vào những mùa mưa gió thì bùn đất có thể quết xe kẹt cứng, vì vậy cần phải quấn xích sắt vào lốp để di chuyển được dễ dàng hơn.

Lốp xe không nên bơm mềm hơi, sẽ làm cho lốp nhanh mòn, gây rạn nứt ở hông lốp xe, hỏng săm xe. Nếu căng hơi quá sẽ gây cho lốp xe nhanh rạn nứt ở bề mặt, khi chạy xe sẽ bị sốc, mặt tiếp xúc của lốp xe với mặt đường kém dễ gây trượt bánh khi phanh gấp.

“Đi đường này luôn để xe ở số 2 và 3, lên dốc chắc chắn phải trả về số 1 nếu không xe chết ngay giữa đường, cũng là để xe khỏe và bền hơn. Đừng đi số 4 nếu không muốn chết máy. Quan trọng nhất là phải luôn giữ tốc độ, vít tay đều để xe dù xuống dốc hay lên dốc cũng không bị dừng lại đột ngột. Nhiều người đi lần đầu thường nắm quá chặt, chỉ cần giữ chắc là được để linh hoạt trong việc điều khiển, nhất là để chuyển hướng”, anh Hòa nhiệt tình hướng dẫn.

Lốp xe bám dính đường người dân địa phương hay sử dụng.

Tuy nhiên, cứ khoảng 10 ngày thì anh Hòa lại phải ra thị trấn để lấy thêm phụ tùng xe máy, bởi dù có bảo vệ như thế nào thì những chiếc xe máy ở đây có tuổi thọ rất ít. Nếu như được chăm sóc tốt thì xe máy có thể dùng đến cả chục năm, nhưng đã đưa vào Mường Ải thì trung bình chỉ khoảng 3 – 4 năm. Còn săm lốp, xích và phanh thì phải thay liên tục. Mùa khô còn đỡ chứ mùa mưa thì có tháng phải thay tới mấy lần.

Trước đây ô tô bán tải vẫn có thể di chuyển vào được thì anh Hòa gửi mua được nhiều thiết bị phụ tùng. Nhưng cách đây mấy ngày, nước lũ dâng cao, xe chở hàng bị rơi xuống sông, may người văng ra rơi gần bờ, còn xe và hàng hóa thì bị nước lũ cuốn trôi.

“Hơn nửa tháng nay mưa liên tục khiến đường khó đi, di chuyển xe máy ra thì không lấy được nhiều nên cửa hàng tôi hết lốp, săm chỉ còn vài cái. Dù giá có tăng cao hơn trước nhưng nhiều người vẫn đến hỏi để thay. Hi vọng không mưa nữa để còn nhập hàng chứ nếu không thì đành chịu”, anh Hòa nói.

Nhiều tuyến đường bị ngăn cách và mới được khai thông.

Sau nhiều vất vả, chúng tôi cũng đến được trung tâm xã Mường Ải. Ông Lữ Quang Hưng, Chủ tịch UBND xã Mường Ải cho biết: “Do mưa kéo dài nên kết cấu đất đá trên núi yếu đã xảy ra sạt lở, một khối lượng đất đá lớn đổ xuống đường gây chia cắt, cô lập nhiều bản làng trong xã. Cách đây 1 tuần con đường từ trung tâm huyện vào xã cũng bị chia cắt. May mà mưa dứt, trời hôm nay bắt đầu hửng nắng nên con đường mới thông được”.

(Còn nữa)

NĐT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến