Dòng sự kiện:
Âm mưu trục lợi hơn 60 tỷ đồng của cựu sếp Dược Cửu Long
12/09/2022 09:32:48
Công ty Dược Cửu Long được đối tác giảm giá tiền mua nguyên liệu là hơn 3,8 triệu USD. Tuy nhiên, bị can Lương Văn Hóa đã chỉ đạo thuộc cấp hợp thức hồ sơ để giữ lại số tiền này.

Ông Lương Văn Hóa (cựu Tổng giám đốc Công ty CP Dược phẩm Cửu Long), ông Nguyễn Thanh Tòng (cựu phó tổng giám đốc) và 2 thuộc cấp là Nguyễn Văn Thanh Hải, Ngô Hữu Hiếu Nghĩa vừa bị VKSND Tối cao truy tố trong vụ "biển thủ" hơn 3,8 triệu USD tại doanh nghiệp này.

Liên quan vụ án, cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang và 4 bị can khác gồm các cựu lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Y tế bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo VKS, năm 2006, Bộ Y tế đặt hàng Công ty Dược Cửu Long sản xuất 6 triệu viên thuốc Oseltamivir để phòng chống dịch cúm A (H5N1). Sau đó, doanh nghiệp dược nhập khẩu 520 kg nguyên liệu Oseltamivir với giá 9,1 triệu USD của Công ty Mambo (Singapore) để sản xuất thuốc.

Bị can Lương Văn Hóa khai sau khi ký hợp đồng mua nguyên liệu, để có vốn hoạt động cho công ty mới cổ phần hóa, nên đầu tháng 3/2006, ông Hóa chỉ đạo Nghĩa đàm phán và được Công ty Mambo giảm giá mua nguyên liệu với số tiền được giảm là hơn 3,8 triệu USD.


Dược Cửu Long hiện là công ty cổ phần.

Sau đó, ông Hóa chỉ đạo bị can Tòng không báo cáo việc này với Bộ Y tế. Mục đích để hợp thức hồ sơ thanh toán số tiền mua nguyên liệu Oseltamivir, che giấu Bộ Y tế nhằm giữ lại hơn 3,8 triệu USD sử dụng cho hoạt động của Dược Cửu Long. Ông Hóa còn chỉ đạo cấp dưới ký 24 hợp đồng mua nguyên liệu với 11 nhà cung cấp nước ngoài thông qua Công ty ZPT có trụ sở ở nước Anh.

VKS cho rằng với những hành vi nhằm hợp thức hồ sơ, ông Hóa ký báo cáo tài chính năm 2010 thể hiện nội dung Công ty Dược Cửu Long không phải trả cho đối tác Mambo số tiền hơn 3,8 triệu USD trên, mà ghi nhận giảm nợ phải trả và ghi giảm giá vốn vào các năm 2006-2008.

Sau khi giữ lại khoản tiền trên, ông Hóa tiếp tục chỉ đạo trích hơn 4,2 tỷ đồng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Phần tiền còn lại được dùng để trả cổ tức cho cổ đông, lập quỹ dự phòng, chi khen thưởng cho người lao động.

Trong đó, ông Hóa được chia hơn 587 triệu đồng cổ tức và 430 triệu đồng thù lao. Ông Tòng nhận hơn 514 triệu đồng cổ tức và thù lao 330 triệu đồng. Ông Hải được chia cổ tức với số tiền gần 169 triệu đồng. Còn ông Nghĩa nhận hơn 535 triệu đồng cổ tức.

Bị can Tòng khai theo chỉ đạo của tổng giám đốc, ông Tòng đã yêu cầu bộ phận kế toán Dược Cửu Long lập nhiều giấy tờ nhằm hợp thức hóa cho số tiền giảm giá mua nguyên liệu.

"Nguyễn Thanh Tòng thừa nhận việc hạch toán giảm giá vốn dần vào từng năm là không có căn cứ, việc hợp thức hồ sơ để giữ lại hơn 3,8 triệu USD mà không trả Bộ Y tế là không đúng quy định. Nhưng là cấp dưới nên Tòng phải thực hiện theo chỉ đạo của Lương Văn Hóa", cáo trạng nêu.

Bị can Hải thừa nhận bản thân biết trong hợp đồng sản xuất thuốc quy định nếu được giảm giá phải báo cáo Bộ Y tế. Song theo chỉ đạo của Lương Văn Hóa và Nguyễn Thanh Tòng, ông Hải đã tham gia hợp thức hồ sơ nhằm che giấu việc được giảm giá mua nguyên liệu.

Còn bị can Ngô Hữu Hiếu Nghĩa trình bày mình là người liên hệ, trao đổi với Công ty Mambo theo chỉ đạo của ông Hóa. Ngoài ra, theo yêu cầu của ông Tòng, Nghĩa đàm phán với các nhà cung cấp để nhận tiền qua bên thứ 3 là Công ty ZPT. Nhưng bị can Nghĩa phủ nhận việc thanh toán qua trung gian là để hợp thức bộ hồ sơ báo cáo Bộ Y tế.

Cũng theo VKSND Tối cao, quá trình điều tra, ông Lương Văn Hóa và đồng phạm đã có đơn đề nghị được khắc phục một phần hậu quả trong tổng số thiệt hại bị cáo buộc là hơn 3,8 triệu USD.

Tác giả: Hoàng Lam

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến