Dòng sự kiện:
Ba Vì: Đất 'nông trường' đang biến thành những biệt phủ trái phép!?
21/04/2018 08:15:34
Thời gian gần đây, vùng đất thôn Phú Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội lại có dịp nóng lên khi số đông đại gia về đây thu gom đất xây dựng khu nghỉ dưỡng trái phép. Vì sao sự việc trên vẫn tồn tại?

Chỉ cách trung tâm Thủ đô khoảng 30 phút chạy xe thẳng cao tốc theo đường Đại lộ Thăng Long - Láng Hòa Lạc, xã Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội) được biết đến là chốn nghỉ dưỡng nhất nhì miền Bắc. Là nơi có phong cảnh hữu tình được thiên nhiên ưu đãi có núi non hùng vĩ, có hồ Đồng Mô bao bọc, nước trong xanh, không khí mát lành, cây cối tốt tươi với những đồi chè, gần khu du lịch Làng văn hóa các dân tộc...

Nơi đây, cũng là sự lựa chọn làm nơi nghỉ dưỡng lý tưởng vào dịp cuối tuần của các "đại gia" từ Thủ đô chật chội, ngột ngạt về đây nghỉ ngơi, thư giãn. Nhất là thích hợp với những "đại gia" muốn trở lại với thiên nhiên để thành lão nông với các thú vui tao nhã.

Nhiều biệt thự nghỉ dưỡng được xây dựng trên đất nông trường

Để có cái nhìn đa chiều, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã trực tiếp về xã Yên Bài khảo sát tình hình và được chứng kiến sự “nhiệt tình” của các “cò đất” là người địa phương.

Những bức tường được xây quây kín để đánh dấu lô đất đã được bán.

Chỉ cần đặt vấn đề muốn mua đất, là PV đã nhận được nhiều lời mời có cánh. Tiếp xúc với PV một người dân cho biết: “Anh chị cứ đi dọc cả khu này chỗ nào cũng có đất người ta đang muốn bán, có những chỗ đã xây dựng tường bao quanh là đã mua được rồi và họ quây vào để đánh dấu phạm vi, chuẩn bị xây dựng”.

Trong vai một "đại gia" thị thành về đây để tìm mua đất, xây biệt thự, phóng viên được một người dân- "cò đất" có tiếng giới thiệu các lô đất đẹp, muôn vàn lợi ích khi mua tại đây. Người này còn đưa ra các dẫn chứng về một vị "đại gia". Theo lời giới thiệu của "cò đất" thì vị "đại gia" kia có tiếng ở Hà Nội đã mua và xây được những dinh biệt thự hoành tráng gần gũi với thiên nhiên để tạo sự tin tưởng.

Thế nhưng, khi đề cập đến việc có sổ đỏ của thửa mua không thì người dân cho biết: “Không có sổ đỏ đâu vì đât là đất nông trường Việt Mông giao khoán, bán thỏa thuận bằng giấy viết tay, có sự “giúp đỡ” từ chính quyền địa phương, vào xã Yên Bài xin giấy xác nhận mua bán, phương thức mua bán diễn ra nhanh chóng, đầy đủ thủ tục rất thuận tiện…”.

Những căn nhà thiết kế sang trọng, cầu kỳ nhưng vô cùng gần gũi với thiên nhiên được các "đại gia" xây dựng khi đã hoàn thành xong thủ tục mua bán "viết tay".


Không hiểu vì lý do gì, khi mua bán viết tay không có sổ đỏ nhưng các "đại gia" vẫn rất yên tâm săn đón các lô đất đẹp ở đây.


Theo chân “cò đất” tên Th., PV được giới thiệu về hàng loạt những nhà vườn “khủng” nơi đây, theo đó hầu hết những nhà vườn này được thiết kế thành những ngôi nhà tiện ích, phục vụ cho việc nghỉ dưỡng có vườn tược, cây cối, ao hồ...vào những ngày nghỉ của nhiều đại gia, nhà giàu sẽ chọn đây là ngôi nhà thứ 2 trở về từ Thủ đô.

Khảo sát tại khu vực đội 5 thôn Phú Yên, xã Yên Bài khu vực đội 5 chính là nơi giáp ranh với hai mặt hồ Đồng Mô được ghi nhận là nơi đất có giá nhất, với hàng chục trang trại, nhà nghỉ dưỡng quy mô lớn. Chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi những căn biệt thự được xây dựng hoành tráng, những khu trang trại rộng ngút tầm mắt là nơi “hưởng thụ” của những người giàu Thủ đô thích vui thú cảnh điền viên ngày cuối tuần.

Chính quyền và Nông trường Việt Mông nói gì?

Để tìm hiểu thực hư câu chuyện của anh "cò đất" tên Th chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Huy, Phó chủ tịch UBND xã.

Ông Huy cho biết: "Toàn bộ diện tích đất của một "đại gia" (thông tin là của một quan chức cấp cao) trước là đất của Nông trường Hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ, trực thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn quản lý.

Các hộ dân của thôn đã được Nông trường giao khoán quản lý, sử dụng đất đai và đóng sản lượng hàng năm. Sau này Nông trường giải thể, đất đai cũng được phần lớn người dân mua bán trao tay cho nhau.

Chính quyền địa phương chỉ quản lý về mặt hành chính, còn việc mua bán hay trao đổi xã không có thẩm quyền can thiệp và xử lý. Trách nhiệm thuộc về chính nông trường Việt Mông".


Thiết kế vườn tược, có ao hồ phong cảnh hữu tình, yên bình.

Khi hỏi về việc nếu không được can thiệp xử lý thì về mặt quản lý, số diện tích đất trên thuộc địa phận xã, vậy xã có báo danh sách các hộ vi phạm lên huyện hay không thì ông cho biết, có.

Nhưng khi xin được cung cấp thì ông Huy cho biết đã gửi lên huyện, không thể cung cấp được?!

Ngoài ra, ông Huy cũng khẳng định: “Việc mua bán này là được phép, việc xây dựng nhà trên đất nông trường Việt Mông giao thì do trong hợp đồng giao đất có những hợp đồng khi tôi tiếp nhận thì có ghi 300m2 đất thổ cư”.

Trực tiếp tại buổi làm việc trên, PV có gọi điện thoại cho ông Trương Hồng Ngọc - Tổng giám đốc Công ty CP Việt - Mông (tiền thân là Nông trường Việt - Mông - PV) ông lại trả lời như sau: “Khu đất này công ty tôi đã giao lại hoàn toàn cho huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây quản lý từ năm 2016 hiện công ty tôi là doanh nghiệp thuần túy, không quản lý khu đất đó nữa”.


Khu đất này được người dân cho biết chủ nhân là một nhân vật có tầm cỡ tại Hà Nội, đã và đang tiếp tục mở rộng khu đất, san lấp mặt bằng để xây dựng thành khu nghỉ dưỡng... "khủng".

Ông Ngọc cũng khẳng định, 300m2 đất thổ cư mà vị Phó chủ tịch nói trên chỉ được phép xây dựng nhà tạm bợ, nhà để nguyên vật liệu và các hộ không được phép mua bán.

Tiếp tục làm việc làm việc với ông Nguyễn Văn Trường – Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Ba Vì, ông Trường cho biết: “Tôi khẳng định việc xây dựng trang trại, khu nghỉ dưỡng trên đất của nông trường như vậy là sai, không đúng với mục đích sử dụng đất. Đất của nông trường thỉ chỉ được phép phát triển kinh tế, trồng trọt”.

Đề cập đến vấn đề kiểm tra, thanh tra hàng năm của Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Ba Vì đối với các dự án sai phạm trên ông trả lời rằng do đất của Nông trường Việt Mông nên huyện không xử lý được.

Ông Trường khẳng định, Nông trường Việt Mông không tiến hành giao đất như ông Ngọc Giám đốc nói, mà năm 2016 chỉ được bàn giao mốc giới chứ toàn bộ diện tích vẫn thuộc của nông trường.


Việc mua bán trao đổi , xây dựng trái phép trên đất nông trường này đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng không hiểu lý do gì vẫn được diễn ra công khai, không bị bất cứ cơ quan nào xử lý.

Khi hỏi các văn bản xã gửi danh sách sai phạm lên huyện và huyện gửi văn bản tham mưu lên Thành phố thì ông Trường nói có đầy đủ nhưng không thể cung cấp được, phải có sự chỉ đạo của Chủ tịch huyện.


Nếu là ngày thường thì những chiếc cổng này luôn trong tình trạng đóng cửa. Tuy nhiên, khi hỏi người dân thì các dự án này thường có người được thuê trông giữ, camera giám sát giăng đầy vườn...

Tuy nhiên, khi PV gọi điện trực tiếp cho ông Dần - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì thì ông Dần đáp rằng: “Cần gì cứ bảo Trường cung cấp, cái sự việc này cũ rồi bới móc làm gì, tìm cái vui tươi mà làm...”!? Và phía ông Trường cũng không cung cấp bất kể tài liệu liên quan nào.

Như vậy có thể thấy vấn đề quản lý đất đai tại địa bàn huyện Ba Vì vô cùng phức tạp, có dấu hiệu buông lỏng, mập mờ và không rõ ràng. Bởi, đất nông trường Việt Mông giao khoán cho dân, nông trường khẳng định không được mua bán, chỉ được sản xuất, chỉ được xây nhà tạm bợ và năm 2016 đã bàn giao cho chính quyền, chính quyền xã huyện lại nói chưa bàn giao, không nắm được và tình trạng mua bán trái phép, xây dựng khu nghỉ dưỡng, biệt phủ, tự san lấp mặt bằng, hồ Đồng Mô,.... diễn ra công khai và dễ như “đi chợ”.

Vì sao sự việc này đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng không bị xử lý mà ngang nhiên tiếp diễn?

Cũng trong quá trình điều tra tìm hiểu, PV còn tiếp nhận được thông tin về nhiều trang trại, biệt phủ có quy mô "khủng" được vài nhân vật có tiếng tăm tại Hà Nội về đây thu mua thâu tóm và xây dựng khu nghỉ dưỡng trái phép.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Trước đó, theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, đã ghi nhận gần 60 căn biệt thự mang tên Điền Viên Thôn nằm trong diện tích gần 4,8ha là công trình xây dựng sai phép. Toàn bộ diện tích 4.8ha tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì do một cá nhân đại diện mua lại từ các hộ gia đình, cá nhân trong xã Yên Bài nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cũng theo một diễn biến khác cho thấy, đối với những căn biệt thự này chủ đầu tư cũng rao bán các căn biệt thự 2 tầng và các nhà kiểu 3 gian truyền thống với giá trên 1 tỉ đồng/căn.

Được biết, phần lớn đất đai tại thôn Phú Yên trước kia do Nông trường Hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ quản lý. Các hộ dân của thôn đã được Nông trường giao khoán quản lý, sử dụng đất đai và đóng sản lượng hàng năm. Sau này Nông trường giải thể, đất đai phần lớn cũng được người dân mua bán cho những người có tiền có của làm trang trại hoặc khu nghỉ dưỡng quy mô lớn.

Tại thôn Phú Yên nơi có vị trí tương đối đẹp, hai mặt giáp hồ lớn nên hầu hết những khu đất tại đây đã được các “đại gia” thôn tính làm nơi nghỉ dưỡng. Không chỉ “thôn tính” đất đai của người dân, mà những trang trại này còn “tự tiện” san lấp, lấn chiếm diện tích hồ Đồng Mô với diện tích lớn.

Theo Môi trường và đô thị

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến