Dòng sự kiện:
Áp dụng biện pháp thuế để kiểm soát và giảm tiêu thụ đồ uống có đường
08/04/2024 12:54:03
Theo nhiều chuyên gia, thuế đồ uống có đường sẽ làm giảm mức tiêu thụ, từ đó làm giảm lượng đường tiêu thụ.

Nhờ vậy, chính sách này có thể đem lại thay đổi tích cực trong tình hình thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam.

Nhấn mạnh vai trò của chính sách thuế đối với sức khỏe con người, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ngày 29/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 155, phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe vai trò của một số chính sách thuế trong kiểm soát đồ uống có đường. Việc sử dụng không hợp lý các sản phẩm này là nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa, tăng tỷ lệ đái tháo đường, tăng huyết áp, biến chứng bệnh tim mạch. Có 3 biện pháp giảm tiêu thụ lượng đồ uống có đường, bao gồm: hạn chế quảng cáo với trẻ em, truyền thông sử dụng đồ uống có đường không hợp lý, và đặc biệt quan trọng nhất là áp thuế với đồ uống có đường.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế, chính sách thuế đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe con người. Tuy nhiên, mức thuế bao nhiêu sẽ có tác động hiệu quả? Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu thuế làm tăng giá đồ uống lên 10%, mọi người sẽ uống ít hơn khoảng 11%, do chuyển sang đồ uống lành mạnh hơn như nước suối. Các biện pháp như thế này có thể giúp làm chậm sự gia tăng tỷ lệ thừa cân và béo phì, đặc biệt là ở trẻ em và giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm trong các thế hệ tương lai.

Áp dụng biện pháp thuế để kiểm soát và giảm tiêu thụ đồ uống có đường (Ảnh minh họa: KT)

“Theo số liệu chúng tôi, Việt Nam có tỉ lệ sử dụng đồ uống có đường đã tăng lên rất nhanh trong thời gian qua và đến nay, ước tính trung bình người Việt Nam đã sử dụng 1 lít đồ uống có đường trong một tuần, như vậy rất nhiều. Trên thế giới một biện pháp rất phổ biến để giảm sử dụng và giảm tác hại của đồ uống có đường đó là biện pháp tăng giá và thông qua cách tăng thuế đối với đồ uống có đường. Các tín hiệu về giá sản phẩm cũng cao hơn đã được chứng minh là rất có tác dụng để giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Hiện nay, đã có hơn 100 quốc gia thực hiện việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm đồ uống có đường”, ông Nguyễn Lâm Tuấn, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho hay.

Đồng tình với quan điểm này, Thạc sĩ Nguyễn Thùy Duyên, Đại học Y tế Công cộng khẳng định, thuế đồ uống có đường sẽ làm giảm mức tiêu thụ, từ đó làm giảm lượng đường tiêu thụ. Nhờ vậy, chính sách này có thể đem lại thay đổi tích cực trong tình hình thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam.

Có nhiều phương pháp áp thuế, có thể đánh thuế tuyệt đối theo hàm lượng đường, thuế tuyệt đối theo thể tích, thuế theo giá xuất xưởng. Tuy nhiên, cần tính phương án khả thi để đạt hiệu quả cao trong việc hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường. Đồng thời, lượng hoá tác động đến việc thay đổi cân nặng, mức giảm dự kiến của tỷ lệ thừa cân, béo phì và đái tháo đường tuýp 2 nhưng không gây sốc với ngành công nghiệp giải khát.

Việc đánh thuế đủ mạnh sẽ đem lại hiệu quả rõ ràng đến hạn chế các hệ luỵ tiêu cực đến sức khoẻ người dân, nếu tăng thuế thấp thì tác động nhỏ, không rõ ràng. Trong đó, thuế tuyệt đối theo hàm lượng đường cho thấy khá nhiều ưu điểm so sánh với loại thuế khác. Loại thuế này có tác động trực tiếp đến các sản phẩm có hàm lượng đường cao như khuyến khích người tiêu dùng chuyển đổi sang các dòng sản phẩm ít đường hơn; mở đường cho nhà sản xuất chuyển hướng sang các dòng sản phẩm ít đường hơn. Về mức độ tăng giá, nếu mức tăng giá 5% đem lại sự thay đổi không đáng kể, thì tăng giá ở mức 20% có thể đem lại sự thay đổi tích cực.

“Mỗi chính sách có ưu nhược điểm khác nhau nhưng tôi cho rằng, thuế tuyệt đối theo hàm lượng đường là ưu việt cho Việt Nam, bởi đánh thuế trọng tâm vào sản phẩm có hàm lượng cao và đề nghị người tiêu dùng cân nhắc khi sử dụng sản phẩm. Đồng thời, tạo áp lực cho các nhà sản xuất thay đổi trọng tâm chiến lược từ sản phẩm chứa lượng đường cao sang sản phẩm có lợi cho sức khoẻ. Tuy nhiên, ủng hộ triển khai chính sách thuế đồ uống có đường tại Việt Nam để giảm thiểu, hoặc ít nhất làm chậm lại, xu hướng gia tăng của tình trạng béo phì tại Việt Nam”, Thạc sĩ Nguyễn Thuỳ Duyên nhấn mạnh.

Bày tỏ mong muốn Việt Nam sớm hạn chế tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh, đồ uống có đường gây hệ luỵ lên sức khoẻ người dân và trẻ em, PGS. TS. Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đề xuất, cùng với áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, việc truyền thông thay đổi nhận thức của người tiêu dùng theo hướng có lợi là rất quan trọng.

“Chúng ta nói về câu chuyện thuế thì đây là một trong những chính sách của Nhà nước và thông qua chính sách thuế để có thể giúp cho các nhà sản xuất và các nhà kinh doanh có thể thay đổi phương thức sản xuất cũng như phương thức tiếp cận người tiêu dùng, phương thức quảng cáo để đảm bảo cùng với xã hội, cùng với Nhà nước, để có trách nhiệm đối với sức khỏe người dân nhiều hơn. Chúng tôi thấy rằng, nhiều bài học kinh nghiệm của thế giới, để tăng cường sức khỏe cho người dân thì có nhiều biện pháp, trong đó, giáo dục truyền thông, các vấn đề thuế để kiểm soát, để hạn chế đầu vào và đầu ra khi sử dụng thì đấy là một trong những biện pháp tổ hợp”, PGS. TS. Trương Tuyết Mai cho biết.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, tăng thuế sẽ tác động đến tăng giá, nhưng sẽ tác động đến hành vi tiêu thụ và kinh tế xã hội sẽ thay đổi tương đương với mức tăng giá bán lẻ. Chính sách tài khóa thường được sử dụng trong cuộc chiến chống lại đồ uống gây hại cho sức khỏe bao gồm: Đánh thuế đồ uống, áp dụng hạn ngạch sản xuất và trợ cấp giá cho đồ uống có lợi cho sức khỏe và đây cũng là kinh nghiệm để Việt Nam áp dụng, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng trong nước.

Tác giả: Phạm Hạnh

Theo: VOV.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
ôn thi đại lý thuế ở đâu tốtĐơn vị cung cấp Đánh Thức Sức Mạnh Cùng 7 Up uy tín
Đang phổ biến