Ngày 15/6 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan (Thái Lan). Trước đó, trên cơ sở kết quả điều tra sơ bộ, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT ngày 9/2/2021 áp dụng biện pháp CBPG và CTC tạm thời với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Áp mức thuế 47,64% đối với đường mía Thái Lan trong 5 năm
Thông tin thêm về vụ việc này, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 17/6, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, quá trình điều tra vụ việc được bắt đầu vào vào ngày 21/9/2020, sau khi thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG, CTC của đại diện ngành sản xuất trong nước. Quá trình điều tra đã được Bộ Công Thương thực hiện theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan.
Ngành sản xuất đường mía trong nước thời gian qua đã chịu thiệt hại nặng nề do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh.
Trên cơ sở thông tin của ngành sản xuất trong nước, Chính phủ Thái Lan và các bên liên quan, Bộ Công Thương đã xem xét và đánh giá kỹ lưỡng mức độ bán phá giá và trợ cấp của các sản phẩm đường mía Thái Lan, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước cũng như đánh giá tác động kinh tế-xã hội, gồm cả tác động tới các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng. “Kết quả điều tra cho thấy, các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá tại Việt Nam ở mức 47,64%”, ông Dũng thông tin.
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại cũng cho hay, ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề, thể hiện ở các yếu tố như hàng hóa nhập khẩu bị điều tra tăng mạnh, có tác động kìm giá, suy giảm sản lượng, công suất, lượng bán hàng, thị phần, doanh thu, lợi nhuận. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020 lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.
“Sau khi cân nhắc tác động kinh tế-xã hội theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, tình hình cung-cầu hiện nay, ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương quyết định áp thuế CBPG, CTC chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ Thái Lan ở mức 47,64%. Quyết định áp thuế CBPG, CTC này có thời hạn 5 năm và có thể được rà soát theo đúng quy định pháp luật”, ông Dũng khẳng định.
Người dân tiêu thụ được hơn 6 triệu tấn mía
Đánh giá tác động của việc ban hành áp thuế và quyết định áp thuế CBPG chính thức đường nhập khẩu của Thái Lan đối với thị trường trong nước, ông Dũng cho hay, kể từ khi áp thuế sơ bộ (2/2021), việc áp thuế CBPG, CTC đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đã có tác động tích cực đối với ngành mía đường trong nước. Cụ thể, lượng đường nhập khẩu Thái Lan từ tháng 3/2021 cho tới thời điểm này giảm đáng kể, từ mức bình quân là 110.000 tấn năm 2020, tới nay chỉ còn khoảng 28.000 tấn (giảm 75%).
“Việc này đã làm giảm tác động cạnh tranh không bình đẳng của đường Thái Lan đối với ngành sản xuất trong nước, từ đó giúp giá đường trong nước nhích lên, đồng thời giá thu mua mía đối với người nông dân được tăng từ 100.000 – 200.000 đồng/tấn. Qua đó, giúp người nông dân lần đầu tiên qua nhiều năm tiêu thụ toàn bộ hơn 6 triệu tấn mía”, ông Dũng khẳng định.
Việc áp thuế với đường Thái Lan đã giúp đường trong nước nhích lên, đồng thời giá thu mua mía đối với người nông dân được tăng từ 100.000 – 200.000 đồng/tấn.
Theo phản ánh của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các cơ quan báo chí và của nhiều đơn vị sản xuất, tại nhiều địa phương, nông dân đã có kế hoạch mở rộng diện tích trồng mía cho niên vụ mía 2021 – 2022 sắp tới. Bên cạnh đó, cung - cầu trên thị trường được ổn định, giá đường trong nước có nhích lên nhưng trong mức độ chấp nhận được và cũng trong phương án tính toán. Nhìn chung, tất cả các yếu tố mục tiêu, chính sách đề ra cũng đã đạt được.
"Chúng tôi đang kết hợp chặt chẽ với Hiệp hội Mía đường, Bộ NN&PTNT theo dõi sát tình hình nhập khẩu với tác động biện pháp này để có các biện pháp phù hợp, đảm bảo hiệu quả của biện pháp CBPG, CTC cũng như đảm bảo cung cầu, ổn định thị trường theo đúng quy định", ông Lê Triệu Dũng cam kết.
Tác giả: Nguyễn Quỳnh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy