Dòng sự kiện:
Áp lực từ nợ xấu ngân hàng
29/10/2024 18:15:51
Với tỷ lệ nợ xấu gia tăng, các ngân hàng đang chịu áp lực phải tăng cường trích lập dự phòng, đồng thời gặp khó khăn trong việc thu hồi tài sản đảm bảo.

Theo báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) nợ xấu cuối tháng 9 ở mức 1.175 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 2,85% lên 3,19%.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng có tỷ lệ nợ xấu trong quý III tăng nhẹ lên 1,35%, từ 1,28% tại cuối quý trước.

Nợ xấu của ngân hàng tăng nhẹ.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế vĩ mô và thiên tai.

Trước hết, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng tốc độ phục hồi còn chậm, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho biết, sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp chưa được cải thiện đáng kể, dẫn đến tình trạng nợ xấu gia tăng. Cụ thể, mỗi tháng có khoảng 15.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, cao hơn nhiều so với con số 10.000 doanh nghiệp trong cùng kỳ năm trước.

Ông Hiếu cũng cảnh báo về rủi ro nợ xấu nếu các ngân hàng tập trung quá nhiều vào tín dụng bất động sản mà bỏ qua các lĩnh vực khác. Theo ông Hiếu, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao, gấp 4-5 lần vốn chủ sở hữu. Điều này tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ nếu thị trường gặp khó khăn.

Thị trường bất động sản cũng là một nguyên nhân đáng kể dẫn đến sự gia tăng nợ xấu. Với 70% tài sản bảo đảm tại các ngân hàng là bất động sản, khi thị trường này gặp khó khăn về thanh khoản, các ngân hàng rất khó để xử lý tài sản đảm bảo thông qua việc phát mãi. Ngay cả khi phát mãi thành công, ngân hàng vẫn phải chịu thiệt hại lớn do giá trị tài sản đã giảm đáng kể.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng bất động sản đến cuối tháng 9 là 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ nền kinh tế. Mức này tăng khoảng 9,15% so với cuối năm ngoái, cao hơn 0,15% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (9%).

Trong cuộc họp báo quý III của Ngân hàng Nhà nước mới đây, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - nhấn mạnh: “Nợ xấu đang có xu hướng tăng và mức độ tăng cũng khá cao là một vấn đề cần lưu ý. Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên gần 5%. Nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, tỷ lệ này có thể lên tới khoảng 6-9%”.

Ngoài ra, tác động của bão Yagi vừa qua đã gây ra thiệt hại lớn cho nhiều khu vực kinh tế trọng điểm, đặc biệt là ngành nông nghiệp và thủy sản

Trước tình hình đó, các ngân hàng đã phải cấp tập rao bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Tài sản được rao bán không chỉ bao gồm bất động sản mà còn có cả cổ phiếu, ô tô, máy móc thiết bị và thậm chí là tài sản hình thành trong tương lai...

Tác giả: Ngọc Mai

Theo: Tiền Phong
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến