Dòng sự kiện:
Bắc Giang: Phòng khám thuê bác sỹ, giả chữ ký 'nhân bản' hồ sơ BHYT?
07/10/2020 10:15:09
Thuê bác sỹ đứng tên khám bệnh, Phòng khám Đa khoa Y cao - Hà Nội bị tố làm giả chữ ký, lập khống hồ sơ trục lợi tiền quỹ Bảo hiểm Y tế.

Phòng khám Đa khoa Y Cao - Hà Nội tại phố Bằng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

Bác sỹ khám bệnh cách... 200 km

Báo Giao thông nhận được phản ánh của nhiều người dân tại huyện Lạng Giang về việc Phòng khám Đa khoa Y cao - Hà Nội của Công ty CP Y Dược Bằng An, địa chỉ tại phố Bằng, xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang thuê bác sĩ đứng tên, lập khống hồ sơ trục lợi tiền quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT).

Trong đó, nguồn tin cho biết, Phòng khám hiện có 11 bác sĩ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, trên thực tế, một người trong số này chỉ là “hữu danh, vô thực”, được Phòng khám thuê hồ sơ cho đẹp, trên thực tế họ không làm việc, khám bệnh ở đây.

“Trong số này có bác sĩ Hoàng Văn Lư, đứng tên Khoa Ngoại; bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, chuyên khoa Chuẩn đoán hình ảnh đều không làm việc, khám bệnh nhưng họ vẫn đứng tên khám và ký hồ sơ bệnh án, thanh toán BHYT. Phương thức hoạt động này đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng chưa bị cơ quan chức năng nào phát hiện, kiểm tra, xử lý”, nguồn tin cho biết.

Chi tiết những lần khám, chữa bệnh, đề nghị thanh toán BHYT của Phòng khám Đa khoa Y Cao - Hà Nội của bà Nguyễn Thị Ngát.

Theo người dân, tình trạng trên đã dẫn đến nhiều sai sót chuyên môn nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe, tính mạng của họ. Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Tạ Văn Hạ (SN 1954, trú tại thôn Bằng, xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang) bức xúc: Cách đây hơn 2 tháng, vợ tôi là Hoàng Thị Oanh (SN 1954) bị ngã, đau chân nên tôi đưa đến Phòng khám Y Cao - Hà Nội khám.

Sau khi chụp chiếu, xét nghiệm, bác sĩ Trần Thật, phụ trách chuyên môn kỹ thuật ở đây khẳng định là xương không bị ảnh hưởng, chỉ bị tổn thương phần mềm nên chỉ định dùng đá lạnh chườm vài hôm là khỏi.

Tuy vậy, sau 5 ngày điều trị theo phương pháp trên, chân bà Oanh vẫn sưng, đau, tím đen, gia đình tá hỏa đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu. “May đưa đi kịp, nếu không bà nhà tôi sẽ phải phẫu thuật, có nguy cơ hoại tử, thay xương chân. Tôi rất bức xúc vì đến nay Phòng khám trên vẫn chưa có lời xin lỗi gia đình tôi”, ông Hạ cho biết.

Ông Hạ cũng chia sẻ thêm, cách đó không lâu, cháu ông là chị Nguyễn Thị Hiền, ở cùng thôn cũng đến đây khám bệnh, đã nói rõ với bác sĩ là bị dị ứng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, trong đơn thuốc vẫn chỉ định loại thuốc này kiến chị Hiền bị sốc phản vệ, phải đến bệnh viện cấp cứu.

Thống kê các lần khám, đề nghị thanh toán BHYT của ông Cao Văn Hiền.

Nhằm kiểm chứng thông tin người dân phản ánh, ngày 5/10, PV Báo Giao thông đã có mặt “mục sở thị” hoạt động của phòng khám này.

Trả lời câu hỏi của PV, ông Nguyễn Công Hậu, CTHĐQT, kiêm Giám đốc Công ty CP Y Dược Bằng An khẳng định: Đúng là bác sĩ Hoàng Văn Lư và Nguyễn Ngọc Quang đang công tác tại đơn vị. Tuy nhiên từ ngày 1/10 vừa qua, Phòng khám đã bỏ Khoa Ngoại nên bác sĩ Lư không làm nữa chỉ còn bác sĩ Quang đang phụ trách Khoa Chẩn đoán hình ảnh và đang ở phòng khám.

Tuy vậy, trao đổi với PV Báo Giao thông, bác sĩ Hoàng Văn Lư cho biết: “Tôi năm nay đã hơn 70 tuổi, nhiều năm không tham gia khám, chữa bệnh ở đâu. Việc đứng tên khám bệnh tại phòng khám trên là do họ thuê hồ sơ, bằng cấp của tôi”.

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Quang cũng cho biết: “Tôi đang ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình (cách phòng khám trên khoảng 200 km - PV), tôi không trực tiếp khám, chữa bệnh ở đó bao giờ, tất cả là do tôi cho họ thuê bằng cấp, hồ sơ”.

Nhân bản bệnh án, trục lợi BHYT

Không chỉ thuê bác sĩ, sai sót chuyên môn, Phòng khám trên còn bị nhiều bệnh nhân tố lợi dụng thẻ BHYT của họ để trục lợi Quỹ bảo hiểm.

Đơn cử, bà Nguyễn Thị Ngát (SN 1959, trú tại thôn Vàng, xã An Hà, huyện Lạng Giang) cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay tôi chỉ được đến Phòng khám này 3 lần để khám họng, gót chân và khám định kỳ bệnh cao huyết áp.

Tuy nhiên, theo tài liệu PV thu thập được, bà Ngát đã đến phòng khám trên 11 lần, tổng số tiền đề nghị thanh toán BHYT lên đến vài triệu đồng?.

Tương tự, cũng có 9 lần liên tiếp khám và đề nghị thanh toán tiền BHYT với số tiền vài triệu đồng, ông Cao Văn Hiền (SN 1956, trú tại thôn Vàng, xã An Hà, huyện Lạng Giang) bức xúc: Từ đầu năm đến nay tôi chỉ được khám ở đây 2 lần nhưng không hiểu sao lại bị “nhân bản” nhiều lần như vậy.

“Tôi nghi ngờ có hành vi giả mạo chữ ký của tôi để trục lợi vì các tháng 2,3,4 và tháng 8, cả khu vực đang cách li phòng dịch Covid-19, tôi còn chẳng ra khỏi thôn. Thuốc điều trị huyết áp cũng được họ cấp vài tháng liền nên không có chuyện tôi đến khám bệnh, đề nghị thanh toán tiền BHYT”, ông Hiền khẳng định.

Trao đổi với PV về tình trạng trên ông Thân Đức Lại, Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang cho biết, đơn vị đã nhận được phản ánh của người dân về các dấu hiệu trục lợi BHYT của Phòng khám Đa khoa Y Cao - Hà Nội. BHXH tỉnh Bắc Giang đang giao các phòng nghiệp vụ xác minh, xử lý theo quy định.

Lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế Bắc Giang cũng khẳng định: Nếu những thông tin phản ánh trên là chính xác thì Phòng khám này đang giả mạo hồ sơ để trục lợi BHYT, không đáp ứng chuyên môn khám, chữa bệnh. Trước mắt đơn vị sẽ đề nghị BHXH tỉnh từ chối thanh toán BHYT các khoản nghi ngờ lập khống, trục lợi để thanh tra toàn diện phòng khám này để có biện pháp xử lý phù hợp.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Tác giả: Hồng Nguyên
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến