Kể từ khi chạm đáy và bắt đầu chu kỳ tăng giá mới từ ngày 15/11/2022 tới nay, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa trải qua giai đoạn giảm điểm mạnh, mà chủ yếu là nhịp rung lắc, sau đó tiếp tục tăng với câu chuyện kỳ vọng giải cứu của Chính phủ đối với lĩnh vực bất động sản, thúc đẩy đầu tư công và đặc biệt đầu năm 2024 là câu chuyện nâng hạng thị trường.
Tuy nhiên, trong tháng 3/2024, thị trường chứng khoán có dấu hiệu đi ngang, không tăng điểm với thanh khoản cao. Điều này tạo dấu hiệu phân phối đỉnh khi liên tục xuất hiện phiên cảnh báo vào ngày 23/2, 8/3, 18/3 và đặc biệt là phiên 15/4, thị trường chính thức phá vỡ xu hướng tích lũy và bắt đầu có dấu hiệu bị bán tháo khi hàng loạt cổ phiếu có dấu hiệu dư bán sàn trở lại.
Theo dữ liệu định giá của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam theo P/E chạm đáy 9,84 lần, nhưng sau đó đã đạt đỉnh vào ngày 2/4/2024 là 15,08 lần. Trong đó, định giá P/E trung bình của thị trường trong vòng 5 năm trở lại đây thường dao động từ 10 đến 15 lần.
Như vậy, trải qua nhịp sóng tăng kéo dài, định giá thị trường không còn rẻ, việc thị trường có dấu hiệu đảo chiều sau giai đoạn đi ngang là tín hiệu cảnh báo khi thị trường mới bắt đầu điều chỉnh.
Tính tới ngày 17/4, một số công ty chứng khoán bắt đầu công bố bức tranh tài chính quý I/2024 với dấu hiệu dư nợ margin tiếp tục “phình to”. Trong đó, khảo sát 4 công ty chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý I/2024 đầu tiên cho thấy, dư nợ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (mã SSI) tăng thêm 2.436 tỷ đồng lên 17.570 tỷ đồng; Công ty cổ phần Chứng khoán VIX (mã VIX) tăng thêm 1.151 tỷ đồng lên 4.159 tỷ đồng; Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (mã FTS) tăng thêm 872 tỷ đồng, lên 6.266 tỷ đồng; Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (mã VDS) tăng thêm 445 tỷ đồng, lên 3.218 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong quý I/2024, tổng dư nợ 4 công ty chứng khoán trên đã tăng trung bình 21,6% so với thời điểm đầu năm và đều ghi nhận giá trị gia tăng liên tục từ quý IV/2022 tới nay, cũng như tiệm cận và vượt đỉnh dư nợ margin giai đoạn cuối năm 2021.
Thực tế, giai đoạn dư nợ margin tăng trong quý IV/2022 tới quý I/2024 của các công ty chứng khoán trùng với giai đoạn hồi phục của thị trường. Trong đó, từ ngày 15/11/2022 đến 29/3/2024, Chỉ số VN-Index liên tục tăng 40,8%, từ 911,9 điểm lên 1.284,09 điểm.
Việc thị trường tăng liên tục kéo dài hơn 1 năm qua đã giúp giá trị tài sản và danh mục của nhà đầu tư gia tăng, đồng thời giúp gia tăng tài sản đảm bảo để gia tăng sức mua. Điều này giải thích vì sao dư nợ margin liên tục tăng khi thị trường thuận lợi và thiết lập các mặt bằng giá cao hơn.
Và khi thị trường giảm, thì dư nợ margin cũng sụt giảm tương đồng. Trong đó, từ ngày 1/4/2022 đến 15/11/2022, Chỉ số VN-Index đã giảm 39,9%, từ 1.516,44 điểm về 911,9 điểm. Trong giai đoạn thị trường lao dốc, 4 công ty chứng khoán trên cũng liên tục giảm dư nợ vay margin.
Cụ thể, từ ngày 31/12/2021 đến 31/12/2022, dư nợ margin của SSI giảm 12.641 tỷ đồng, từ 23.698 tỷ đồng về 11.057 tỷ đồng; VIX giảm 1.196 tỷ đồng, từ 2.990 tỷ đồng về 1.794 tỷ đồng; FPT giảm 2.518 tỷ đồng, từ 6.254 tỷ đồng về 3.736 tỷ đồng và Rồng Việt giảm 404 tỷ đồng, từ 2.700 tỷ đồng về 2.296 tỷ đồng.
Tác giả: Duy Bắc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy