Theo hãng thông tấn Reuters, đây là thuốc viên trị Covid-19 thứ 2 được phê duyệt tại Anh, sau thuốc điều trị Covid-19 của hãng dược Merck. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Anh đang nỗ lực xây dựng “hệ thống phòng thủ” chống lại sự lây lan của virus corona, khi số ca nhiễm mới ngày một tăng cao.
Thông báo ngày 31/12/2021 của Cơ quan quản lý dược phẩm và các sản phẩm y tế Anh (MHRA) cho biết, dựa trên dữ liệu, thuốc viên Covid-19 của Pfizer, được biết đến với tên gọi Paxlovid, có hiệu quả nhất khi được bệnh nhân Covid-19 sử dụng ngay trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh. Cụ thể, cơ quan này cho rằng người nhiễm cần uống ngay thuốc Paxlovid trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng Covid-19 đầu tiên.
Một lô thuốc trị Covid-19 Paxlovid của Pfizer được sản xuất tại Ascoli, Italia. Ảnh: Reuters
Trước đó, Pfizer cũng thông báo Paxlovid đạt hiệu quả gần 90% trong việc ngăn ngừa các ca nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ cao, và dữ liệu thử nghiệm gần đây cho thấy thuốc vẫn giữ được hiệu quả đối với biến thể Omicron. MHRA cho biết đang hợp tác với Pfizer để theo dõi hiệu quả của thuốc Paxlovid đối với biến thể mới này.
Ấn Độ xin cấp phép vắc xin Covishield
Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vắc xin hàng đầu thế giới, hôm 31/12/2021 thông báo đã nộp đơn xin cấp phép chính thức vắc xin Covid-19 của hãng AstraZeneca do viện sản xuất với tên gọi Covishield.
SII là đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất vắc xin Covishield, và đã cung cấp hơn 1,25 tỷ liều vắc xin này tại Ấn Độ. Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Giám đốc điều hành SII Adar Poonawalla cho biết, Chính phủ Ấn Độ đã có đủ dữ liệu cần thiết để xem xét cấp phép lưu hành chính thức vắc xin Covishield trên thị trường.
Đến nay, vắc xin Covishield mới chỉ được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Ấn Độ từ đầu năm 2021.
Covishield, cùng với Covaxin – vắc xin Covid-19 bất hoạt do công ty Bharat Biotech của Ấn Độ phát triển, là hai loại vắc xin chủ lực của chương trình tiêm phòng Covid-19 đại trà tại Ấn Độ. Gần đây, SII đã tăng gấp 4 lần năng lực sản xuất vắc xin Covishield lên mức 240 triệu liều/tháng. Ông Poonawalla cho biết, viện cũng chuẩn bị xuất khẩu một lượng lớn vắc xin này kể từ tháng 1/2022.
Philippines siết chặt hạn chế ở Manila
Karlo Nograles, Người phát ngôn tạm quyền của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, cho biết nước này sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn trong 2 tuần tới ở khu vực đô thị Manila, bắt đầu từ ngày 31/12/2021, để cố gắng hạn chế sự lây nhiễm của biến thể Omicron.
Cụ thể, khu vực vùng đô thị Manila, bao gồm 16 thị tứ và là nơi sinh sống của hơn 13 triệu dân, sẽ bị đặt ở mức 3 trong 5 mức cảnh báo nguy cơ do Covid-19 gây ra, bắt đầu từ ngày 3 đến 15/1/2022. Ở cấp độ này, các lớp học trực tiếp, trận đấu thể thao có tiếp xúc gần, hội chợ giải trí và sòng bạc ... đều bị cấm tổ chức. Lực lượng đặc trách phòng chống Covid-19 của chính phủ Philippines cũng sẽ giảm công suất hoạt động đối với các sự kiện xã hội, điểm du lịch, công viên giải trí, dịch vụ ăn uống tại nhà hàng, phòng tập thể dục và dịch vụ chăm sóc cá nhân.
Bộ Y tế Philippines hôm 31/12/2021 ghi nhận 2.961 ca nhiễm Covid-19 mới, mức cao nhất trong 2 tháng qua. Với tổng cộng khoảng 2,84 triệu ca nhiễm Covid-19 được xác nhận và 51.504 ca tử vong, Philippines đang là nước có số ca nhiễm và tử vong bởi Covid-19 cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia.
Cho đến nay, Philippines đã phát hiện 10 ca nhiễm biến thể Omicron, 3 trong số này là các ca nhiễm ngoài cộng đồng và số còn lại là trường hợp nhập cảnh. Dù vậy, năng lực giải trình tự bộ gen của nước này còn gặp nhiều hạn chế.
Tại một cuộc họp báo hôm 31/12/2021, Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque cho biết "cần thận trọng khi cho rằng Omicron đã được lưu hành hoặc đã xuất hiện ngoài cộng đồng".
Israel mở rộng đối tượng tiêm liều vắc xin Covid-19 thứ 4
Ngày 31/12/2021, Bộ Y tế Israel thông báo nước này sẽ mở rộng đối tượng được tiêm liều thứ 4 vắc xin phòng Covid-19 đến nhóm người cao tuổi trong các cơ sở dưỡng lão.
Trước đó, cơ quan này đã cấp phép tiêm liều thứ 4 cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch bắt đầu từ ngày 31/12 năm ngoái. Đầu tuần này, một bệnh viện tại Israel đã thử nghiệm tiêm liều 4 cho một nhóm các nhân viên y tế. Đây là thử nghiệm lớn đầu tiên được thực hiện tại Israel để đánh giá hiệu quả của việc tiêm liều bổ sung thứ 2 cho những người đã hoàn tất quy trình tiêm 2 mũi cơ bản trong việc ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm biến thể Omicron. Kết quả thử nghiệm dự kiến sẽ có trong 2 tuần tới.
Tuần trước, một ủy ban chuyên gia của Bộ Y tế Israel đã khuyến nghị về việc tiêm liều thứ 4 vắc xin Covid-19 của các hãng Pfizer/BioNtech cho các nhân viên y tế, những người trên 60 tuổi và những người bị suy giảm hệ miễn dịch.
Israel là quốc gia triển khai chiến dịch tiêm chủng giai đoạn đầu nhanh nhất thế giới vào khoảng một năm trước. Đây cũng là nước đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm liều bổ sung vắc xin Covid-19, sau khi nhận thấy khả năng miễn dịch của vắc xin với virus corona sẽ suy giảm theo thời gian.
Tác giả: Việt Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy