Dòng sự kiện:
Ẩn họa rủi ro với công ty chứng khoán
26/09/2020 08:54:21
Nhiều công ty chứng khoán gặp vấn đề về tài chính do liên tục thua lỗ, đầu tư cổ phiếu OTC... Bộ Tài chính muốn thay đổi cách xử lý CTCK trong diện kiểm soát, kiểm soát đặc biệt.

Gặp vấn đề tài chính do đầu tư cổ phiếu OTC, liên tục thua lỗ

Tháng 3, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động của Công ty TNHH Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Đông Á, công ty con của Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS) vì không khôi phục được hoạt động sau thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh do thua lỗ. Bên cạnh đó, kiểm toán cũng chỉ ra nhiều vấn đề tài chính với DAS - công ty con của Ngân hàng Đông Á.

Cụ thể, tại báo cáo tài chính soát xét bán niên 2020, EY Việt Nam chỉ ra DAS đã “vượt rào” các quy định về hạn mức đầu tư. Tại thời điểm 30/6, DAS đã đầu tư vào các tổ chức khác và công ty chưa niêm yết lần lượt là 74% và 72%  vốn chủ sở hữu (vào 1/1 lần lượt là 75% và 73%), trong khi theo quy định của pháp luật, các tỷ lệ này lần lượt không được vượt quá 70% và 20%. Cũng tại ngày 30/6, tỷ lệ đầu tư của DAS vào một tổ chức chưa niêm yết là 16% vốn chủ sở hữu, trong khi theo quy định pháp lý hiện hành tỷ lệ này tối đa là 15%.

Cùng với “vượt rào” quy định về hạn mức đầu tư, DAS tiếp tục lỗ trong 6 tháng đầu năm khiến cho lỗ lũy kế tăng lên 327 tỷ đồng và chạm ngưỡng 65% vốn chủ sở hữu. Điều này đẩy DAS đối mặt với rủi ro bị rút giấy phép hoạt động, hoặc bị buộc phải cắt giảm nghiệp vụ kinh doanh. Tình trạng thua lỗ cao chủ yếu liên quan đến hoạt động đầu tư góp vốn vào các công ty chưa niêm yết… Theo công ty kiểm toán, BCTC soát xét bán niên năm 2020 được lập trên cơ sở giả định DAS hoạt động liên tục.

Ông Dương Thế Quang, Tổng giám đốc DAS cho biết, việc công ty chưa tuân thủ các quy định về hạn mức đầu tư xảy ra từ năm 2015 trở về trước nhưng hiện chưa xử lý được do toàn bộ danh mục là cổ phiếu chưa niêm yết (OTC) nên không có thanh khoản, nên không thể thoái vốn. Trong khi đó, công ty mẹ là Ngân hàng Đông Á đang trong diện kiểm soát đặc biệt nên không thể bơm thêm vốn cho DAS để xử lý lỗ lũy kế. Tuy điều này có ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính của DAS nhưng hiện các hoạt động kinh doanh vẫn được duy trì với 2 mảng chủ yếu là môi giới và tư vấn. DAS đang tìm phương án để khắc phục tình trạng này, nhằm giúp Công ty hoạt động lành mạnh.

Một CTCK cũng "ném" tiền vào chứng khoán OTC là chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (HNX:APS). BCTC soát xét bán niên của APS bị Công ty kiểm toán VACO đưa ra ý kiến ngoại trừ do không thể thực hiện các thủ tục soát xét để đánh giá được giá trị hợp lý của các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lỗ/lãi với cổ phiếu OTC trị giá hơn 84,4 tỷ đồng.

Theo giải trình của APS, hiện công ty ghi nhận khoản đầu tư vào cổ phiếu OTC trong giai đoạn từ năm 2009-2011 với tổng giá trị như trên. Đến thời điểm kiểm toán BCTC bán niên, APS chưa thu thập được báo giá của 3 CTCK về giá trị thị trường của nhóm cổ phiếu OTC so với giá gốc để đánh giá lại khoản mục đầu tư tài chính. Đây là lý do kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ.

Làm ăn thua lỗ kéo dài, trong khi không được bổ sung nguồn lực tài chính, Chứng khoán CV (CVS) bị tổ chức kiểm toán đặt dấu hỏi về tính hoạt động liên tục. Tại báo cáo soát xét soát xét bán niên 2020, Công ty kiểm toán AASC nhấn mạnh CVS lỗ lũy kế hơn 80,1 tỷ đồng, tương ứng 89% vốn góp của chủ sở hữu. Điều này dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Trước đó, UBCKNN xét thấy vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6/2019 là 24,35 tỷ đồng, thấp hơn mức vốn pháp định đối với 2 nghiệp vụ kinh doanh được cấp phép là môi giới và tư vấn đầu tư chứng khoán (35 tỷ đồng), nên yêu cầu CVS xây dựng phương án tăng vốn điều lệ hoặc rút nghiệp vụ kinh doanh để đảm bảo giá trị vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng vốn pháp định... Tuy nhiên, đến nay Công ty vẫn chưa khắc phục được tình trạng này mặc dù đã tìm cách loay hoay tăng vốn…

DAS, APS lộ diện nhiều góc khuất về sức khỏe tài chính sau mùa báo cáo soát xét bán niên

Thêm sức ép đào thải CTCK

Theo định hướng chính sách mới về an toàn tài chính áp dụng với công ty chứng khoán (CTCK) đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đưa ra một số thay đổi xử lý CTCK trong diện kiểm soát, kiểm soát đặc biệt.

Theo đó, để xử lý các CTCK trong diện kiểm soát đặc biệt, có 2 điểm mới được nhà hoạch định chính sách đề xuất. Thứ nhất, thay vì sau thời hạn 2 tháng như quy định hiện hành, đề xuất rút ngắn xuống còn 1 tháng kể  từ ngày bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam thực hiện đình chỉ một phần hoạt động của CTCK thành viên không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt… Thứ hai, sau khi hết thời hạn kiểm soát đặc biệt, nếu tổ chức kinh doanh chứng khoán vẫn không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt, thì sẽ bị đình chỉ hoạt động. Sau 6 tháng kể từ ngày quyết định đình chỉ có hiệu lực, UBCKNN ra quyết định rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán trong trường hợp CTCK không khắc phục được tình trạng bị đình chỉ hoạt động...

Về biện pháp xử lý CTCK bị đặt vào tình trạng kiểm soát, thay vì 6 tháng, nhà quản lý đề xuất rút ngắn xuống 4 tháng kể từ ngày bị đặt vào tình trạng kiểm soát, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam thực hiện đình chỉ một phần giao dịch của CTCK thành viên không khắc phục được tình trạng kiểm soát. UBCKNN xem xét đưa tổ chức kinh doanh chứng khoán ra khỏi tình trạng kiểm soát khi tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 180% trở lên trong 3 tháng liên tục, trong đó tỷ lệ vốn khả dụng tại kỳ báo cáo cuối cùng phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận và tổ chức kinh doanh chứng khoán có văn bản đề nghị UBCK về khắc phục tình trạng kiểm soát…

Ngoài sức ép bị “xóa tên” từ các yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính, các CTCK ốm yếu còn đang đối mặt với một sức ép cạnh tranh, đào thải lớn nữa từ phía thị trường. Một loạt sản phẩm, nghiệp vụ mới đang được UBCKNN cùng các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký thúc đẩy triển khai như bán chứng khoán chờ về, được vay chứng khoán để bán (bán khống), mua bán chứng khoán trong ngày…đặt ra các yêu cầu cao về sức khỏe tài chính, mà các CTCK phải đáp ứng mới được phép tham gia triển khai.

Dự báo ngay trong năm 2021 cuộc cạnh tranh mang tính sống còn trong khối CTCK sẽ diễn ra khốc liệt hơn, mà ở đó những công ty "ốm yếu" không dễ ở lại với thị trường nếu không có những bước tái cấu trúc, tăng vốn khả thi.

Tác giả: Tân Văn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến