Dòng sự kiện:
Ba nữ đại gia bí ẩn nắm trong tay loạt dự án ngàn tỷ từ Bắc vào Nam
25/10/2018 09:37:02
Trong 3 năm trở lại đây, Xây dựng Phương Anh liên tiếp là nhà đầu tư của các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BT. 3 thành viên nữ đang nắm toàn bộ vốn điều lệ của Xây dựng Phương Anh.

Trung tuần tháng 9/2018, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng đường trục Bắc - Nam đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm và đoạn từ Hoàng Diệu đến Nguyễn Văn Linh theo hình thức đối tác công tư - PPP như đề xuất của Sở Giao thông vận tải thành phố.

Theo đó, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh (Xây dựng Phương Anh) đề xuất đầu tư đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh - cầu Bà Chiêm theo hình thức xây dựng chuyển giao (BT), thanh toán bằng quỹ đất khoảng 1.200 ha trong Khu đô thị Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP HCM. 

Trúng hàng loạt dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức PPP từ Bắc vào Nam giá trị lớn

Như đề xuất, tổng mức đầu tư đoạn Nguyễn Văn Linh - cầu Bà Chiêm dài 7,5km, rộng 29,5m với 6 làn xe, có tổng mức đầu tư 8.470 tỷ đồng bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.

Chỉ tính trong khoảng 3 năm trở lại, Xây dựng Phương Anh được giao hàng loạt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng theo hình thức PPP từ Bắc vào Nam, với giá trị mỗi dự án rất hiếm dưới nghìn tỷ đồng.

Năm 2016, Xây dựng Phương Anh được giao thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ Ninh Bình có tổng chiều dài trên 26 km và tuyến đường nhánh Đền Trần được đầu tư gần 4.300 tỷ đồng theo hình thức PPP, trong đó giá trị xây lắp là 2.500 tỷ đồng.

Đây là dự án đầu tư theo hình thức BT do nhà đầu tư liên danh Xây dựng Phương Anh và CTCP Đầu tư và Phát triển Bắc Nam đề xuất.

Năm 2015, Liên danh Xây dựng Phương Anh, Công ty TNHH Xây dựng Vương Quốc Anh và Công ty TNHH Môi trường và Xây dựng Thái Sơn được chỉ định làm nhà đầu tư dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên - Gia Lai qua đoạn địa phận tỉnh Phú Yên với tổng mức đầu tư 4.662 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Mới đây, tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý triển khai dự án nói trên và sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 để thanh toán cho nhà đầu tư.

Gây nhiều tranh cãi!

Năm 2016, Xây dựng Phương Anh gây nhiều tranh cãi trong vụ 4 máy lu và 3 máy xúc của Xây dựng Phương Anh chặn đường, “nhốt” đoàn xe công vụ của lực lượng liên ngành đi kiểm tra xe quá tải trong nhiều ngày tại Thái Bình.

 

Trên báo giới, Tổng giám đốc Xây dựng Phương Anh, bà Hoàng Thị Phương cho biết, doanh nghiệp không chặn hay “nhốt” đoàn xe công vụ, mà xe công vụ đã chặn xe doanh nghiệp đang làm trong công trình.

Không chỉ dừng lại “lùm xùm” với các đoàn kiểm tra liên ngành, tháng 9/2017, Xây dựng Phương Anh được nhắc đến trong kết luận của Thanh tra Bộ Kế hoạch và đầu tư về sai phạm tại dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình làm đội vốn dự án lên hơn 1.400 tỷ đồng trong đó chi phí xây lắp tăng không đúng gần 600 tỷ đồng.

Trong dự án nói trên nhà đầu tư là liên danh Xây dựng Phương Anh đã được thanh toán ngay khi đang thực hiện dự án.

Điều này đồng nghĩa, nhà đầu tư hầu như chưa phải huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện dự án theo quy định đối với hình thức BT. Trong khi, tổng mức đầu tư phê duyệt điều chỉnh có tính cả phần lãi vay và lợi nhuận nhà đầu tư mà chưa trừ phần giá trị khối lượng đã được thanh toán.

Cũng liên quan Xây dựng Phương Anh, đối với dự án đường nối hai tỉnh Phú Yên - Gia Lai đã nêu ở trên, mặc dù khởi công năm 2015, nhưng phải đến tháng 9/2018 dự án mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020, do trước đó dự án không được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận.

Xây dựng Phương Anh đang kinh doanh ra sao?

Tiền thân là Xí nghiệp Xây dựng tư nhân Phương Anh, tháng 12/2009 Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh thành lập.

Đến tháng 6/2017, vốn điều lệ của Xây dựng Phương Anh là 2.267 tỷ đồng do 3 thành viên nữ nắm giữ gồm bà Hoàng Thị Phương giữ 63,1% vốn; Ngô Thị Phương Lan giữ 23,67% vốn; Trần Thị Linh giữ 13,23%.

Trước thời điểm 6/2017, vốn của Xây dựng Phương Anh là 1.256 tỷ đồng do 2 thành viên nữ nắm giữ gồm bà Hoàng Thị Phương chiếm 81,16% vốn; bà Ngô Thị Phương Lan giữ 18,84% vốn.

Báo cáo tài chính năm 2016 cho biết, tổng tài sản tại ngày cuối năm 2016 của Xây dựng Phương Anh đạt 4.776 tỷ đồng, tăng hơn 1.300 tỷ đồng so với năm 2015. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền 82 tỷ đồng; đầu tư tài chính 880 tỷ đồng; hàng tồn kho 3.508 tỷ đồng; tài sản cố định hơn 34 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, vào cuối năm 2016, phía nguồn vốn, Xây dựng Phương Anh có gần 1.705 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn; vay nợ ngắn và dài hạn hơn 1.800 tỷ đồng; vốn điều lệ 1.256 tỷ đồng; lợi nhuận chưa phân phối gần 3,3 tỷ đồng.

Báo cáo hoạt động kinh doanh, năm 2016 doanh thu thuần đạt gần 63 tỷ đồng, so với năm 2015 là 1,8 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 185 triệu đồng, so với năm 2015 là gần 55 triệu đồng.

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến