Dòng sự kiện:
Ba thách thức với chính sách tiền tệ năm 2016
26/12/2015 08:27:14
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa nhận điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2016 sẽ gặp ba thách thức, đó là áp lực vốn đối với hệ thống ngân hàng vẫn lớn, biến động của thị trường thế giới tác động mạnh tới tâm lý thị trường về điều hành tỷ giá và thị trường trái phiếu tác động tới lãi suất.

Tin liên quan

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Minh Huệ

Cũng tại cuộc họp báo công bố kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2015, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã đưa ra thông điệp về điều hành tỷ giá theo cách thức linh hoạt hơn.

“Năm 2016, NHNN đang hoàn thiện để tiến tới cách thức điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, để thị trường không còn tâm lý kỳ vọng và găm giữ ngoại tệ gây khó khăn trong công tác điều hành. Cùng với đó, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ với các công cụ quản lý khác nhằm ổn định thị trường ngoại hối”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

“Gánh nặng” nhu cầu vốn

Chia sẻ với báo giới, bà Hồng cho biết trên cơ sở phân tích dự báo, năm 2016 NHNN sẽ có một số vấn đề thách thức, lưu ý trong điều hành.

“Xét về thị trường trong nước, rõ ràng chính sách tiền tệ đã đạt được những thành công đáng kể trong năm 2015 nhưng hoạt động điều hành ngân hàng sẽ có những thách thức trong năm 2016. Đó là hệ thống ngân hàng vẫn chịu áp lực về nhu cầu vốn trên thị trường, áp lực tâm lý trên thị trường ngoại hối và tác động của thị trường trái phiếu đến xu hướng lãi suất”, Phó Thống đốc nói.

Bà Hồng chia sẻ, với áp lực về vốn, hiện nay thị trường tài chính của Việt Nam vẫn còn yếu, chưa phát triển nên khó đáp ứng được nhu cầu vốn của thị trường. Việc phát triển thị trường tài chính đang được các cơ quan chức năng có liên quan thúc đẩy trong thời gian tới. Nên trước mắt, nhu cầu vốn của doanh nghiệp vẫn chưa thể đáp ứng được và hệ thống ngân hàng vẫn phải chịu áp lực này của thị trường.

“Hệ thống ngân hàng hiện đang chịu áp lực về nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện hệ thống ngân hàng cũng mới chỉ đáp ứng được nhu cầu vốn ngắn hạn. Đây là thách thức của điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2016. Thực tế, chúng tôi chứng kiến việc các NHTM vất vả trong việc cân đối nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường nhưng vẫn phải đảm bảo các chỉ tiêu hoạt động an toàn theo chuẩn mới của NHNN”, bà Hồng phân tích.

Còn về áp lực tâm lý thị trường đối với điều hành tỷ giá, bà Hồng chia sẽ là khó khăn và thách thức cho NHNN trong năm 2016 khi thị trường trong nước chịu nhiều tác động từ thị trường thế giới.

“Quan điểm điều hành của NHNN là giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế đồng thời nâng cao vị thế tiền VND. Tuy nhiên, thị trường vẫn chịu nhiều tác động từ thị trường thế giới. Diễn biến kinh tế thế giới vừa qua, nếu không có sự chủ động linh hoạt và các bộ ban ngành thì tâm lý nặng nề trong nước sẽ không được giải tỏa”, bà Hồng nói.

Đại diện NHNN cho biết năm 2016 thị trường thế giới vẫn sẽ luôn biến động và khó lường, điều hành sẽ tác động mạnh tới tâm lý thị trường.

“Chúng ta chứng kiến năm 2015 với những biến động quá lớn và tác động mạnh tới tâm lý thị trường trong nước. Ví dụ như trường hợp Fed tăng lãi suất. Điều này đã được Fed đưa ra thông điệp từ cuối năm 2014, tuy nhiên cơ quan này đã trì hoãn rất lâu và cuối năm nay mới điều chỉnh. Trong khi giá đã được phản ánh rồi nhưng thị trường vẫn kỳ vọng, tâm lý thị trường bị tác động mạnh bởi quyết định này.

Hay như đồng Nhân dân tệ mất giá và sẽ vào giỏ tiền tệ IMF cũng vậy. NHNN đã điều chỉnh rồi nhưng tâm lý thị trường vẫn kỳ vọng. Những diễn biến tâm lý này sẽ thách thức của NHNN trong điều hành tỷ giá năm 2016”, bà Hồng phân tích.

Theo bà Hồng, hiện trong hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn còn sản phẩm huy động và cho vay ngoại tệ, nên nếu vấn đề tâm lý không được giải tỏa thì việc điều hành tỷ giá trong năm tới sẽ khó khăn.

Tuy nhiên, bà Hồng cho biết năm 2016, với những thách thức đã nêu, NHNN kiên quyết đưa ra các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ và yêu cầu các TCTD báo cáo trạng thái ngoại tệ thường xuyên.

Lãi suất cho vay khó giảm

Thách thức thứ 3 được đại diện NHNN đưa ra đó là những áp lực tới lãi suất trong năm 2016. Bà Hồng phân tích, với nội tại của nền kinh tế hiện nay thì tình hình tài chính vẫn là chủ yếu từ hệ thống ngân hàng.

“Hiện NHTM vẫn là nhà đầu tư lớn nắm giữ nhiều trái phiếu Chính phủ, nên trong năm 2016 vẫn là áp lực đối với hệ thống. Do vậy tác động tới lãi suất và đây cũng là thách thức của NHNN”, bà Hồng phân tích.

Bà Hồng chia sẻ, mặc dù năm 2015 lạm phát thấp, chỉ ở mức 1% và là dư địa tốt để giảm lãi suất một cách tích cực nhưng chúng ta không thể chủ quan với lạm phát năm 2016.

“Chúng tôi đánh giá và tổng hợp thông tin được cung cấp cho thấy lạm phát năm 2015 của các nước trên thế giới không phải là xu hướng giảm. Việc lạm phát thấp có nhiều yếu tố tác động, trong đó tác động mạnh nhất là giá dầu giảm tới mức kỷ lục. Nên lạm phát thấp của các nước trên thế giới không phản ánh về giảm pháp và cần phải hiểu như vậy để đánh giá đầy đủ hơn về lạm phát”, bà Hồng bình luận.

Với những lập luận đó, Phó Thống đốc cho rằng lạm phát năm 2016 của Việt Nam không thể chủ quan. “Năm 2016, chúng ta sẽ thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý như giá điện, giáo dục, y tế,… nếu không có sự phối hợp chặt chẽ thì lạm phát cũng không thể duy trì thấp như năm 2015”, bà Hồng phân tích.

Ngoài ra, bà Hồng cũng thừa nhận với tác động từ thị trường trái phiếu, lãi suất năm 2016 của hệ thống ngân hàng sẽ bị tác động và khó có thể giảm.

Về ý kiến lãi suất cho vay của Việt Nam còn cao so với khu vực, bà Hồng cho rằng lãi suất chỉ là một trong những yếu tố đầu vào tác động tới chi phí hoạt động của ngân hàng.

“Nhưng với nỗ lực của mình, NHNN đã điều hành lãi suất giảm từ mức hơn 20% trong năm 2011 xuống còn 6- 9%/năm với lãi suất cho vay ngắn hạn, 9 - 11%/năm với lãi suất cho vay trung và dài hạn. Đó là do hệ thống ngân hàng đã tổ chức điều hành tốt để giảm mặt bằng lãi suất trong khi vẫn giảm được lạm phát, là cố gắng lớn. Ngoài việc điều hành lãi suất chung, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng kêu gọi các ngân hàng miễn, giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn. Tôi muốn chia sẻ rằng thời gian qua hệ thống TCTD đã chia sẻ rất nhiều với nền kinh tế”, bà Hồng nói.

Bà Hồng đem lợi nhuận của hệ thống ngân hàng ra để dẫn chứng. Những năm trước, đây thường là thời điểm các ngân hàng công bố lợi nhuận rất cao nhưng năm nay thì khác, lợi nhuận của các ngân hàng đã giảm.

"Lãi suất có dư nợ cao giảm mạnh, cho thấy hệ thống TCTD giai đoạn qua chia sẻ nhiều với doanh nghiệp. Vì thế những năm qua TCTD vừa giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp vừa trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu nên chênh lệch thu-chi 2015 giảm nhẹ so với 2014", bà Hồng phân tích.

Còn việc lãi suất vẫn cao so với khu vực có thể vì lạm phát của chúng ta thấp nhưng nền kinh tế của chúng ta có sự khác biệt so với các nước.

"Có thể lạm phát bây giờ của ta so với các nước tương tự nhưng rõ ràng chúng ta có khác biệt với các nước là vừa phải điều hành chính sách tiền tệ nhưng hệ thống ngân hàng đang tổ chức cơ cấu. Các TCTD phải sử dụng nhiều phần lợi nhuận để bù đắp, tháo gỡ khó khăn, xử lý nợ xấu nên khả năng tiếp tục giảm lãi suất sẽ khó khăn. Hơn nữa lạm phát không thể chủ quan", bà Hồng bày tỏ.

Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu Chính phủ sẽ áp lực và khó khăn cho điều hành lãi suất. "Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng luôn mong muốn tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng việc giảm lãi suất ở mức độ, liều lượng như thế nào phải cân đối với mục tiêu vĩ mô, sự an toàn hệ thống, sức chịu đựng của các TCTD…Đó là bài toán tổng thể, NHNN sẽ theo dõi để có điều hành phù hợ", bà Hồng chia sẻ.

TRẦN GIANG

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến