Dòng sự kiện:
Áp trần chi phí lãi vay 20%: Doanh nghiệp nội trước nguy cơ từ lãi thành lỗ
30/10/2018 13:14:33
Một điều khoản trong Nghị định 20/2017/NĐ-CP áp dụng vào mùa thuế năm nay đang khiến các DN đầu tàu của nền kinh tế 'ngồi trên đống lửa'.

Với quy định khống chế chi phí lãi vay được khấu trừ cho mục đích tính thuế không được vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần, các “ông lớn” nội đang đứng trước nguy cơ chuyển từ “lãi thành lỗ” thậm chí là “lỗ chồng lỗ”.

Đầu tư càng nhiều càng… thiệt

Theo khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20, tổng chi phí lãi vay được khấu trừ cho mục đích tính thuế không được vượt quá 20% EBITDA (lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao).

Với quy định này, TS Bùi Quang Tín - Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên là các DN đang hoạt động theo mô hình tập đoàn hiện đại (holding), bao gồm công ty mẹ - công ty con.

Ở mô hình này, các tập đoàn muốn lớn mạnh sẽ phải mở rộng lĩnh vực hoạt động, bằng cách góp vốn vào các công ty con. Các ban tài chính, đầu tư sẽ nằm ở công ty mẹ, chịu trách nhiệm chuyển tiếp các nguồn vốn (vốn tự có, vốn đi vay, vốn phát hành cổ phần) tới các công ty con để tối ưu hiệu quả. Đặc biệt, các đối tác nước ngoài như ngân hàng, quỹ đầu tư cũng chỉ đánh giá tiềm lực tài chính của cả nhóm công ty và thực hiện cho vay với công ty mẹ thay vì cho vay trực tiếp vào công ty con.

Tuy nhiên, nếu áp dụng khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20, các DN hoạt động theo mô hình này sẽ phải phát sinh thêm số thuế phải nộp lên đến hàng trăm tỉ đồng, bởi phần chi phí lãi vay vượt trần 20% sẽ không được khấu trừ để tính thuế, như trường hợp của EVN là ví dụ.

Vì thế, trong văn bản EVN “kêu cứu” Bộ Tài chính, Phó TGĐ EVN Đinh Quang Tri cho biết, trong trường hợp phải áp dụng quy định tại khoản 3, Điều 8 nói trên, các đơn vị thành viên, các TCty Phát điện thuộc EVN phát sinh số thuế thu nhập DN phải nộp tăng rất lớn, cụ thể: EVN GENCO 1 nộp thuế TNDN tăng khoảng 339 tỉ đồng; EVN GENCO 3 tăng khoảng 212 tỉ đồng.

Còn theo số liệu tổng hợp của Hiệp hội Dệt may, phần lớn các DN có tỉ lệ nợ ở mức cao, khoảng 6 - 7 lần, có những DN lên đến 9 - 10 lần do đặc thù của ngành là gia công, cần vốn để mua nguyên vật liệu, máy móc sản xuất các đơn hàng. Đối với ngành thép, nguồn vốn lưu động cho hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng chiếm đến 50 - 60%.

Hay đối với bất động sản là ngành đặc thù, đã có quy định tỉ lệ 20% vốn tự có và 80% vốn vay cho một dự án. Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM - đánh giá, mức vay của các DN như vậy thì hầu hết sẽ vượt mức trần 20% và “càng đầu tư nhiều càng thiệt”.

Chồng thêm gánh nặng cho DN nội

Ở khía cạnh đơn vị tư vấn, bà Hương Vũ - Phó TGĐ Ernst&Young Việt Nam - Cty uy tín về dịch vụ kiểm toán, thuế, giao dịch tài chính và tư vấn cho rằng, với quy định tại khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20, khi DN có EBITDA âm thì không tính được mức khống chế chi phí lãi vay và có thể hiểu toàn bộ chi phí vay của DN sẽ không được chấp nhận.

Cách áp dụng như vậy là không hợp lý, bởi DN mới thành lập thường cần vài năm mới có thể đi vào sản xuất ổn định và có lãi. Ngay cả các DN đang hoạt động cũng có thể rơi vào tình trạng lỗ khi tình hình thị trường biến động và các rủi ro vĩ mô khác.

Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ vĩ mô, TS Bùi Quang Tín cho rằng: “Trong khi Việt Nam đang cần những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, đóng vai trò trụ cột cho nền kinh tế thị trường thì quy định này vô hình lại siết quá chặt hoạt động của DN, tạo rào cản việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con. Làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế”.

Theo báo Lao động

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến