Nợ xấu gia tăng tại công ty con FE Credit khiến tỷ lệ nợ xấu tại VPBank tăng lên mức 5,25% vào cuối tháng 6/2022. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Đại dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập của nhiều người dân lao động. Áp lực nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng theo đó cũng dần hiện rõ trong thời gian gần đây. Nhiều công ty mẹ đã phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận trong nửa đầu năm nay.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 năm 2022 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho thấy tính đến cuối tháng 6/2022, số dư nợ xấu của ngân hàng là 20.625 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm 2022, tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 5,25%. Nguyên nhân phát sinh nợ xấu gia tăng được cho là do nhóm dư nợ thuộc về công ty con - Công ty Tài chính tiêu dùng FE Credit.
Theo ước tính của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, lợi nhuận trước thuế lũy kế sáu tháng của FE Credit đạt khoảng 130 tỷ đồng, giảm tới 89% so với cùng kỳ năm 2021, thua xa kế hoạch cả năm là 4.000-5.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, quý 1 năm 2022, FE Credit đạt xấp xỉ 800 tỷ đồng lợi nhuận, gần gấp đôi kết quả cả năm 2021. Như vậy, FE Credit rất có thể đã phải ghi nhận lỗ trước thuế tới 490 tỷ đồng trong quý 2.
VNDirect cho rằng, sự sụt giảm biên lãi ròng (NIM) cùng chi phí dự phòng tăng mạnh khiến lợi nhuận của FE Credit lao dốc. Tính đến cuối tháng 6/2022, công ty tài chính này ghi nhận nợ xấu tăng 113% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tỷ lệ nợ xấu lên 15,1%.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) cũng đang chịu áp lực do nợ xấu đến từ công ty con - Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (MCredit) gia tăng trong quý 2 năm 2022.
Tính đến cuối quý 2 năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của MBBank vẫn nằm trong nhóm thấp nhất, nhưng tăng 1,2% so với cuối năm 2021, từ mức 0,99% tại thời điểm cuối quý 1 năm 2022 và tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng lên 13,6%. Đáng chú ý, nợ nhóm 5 cũng tăng đáng kể lên 1.826 tỷ đồng, tăng 44% so với quý trước và tăng 224% so với cùng kỳ.
Trong nửa đầu năm nay, doanh thu của MCredit đạt khoảng 600 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ, tuy nhiên chất lượng tài sản lại có xu hướng kém đi. Trong một báo cáo về MBBank mới đây, chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI giữ quan điểm thận trọng đối với công ty con MCredit.
Theo SSI, trong khi tỷ lệ nợ xấu luôn dao động trong khoảng 6-6,5%, dư nợ nhóm 2 lại biến động rất mạnh giữa các quý và đã đạt mức cao nhất trong đợt bùng phát đầu tiên và thứ 3 của đại dịch COVID-19.
Tỷ lệ dư nợ nhóm 2 của MCredit tiếp tục đạt đỉnh vào quý 2 năm 2022 bất chấp dư nợ cho vay vẫn đang tăng trưởng tương đối nhanh (tăng 29% so với đầu năm và 6,6% so với quý trước).
Các chuyên gia của SSI cho rằng điều này có thể là do khả năng trả nợ của những khách hàng có thu nhập thấp, là phân khúc khách hàng bị ảnh hưởng đầu tiên khi chi phí sinh hoạt tăng cao và thu nhập khả dụng giảm xuống. Nếu không được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp, chất lượng nợ và lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn.
Tại Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit, UPCoM: TIN) cũng ghi nhận nợ xấu tăng mạnh trong nửa đầu năm nay, tăng 11% so với đầu năm, lên hơn 525 tỷ đồng; trong đó, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh so với đầu năm.
Lũy kế sáu tháng đầu năm 2022, TIN báo lãi trước thuế chỉ hơn 49 tỷ đồng, giảm 15% so cùng kỳ, chủ yếu do lỗ thuần từ dịch vụ và phải tăng dự phòng rủi ro tín dụng lên hơn 40%.
Thực tế, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng do việc tiếp cận khách hàng mới cũng như thu hồi nợ khách hàng hiện hữu gặp khó khăn.
Trong khi đó, đối tượng khách hàng chính của các công ty tài chính tiêu dùng là người lao động, công nhân lại bị sụt giảm thu nhập. Đặc biệt, việc xuất hiện hàng các ứng dụng cho vay tiêu dùng trực tuyến cũng khiến thị phần của các công ty tài chính tiêu dùng bị sụt giảm trong thời gian qua.
Tuy vậy, thị trường tài chính tiêu dùng được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm 2022 và dự kiến tăng trưởng mạnh hơn vào năm 2023. Theo các chuyên gia, chi phí dự phòng rủi ro của các công ty tài chính có khả năng giảm trong nửa cuối năm nay nhờ kinh tế phục hồi, giúp thu nhập của người lao động (đối tượng khách hàng chính của các công ty tài chính) được cải thiện.
Đặc biệt, gói tín dụng tiêu dùng 20.000 tỷ đồng được triển khai từ tháng 8/2022 thông qua FE Credit và HD Saison với hạn mức và thời hạn khoản vay sẽ linh hoạt cho từng đối tượng và mức lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất thị trường đang thu hút sự chú ý của nhiều người dân lao động.
Điều này được kỳ vọng không chỉ tạo điều kiện cho các công nhân lao động giải quyết khó khăn, hạn chế tín dụng đen, mà còn giúp các công ty tài chính tiêu dùng tăng tiếp cận khách hàng và tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian tới./.
Tác giả: H.Chung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy