Dòng sự kiện:
Bà Cao Thị Ngọc Dung sẽ phải đối mặt thế nào bài toán dòng tiền âm ở PNJ?
04/02/2019 16:23:15
Năm 2018, doanh thu và lợi nhuận của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ - HoSE) tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, nhưng việc mở rộng kinh doanh cũng đặt ra bài toán khó cho PNJ khi ghi nhận dòng tiền âm.

"Đế chế trang sức" PNJ trải qua một năm tăng trưởng mạnh

Sau khi trở lại mốc “doanh thu vạn tỷ” vào năm 2017, “đế chế trang sức” PNJ tiếp tục trải qua năm 2018 với mức tăng trưởng ổn định về doanh thu và lợi nhuận.

Theo báo cáo tài chính quý 4/2018 được Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố mới đây cho thấy, doanh nghiệp đạt doanh thu thuần gần 4.065 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, do giá vốn hàng bán chỉ tăng trưởng 22%, nên lợi nhuận gộp của PNJ đạt 826 tỉ đồng, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 20,3% so với con số 17,5% trong quý IV.2017.

Tuy vậy, tổng các chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp là 492 tỷ đồng, tăng đến 69% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, chi phí bán hàng tăng 58% lên 352 tỷ đồng, chi phí quản lí doanh nghiệp cũng tăng gấp đôi lên 118,5 tỉ đồng.

Đây là năm thứ hai liên tiếp PNJ đạt “doanh thu vạn tỷ”. Dưới sự điều hành của bà Cao Thị Ngọc Dung trên cương vị Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc, PNJ từng cán mốc doanh thu 10.000 tỷ vào năm 2009, rồi tăng lên gần 14.000 tỷ vào năm 2010 và cán mốc 18.000 tỷ vào năm 2011. 

Sau biến cố liên quan đến Ngân hàng Đông Á (DongABank) – nơi chồng bà Dung, ông Trần Phương Bình giữ Tổng giám đốc, PNJ đã trải qua quãng thời gian đi xuống trước khi tăng trưởng trở lại vào năm 2015 với mức doanh thu 7.741 tỷ đồng.

PNJ từng đầu tư vào DongABank và thua lỗ nặng do cổ phiếu ngân hàng này tụt giảm. Gần đây, khi TAND TP HCM đưa vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á - DongABank (DAB) ra xét xử, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - vợ bị cáo Trần Phương Bình đã được triệu tập đến tòa với tư cách là một trong những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, vừa với tư cách là vợ ông Bình vừa với tư cách đại diện cho PNJ.

PNJ hiện nắm 7,7% cổ phần tại DongABank nhưng khoản này đã được PNJ trích lập dự phòng 395 tỷ đồng vào năm 2016. Hiện tại, DongABank vẫn trong diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước và cổ phiếu không được phép chuyển nhượng.

Và, với cơ cấu tài sản ngắn hạn lớn hơn nợ ngắn hạn, PNJ vẫn đang quản lý tài sản theo hướng thận trọng.

Dòng tiền kinh doanh âm 304 tỷ đồng

Một điểm đáng lưu tâm trong báo cáo tài chính quý IV/2018 của PNJ là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm 304,5 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, kiểm toán, báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể coi là phần quan trọng nhất trong các báo cáo tài chính mà doanh nghiệp công bố. Bởi lẽ, dòng tiền là “dòng máu” duy trì tất cả các hoạt động sản xuất - kinh doanh, là yếu tố sống còn của doanh nghiệp.

Tất nhiên, không phải mọi doanh nghiệp có dòng tiền hoạt động kinh doanh âm đều đáng báo động.

Đối với PNJ, một trong những nguyên nhân dẫn tới dòng tiền âm là do việc gia tăng hàng tồn kho thêm 42% nói trên. Hàng tồn kho tăng mạnh là tất yếu trong bối cảnh PNJ mở rộng và tăng nhanh về doanh thu, với số lượng khách hàng mới tăng 50% sau 1 năm.

Năm 2018, do dòng tiền kinh doanh âm, cùng với đó dòng tiền đầu tư cũng âm do liên tục mở rộng hệ thống cửa hàng bán lẻ, nên PNJ đã phải bù đắp dòng tiền thông qua hoạt động vay nợ. Cụ thể, một lượng hàng tồn kho lên đến gần 900 tỷ đồng đã được PNJ thế chấp để vay nợ ngắn hạn.

Ngoài ra, toàn bộ 160 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn ngắn thời điểm đầu năm cũng không còn được PNJ ghi nhận vào thời điểm ngày 31/12/2018. Nguyên nhân hợp lý có thể đánh giá là do PNJ sử dụng để trang trải dòng tiền, giảm bớt gánh nặng vay nợ.

Theo thói quen, nhiều nhà đầu tư chủ yếu quan tâm đến doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp trong kỳ là bao nhiêu, tỷ lệ tăng trưởng thế nào, nhưng lại quên mất dòng tiền - yếu tố giúp đánh giá chính xác về khả năng thanh toán cũng như có cái nhìn đầy đủ hơn về sức khỏe tài chính doanh nghiệp.

Gia tăng nợ vay là một lựa chọn hợp lý với PNJ trong bối cảnh hệ số nợ vẫn đang ở mức thấp, nhưng phương án này sẽ phải cân nhắc khi hệ số nợ tăng xấp xỉ ngưỡng an toàn, bởi về dài hạn, dòng tiền hoạt động kinh doanh phải dương để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trang trải nợ vay… Nếu không, doanh nghiệp có thể sẽ chìm trong nợ nần.

Mai An (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến